Vẫn chưa rõ những chiến thắng này là tạm thời hay vĩnh viễn...
Loài người chúng ta là một giống loài bất trị. Nằm dưới sự cai trị của thiên nhiên với những quy luật rõ ràng và nghiêm ngặt, nhưng chúng ta vẫn tỏ ra ngang bướng và bước ra ngoài tầm quy luật ấy. Đã không ít lần con người phải trả giá vì dám phá vỡ những quy tắc này, nhưng cũng không ít lần chúng ta thành công và cứu sống tính mạng của hàng triệu người. Qua bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi điểm qua những lần loài người thành công trong việc dám đứng lên thách thức Mẹ thiên nhiên.
Đường hầm Gotthard
Một trong những cách thể hiện sự thách thức nhất với Mẹ thiên nhiên – đó là đào hầm xuyên qua một trong những dãy núi vĩ đại nhất Trái đất. Đó cũng chính là những gì người dân Thụy Sĩ muốn, khi đồng tình bỏ phiếu cho việc gây dựng vốn để xây đường hầm dài tới 57 km xuyên qua trung tâm dãy núi Alps. Khi hoàn thiện vào năm 2016, nó trở thành đường hầm dài nhất thế giới.
Để hoàn thiện tuyến đường này, 2600 người công nhân đã phải làm việc vô cùng vất vả qua hàng trăm loại đất đá với khối lượng lên tới 31 tấn, cùng với đó là 5,2 triệu mét khối xi măng và hàng hà sa số các loại nguyên vật liệu khác. Cũng không bất ngờ khi công trình này mất tới 17 năm hoàn thiện và đi đôi với nguồn kinh phí khổng lồ: 12,5 tỉ USD.
Dịch tả ở London năm 1854
Mẹ thiên nhiên đã nhiều lần muốn loài người tuyệt diệt bằng vô số các dịch bệnh khác nhau, ngay từ khi chúng ta mới đứng thẳng trên 2 chân mình. Và loài người dường như bất lực trước những cơn thịnh nộ này, mãi cho tới cách đây khoảng 200 năm, khi chúng ta bắt đầu hiểu rõ hơn về các căn nguyên truyền nhiễm.
Cột mốc đáng nhớ đó chính là dịch tả năm 1854 tại London. Chỉ trong 1 tuần, ước tính có tới 500 người đã chết vì căn bệnh phẩy khuẩn tả, với các triệu chứng tiêu chảy, mất nước, cuối cùng là shock và tử vong. Trong khi nhiều người đổ lỗi cho “khí độc”, “tà pháp”, “phù thủy”, thì riêng mình bác sĩ John Snow đã bắt đầu thăm dò và khoanh vùng các khu dân cư dính bệnh dịch. Chính từ đây, ông đã tìm ra mấu chốt vấn đề: tất cả các điểm nóng của bệnh dịch đều nằm quanh khu vực đường nước thải Broad Street. Bác sĩ Snow đã vận động chính quyền đóng cửa và tẩy rửa tận gốc đường dẫn nước này, sau khi phát hiện ra nó đã bị nhiễm bẩn trầm trọng.
Khi dịch bệnh chấm dứt, bác sĩ Snow đã chứng minh rằng, loài người hoàn toàn có thể sử dụng đầu óc của mình để chống lại bệnh dịch, thông qua việc tìm hiểu kỹ căn nguyên, mô hình bệnh tật cũng như cách thức lây truyền. Đây cũng chính là tiền đề cho sự phát triển của dịch tễ học hiện đại.
Phân bón Nitrogen tổng hợp
Đây vừa được coi là thành công, vừa được coi là thất bại của con người. Phân bón nitrogen tổng hợp, một mặt là phép màu trong ngành nông nghiệp, giúp cung cấp lương thực cho một số lượng dân cư gia tăng chóng mặt, mặt khác, nó cũng tạo ra vô số hệ lụy mà chúng ta vẫn phải đương đầu cho tới tận ngày hôm nay.
