Hiện có hơn 208 công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 21 công ty khởi nghiệp thậm chí được định giá cao hơn nữa, vượt quá 10 tỷ USD.
Câu chuyện về sự lụi tàn của kỳ lân công nghệ dường như đang bị cường điệu hóa. Báo cáo mới đây nhất của Spoke Intelligence và CB Profiles cho thấy hiện có hơn 208 công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD - hay còn được gọi là kỳ lân (unicorn) và 21 công ty khởi nghiệp thậm chí được định giá cao hơn nữa, vượt quá 10 tỷ USD (decacorn).
Hầu hết trong số đó có trụ sở tại California, Mỹ.
98 chú kỳ lân hiện đang hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, đặc biệt là bán lẻ và nền kinh tế chia sẻ. Ví dụ về những chú kỳ lân trong lĩnh vực bán lẻ có thể kể đến như chợ trực tuyến Etsy.
Trong nền kinh tế chia sẻ, những cái tên phải kể tới đầu tiên là Airbnb và Lyft. 112 chú kỳ lân khác là doanh nghiệp được thành lập trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghệ hay ngành công nghiệp thực tế ảo như công nghệ tài chính, công nghệ sức khỏe, Internet of Things (IoT)…
“Kỳ lân xuất hiện ở khắp mọi nơi trong lĩnh vực công nghệ” CEO của Spoke là Phillipe Cases nói.
Ví dụ trong lĩnh vực IoT có thể kể đến là Nest (công ty được mua lại bởi Google) hay DJI (công ty máy bay không người lái) và Jasper Technologies – công ty xây dựng công nghệ cho xe tự lái.
Kỳ lân “sống” ở đâu?
Hầu hết, 101 chú kỳ lân có trụ ở tại California, Mỹ. 23 chú kỳ lân khác tại New York và một số nơi khác như Massachusetts, Texas và Illionis. Châu Âu chỉ có 13 chú kỳ lân, xuất hiện tại Đức, Anh... Ít hơn 33 chú kỳ lân ở quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.
Điều thú vị là châu Âu xếp thứ hạng thấp trong cả 2 tiêu chí gồm số lượng kỳ lân và giá trị nó tạo ra. Trong khi trung bình kỳ lân trên toàn cầu có tỷ lệ thu hồi lại vốn gấp 7 lần thì con số tương tự ở châu Âu chỉ là 4,5 lần. Ngoài ra, khu vực này cũng không tạo ra được bất kỳ decacorn nào.
2015: Năm của kỳ lân
2015 là năm của các kỳ lân công nghệ với 81 chú kỳ lân mới ra đời, bao gồm cả một decacorn. Điều thú vị là 40% chú kỳ lân trong năm 2015 có trụ sở bên ngoài Mỹ. Tỷ lệ đó với tất cả kỳ lân là trên 30% - điều đó có nghĩa là những công ty khởi nghiệp được định giá cao đang trở nên toàn cầu hơn.
Cũng cần phải lưu ý rằng Spoke sử dụng định nghĩa về “kỳ lân” để chỉ bất kỳ công ty nào được định giá lớn hơn 1 tỷ USD và được thành lập từ ít hơn 25 năm trước. Đó là một khoảng thời gian dài nhưng trên thực tế 75% số những công ty trong danh sách này được thành lập trong khoảng 10 năm trở lại đây.
“Cần khá nhiều thời gian để tạo ra một chú kỳ lân – thời gian trung bình là 6 năm. 75% kỳ lân kể trên vẫn tồn tại, 52 kỳ lân bị loại khỏi danh sách thì một nửa được mua lại, một nửa IPO”.
Dữ liệu của Spoke cũng cho thấy những “nguyên liệu” tạo nên một kỳ lân bao gồm: Ý tưởng tốt, sự thực thi tuyệt vời và thời điểm đúng đắn. Không chỉ mất khoảng 6 năm để xây dựng, họ còn cần phải huy động được 95 triệu USD để đạt được danh hiệu này.
Môi trường đầu tư 2015 nổi bật với những đặc điểm như lãi suất thấp, lượng vốn đầu tư khổng lồ của các tổ chức hay những thỏa thuận rút lui trong im lặng của các nhà đầu tư đã tạo ra những vòng huy động vốn khổng lồ giống như các khoản cho vay hơn là vốn đầu tư mạo hiểm.
Tất cả những điều này khiến việc định giá các kỳ lân công nghệ trở nên quá cao, đến mức khó có thể chấp nhận được. Vì vậy, lời cảnh báo đưa ra là khi nói về kỳ lân công nghệ, đặc biệt là trong năm 2016 cần phải thận trọng hơn.
Tuy vậy, bỏ qua hoàn toàn những chú kỳ lân cũng không phải là một ý tưởng khôn ngoan, nhất là trong thời điểm các công ty công nghệ di động đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, như dữ liệu chỉ ra ở trên, càng liều lĩnh đặt cược bao nhiêu vào các kỳ lân, bạn càng có cơ hội thu về khoản tiền lớn bấy nhiêu. Trong khi các kỳ lân thông thường có tỷ lệ thu hồi vốn gấp 7 lần thì con số tương tự với các decacorn lên tới 10 lần.
Ai đang đầu tư vào kỳ lân?
Có thể nói kỳ lân hiện là mỏ vàng của những công ty đầu tư trên thế giới. Những công ty hàng đầu bao gồm Sequoia với khoản đầu tư vào 37 chú kỳ lân và decacorn hay Accel Partner đầu tư vào 29 kỳ lân và Andreessen Horowitz là 28 kỳ lân.
“Đầu tư vào kỳ lân rất rủi ro khi tỷ lệ lên tới 30% rút vốn ở mức thấp hơn so với giá trị của các kỳ lân. Tuy nhiên, nếu tiếp cận theo danh mục đầu tư, lợi nhuận sẽ lên tới hơn 78% mỗi năm”.
Những nhà đầu tư ở vòng cuối thường là các tên tuổi kỳ cựu như Goldman Sachs, Wellington Management và Insight Venture Parners.
Theo Vân Đàm/Cafebiz/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?