Những chuyện ít người biết về Hachiko - chú chó đứng ở sân ga 10 năm đợi chủ đã trở thành biểu tượng của lòng trung thành
Câu chuyện của chú chó Hachiko - nguyên mẫu phim nổi tiếng đã lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả.
Nhắc đến cái tên Hachiko, hẳn nhiều người không còn thấy xa lạ. Đây là một chú chó nổi tiếng có thật tại Nhật Bản. Hachiko thuộc giống chó Akita, sinh ngày 10/11/1923 tại một nông trại ở tỉnh Akita. Sau đó, nó đã được người chủ của mình là Hidesaburo Ueno - một giáo sư ngành nông nghiệp tại Đại học Hoàng gia Tokyo đem lên Tokyo sinh sống. Suốt nhiều năm liền, chiều nào Hachiko cũng đến nhà ga Shibuya để đợi chủ đi làm về.
Bộ phim Hachiko (2009) do Hollywood chuyển thể
Vào ngày 21/5/1925, ông Ueno đã đột ngột qua đời vì bị đột quỵ lúc đang dạy học. Đó là ngày đầu tiên vào lúc 3 giờ chiều, Hachiko không thấy bóng dáng thân quen của người chủ ở cổng ga tàu. Thế nhưng từ đó, chiều nào cũng vậy, chú chó trung thành vẫn chạy đến cửa nhà ga Shibuya để đợi chủ trở về, chờ đợi một phép màu trong vô vọng. Hành trình này kéo dài liên tục 9 năm 9 tháng trời đằng đẵng, cho đến ngày chính Hachiko cũng ra đi vào ngày 8/3/1935.
Câu chuyện vô cùng cảm động về chú chó Hachiko đã được lan truyền khắp Nhật Bản và về sau còn được dựng thành tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Tại nhà ga Shibuya giữa trung tâm Tokyo này nay vẫn có bức tượng Hachiko để tưởng niệm chú chó trung thành này. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều sự thật thú vị về Hachiko khác nữa mà không phải ai cũng biết.
1. Hachiko không phải tên thật
Hachiko là một chú chó Akita thuần chủng được sinh ra tại thành phố Odate, tỉnh Akita. Hachiko đã được bán với giá 30 yên cho Hidesaburo Ueno. Đây là một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Tại thành phố Odate hiện nay cũng có bức tượng Hachiko nằm trước cửa nhà ga trung tâm lớn nhất.
Vì Hachiko được vận chuyển lên chuyến tàu tốc hành để đến Tokyo vào 8 giờ tối, giáo sư Ueno đã đặt tên luôn cho cún cưng của mình là Hachi, có nghĩa là số 8 trong tiếng Nhật. Mãi về sau, khi đã qua đời và nổi tiếng, mọi người mới thêm hậu tố "ko" vào tên của Hachi vì đây là chữ để bày tỏ sự tôn trọng trong cách đặt tên của người Nhật. Lâu dần, mọi người đều gọi Hachi là Hachiko.
2. Hachiko đã được đem đến nhiều gia đình khác nhau sau khi chủ qua đời
Sau khi giáo sư Ueno qua đời, gia đình đã đem Hachiko tặng cho nơi khác nuôi. Thế nhưng dù là đến nhà nào, Hachiko vẫn tìm được đường để chạy đến nhà ga Shibuya mỗi buổi chiều. Có những nhà cách ga đến vài dặm nhưng Hachiko vẫn kiên trì với hành trình của mình. Sau nhiều lần đổi chủ, cuối cùng nó cũng "định cư" với người chủ mới là một người làm vườn cho ông Ueno lúc sinh thời tên Kikuzaburo Kobayashi. Vì gia đình Kobayashi sống khá gần ga Shibuya nên mỗi chiều, Hachiko cũng tiện đến đó hơn.
Ga Shibuya vào những năm 1920
3. Vì sao câu chuyện của Hachiko lại được lan truyền?
Vào năm 1932, khi Hachiko vẫn còn sống, ông Hirokichi Saito - Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn chó Nhật Bản đã nghe được câu chuyện về chú chó ngày ngày đợi người chủ đã khuất. Hirokichi Saito chính là một học sinh cũ của giáo sư Ueno và là chuyên gia nghiên cứu về giống chó Akita.
Ông đã viết câu chuyện này lên tạp chí Asahi Shibum và nó nhanh chóng được lan truyền khắp nước Nhật vì làm lay động trái tim mọi người. Hachiko đã trở nên nổi tiếng từ đó và được gọi là biểu tượng của lòng trung thành.
5. Hachiko đã trở thành chú chó hút khách du lịch cho địa phương
Sau khi được lên báo, Hachiko được người dân cả nước Nhật yêu mến. Kể từ đó, ngày ngày lúc nào cũng có người tới nhà ga Shibuya không phải để đi tàu, mà là để gặp Hachiko. Thậm chí, có nhiều người sẵn sàng lặn lội đường xa từ những tỉnh thành khác lên Tokyo chỉ để được nhìn tận mắt chú chó nổi tiếng.
Vào năm 1934, trước khi qua đời 1 năm, chú chó Hachiko đã được tạc tượng và dựng ở giữa trung tâm ga Shibuya. Tác giả bức tượng nổi tiếng này là nhà điêu khắc Teru Ando, đồng thời cũng là một người bạn của Chủ tịch Hirokichi Saito. Tượng của Hachiko đã từng bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Về sau, chính con trai của Teru Ando đã dựng lại bức tượng mới một lần nữa.
Hiện tại, nội tạng của chú chó nổi tiếng vẫn đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Khoa Nông nghiệp của Đại học Tokyo. Bộ lông nguyên bản của Hachiko cũng được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia về Tự nhiên và Khoa học.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 16 Pro Max bản khóa SIM tràn về Việt Nam, giá rẻ hơn 7 triệu đồng
Tuy nhiên, cũng như các thế hệ trước, iPhone 16 Pro Max Lock vẫn tồn tại hàng loạt những hạn chế.
Elon Musk dùng “đũa máy khổng lồ” gắp thành công tàu vũ trụ đang lơ lửng trên không