Để hiểu được vai trò của loại phân bón nitrogen tổng hợp này, chúng ta cần biết rằng nitơ có vai trò vô cùng quan trọng với cây trồng. Các nguồn nitơ hữu cơ trong tự nhiên là vô cùng hạn chế, và để đáp ứng cho nhu cầu ngày một gia tăng, nhà hóa Fritz Haber đã tìm ra cách chuyển nitơ ở dạng khí trời sang hợp chất ammonia, một loại hợp chất mà cây trồng có thể hấp thụ được. Và đây cũng là nguyên nhân chính khiên dân số toàn cầu gia tăng một cách phi mã từ 1,6 tỷ lên 6 tỷ chỉ trong thế kỷ 20, mà không hề lo ngại vấn đề về lương thực.
Vaccine đậu mùa
Đây là bài học lớn nhất mà Mẹ thiên nhiên dạy chúng ta: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Và đôi khi, chúng ta đã thực hiện khẩu hiệu này tốt đến mức, loài người đã loại bỏ hoàn toàn một số loại mầm bệnh ra khỏi Trái đất.
Một trong số đó chính là virus đậu mùa. Các nhà khoa học tin rằng chúng bắt đầu xuất hiện tại châu Phi vào cách đây hơn 10,000 năm, và cho đến thế kỷ thứ 18, nó đã gây tử vong cho hơn 14% dân số toàn cầu. Nếu con số này là chưa đủ, có lẽ viễn cảnh sau đây sẽ giúp bạn hình dung cụ thể hơn: nó đã quét sạch hình bóng cư dân bản địa tại Bắc và Nam Mỹ, khi quân xâm lược châu Âu tới và mang theo mầm bệnh này.
Đó là lúc vị cứu tinh mang tên Edward Jenner xuất hiện. Ông nhận thấy rằng, những người làm nghề vắt sữa bò rất hiếm khi mắc đậu mùa. Ông cho rằng, đó là do họ đã mắc phải một chứng bệnh tương tự, có tên là bệnh đậu bò. Đó là lúc ông có một quyết định điên rồ: gây nhiễm đậu bò có chủ đích cho một bệnh nhân, rồi tiếp tục gây nhiễm đậu mùa cho bệnh nhân này. Sức đề kháng được tạo ra từ mầm bệnh đậu bò khiến bệnh nhân này không mắc phải bệnh đậu mùa, và từ đó, vaccine chính thức ra đời. Cho đến hàng trăm năm sau, vào năm 1980, tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố loại trừ bệnh đậu mùa. Liều vaccine của Edward Jenner đã cứu mạng cho khoảng hơn 5 triệu người mỗi năm.
Lương thực biến đổi gen
Nếu là một người chăm nghe thời sự, hẳn bạn không còn xa lạ gì với khái niệm này. Và hẳn bạn cũng đã biết sự gay gắt và ngờ vực của mọi người đối với chúng. Tất nhiên, dù chúng có được biến đổi để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn, và ngon miệng hơn với chúng ta, nhưng có ai mà không nghi ngại, khi giới khoa học bắt đầu can thiệp một cách thô bạo vào các sản phẩm tự nhiên?
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1992, khi sản phẩm cà chua Calgene’s Flavr Savr trở thành sản phẩm biến đổi gen đầu tiên được chấp thuận sử dụng bởi bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Một kỷ nguyên mới của thực phẩm biến đổi gen mở ra, khi hàng loạt loại lương thực được biến đổi nhằm sở hữu các đặc tính theo mong muốn của con người. Đó là sự kháng lại các tác nhân bất lợi như thời tiết, thiên địch, các loại động vật phá hoại mùa màng, hoặc đó cũng có thể là sự gia tăng các loại chất dinh dưỡng. Một trong những thành tựu lớn nhất là loại gạo biến đổi gen nhằm làm gia tăng hàm lượng vitamin A, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin A trước đó phổ biến ở hơn 50% dân số toàn cầu.
Vẫn chưa biết những thắng lợi này của nhân loại trước Mẹ thiên nhiên là tạm thời hay vĩnh viễn, khi bài toán lợi ích và nguy cơ vẫn đang hiển hiện rõ trước mắt. Hi vọng rằng những chính sách phát triển bền vững và thân thiện với tự nhiên sẽ sớm được áp dụng, nếu không, cái ngày chúng ta gánh chịu cơn thịnh nộ của Mẹ thiên nhiên có lẽ chẳng còn xa nữa.
Tham khảo: Howstuffworks.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"