Bạn đã dùng thử “cái” nào trong số này chưa?
Bản thân Windows được Microsoft tích hợp khá nhiều các công cụ ẩn cho phép người dùng có thể chuẩn đoán và tối ưu hiệu suất của Windows một cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên, đa phần người dùng đều ít biết đến sự tồn tại của chúng hoặc chỉ sử dụng một vào trong số đó. Còn lại chắc hẳn người dùng vẫn còn chưa rõ công dụng của các công cụ này là như thế nào.
Bài viết này sẽ gợi ý đến bạn một số công cụ ẩn trong Windows và cách mà chúng hoạt động để mọi người có được cái nhìn tổng quan hơn về các công cụ này, cũng như sử dụng chúng ngay mà không cần phải dùng đến các công cụ của bên thứ ba. Nếu bạn quan tâm, sau đây sẽ là nội dung bài viết.
Troubleshooting
Nói nôm na thì Troubleshooting là một tập hợp các công cụ chuẩn đoán các vấn đề phần mềm, phần cứng, mạng, giao diện và bảo mật trên Windows.
Khi phát hiện Windows đang có một vấn đề nào đó thì tùy vào thành phần của nó mà bạn có thể lựa chọn khởi chạy Troubleshooting tương ứng.
Troubleshooting sẽ tiến hành phân tích (cả Online lẫn Offline) và đưa ra nguyên nhân, cũng như hướng khắc phục vấn đề để người dùng tham khảo và làm theo. Hoặc nếu vấn đề nằm trong khả năng xử lí của Troubleshooting, nó sẽ được tự động giải quyết cho bạn.
Bạn đọc có thể tìm thấy Troubleshooting bằng cách truy cập vào Control Panel > Troubleshooting.
File History Backup
Được xem là phiên bản rút gọn của tính năng System Restore, có thể hiểu cách hoạt động của File History Backup chỉ đơn giản là "chụp ảnh" (snapshot) những tập tin của người dùng theo từng phiên bản khác nhau. Sau đó, File History lưu những dữ liệu này vào một ổ đĩa gắn ngoài như USB hay các ổ cứng di động.
Để sử dụng tính năng này, bạn hãy kết nối thiết bị USB hay ổ cứng gắn ngoài vào máy tính. Sau đó mở ứng dụng Settings lên và truy cập vào Update & security > Backup.
Trong nhóm tùy chỉnh Backup, bạn hãy nhấn vào tùy chọn Add a drive trong phần tùy chỉnh Back up using File History.
Và lựa chọn thiết bị USB hay ổ cứng gắn ngoài mà bạn vừa kết nối ở trên để chọn làm thiết bị sao lưu.
Khi đã chọn xong, File History Backup sẽ được kích hoạt tự động làm việc. Để có thêm các tùy chọn cá nhân hóa cho tính năng này, bạn hãy nhấn vào More options.
Tại đây, bạn sẽ được cung cấp các lựa chọn sao lưu rất phong phú. Tùy vào mục đích của mình mà bạn có thể lựa chọn thời gian diễn ra việc sao lưu tự động (Back up my files) và bỏ qua các dữ liệu nằm ở các mốc thời gian được chỉ định (Keep my backups). Ngoài ra bạn còn có thể lựa chọn loại bỏ các thư mục sao lưu không cần thiết bằng cách nhấn chọn thư mục rồi nhấp vào tùy chọn Remove bên dưới.
Qua thời gian, người dùng sẽ có được nhiều phiên bản sao lưu khác nhau của dữ liệu và có thể trưng dụng lại mỗi khi cần thiết tựa như việc khôi phục lại dữ liệu bằng những phần mềm của một bên thứ 3 hoặc đơn giản hơn là restore máy tính về một trạng thái hoạt động ổn định trước đó.
Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm về File History Backup tại đây.
System Restore
Nếu bạn để ý thì Microsoft đã vô hiệu hóa tính năng System Restore theo mặc định bắt đầu từ Windows 10. Tuy bị vô hiệu hóa nhưng System Restore vẫn được Microsoft giữ lại trên Windows 10, và người dùng có thể dễ dàng kích hoạt lại tính năng này để an tâm hơn khi có sự cố với hệ thống bằng cách nhập từ khóa “system” vào ô tìm kiếm và nhấn và kết quả Create a restore point.
Hộp thoại System Properties xuất hiện, bạn sẽ thấy mặc định tính năng System Restore đã bị ẩn. Bây giờ hãy nhấp chọn vào phân vùng hệ thống (thường là ổ C – System) và nhấn Configure.
Hộp thoại System Protection của phân vùng chọn sẽ xuất hiện, bây giờ bạn hãy đánh dấu vào tùy chọn Turn on system protection và kéo thanh trượt ở Max Usage để giới hạn không gian sao lưu cho System Restore (tốt nhất là 20GB), sau đó nhấn Apply > OK để lưu lại.
Thế là xong việc kích hoạt tính năng System Restore trên Windows 10, giờ bạn chỉ việc nhấn OK để đóng cửa sổ System Properties lại là xong.
Windows Memory Diagnostic Tool
Windows Memory Diagnostic Tool được Microsoft phát triển với khả năng chẩn đoán những lỗi phát sinh đối với bộ nhớ RAM trên máy tính Windows. Bạn đọc có thể tìm thấy nó bằng cách truy cập vào Control Panel > Administrative Tools.
Và khi khởi chạy Windows Memory Diagnostic Tool, bạn sẽ được yêu cầu khởi động lại Windows để việc chuẩn đoán được chính xác hơn.
Bạn cũng đừng lo, vì quá trình làm việc của Windows Memory Diagnostic Tool sẽ diễn ra một cách tự động ngay sau khi bạn khởi động lại máy tính.
Và khi quá trình chuẩn đoán kết thúc, Windows sẽ khởi động lại một lần nữa và bạn sẽ thấy một bảng thông tin hiển thị dưới Taskbar với thông báo kết quả của thử nghiệm.
Windows Reliability Monitor
Có thể hiểu Windows Reliability Monitor là một ứng dụng theo dõi và đánh giá các thay đổi trên Windows. Các dữ liệu về hoạt động, cũng như vấn đề phát sinh trên máy tính Windows trong 24 giờ sẽ được liệt kê và đánh giá mức độ ổn định theo thang điểm từ 1 đến 10.
Ngoài ra, các vấn đề phát sinh trong Windows cũng được Windows Reliability Monitor ghi lại và cung cấp cho bạn các chuẩn đoán để khắc phục. Để truy cập vào công cụ này, bạn hãy nhập từ khóa “Reliability Monitor” vào ô tìm kiếm và nhấp vào kết quả đầu tiên như hình bên dưới.
Bên cạnh các báo cáo về các thay đổi trong ngày, Windows Reliability Monitor còn cung cấp cho người dùng các báo cáo theo tuần, hoặc các tùy chọn lưu trữ nội dung báo cáo (Save reliability history…) hay xem đầy đủ nội dung báo cáo (View all problem reports),.. thông qua các tùy chọn bên dưới.
Resource Monitor
Đây là công cụ giúp người dùng theo dõi các hoạt động của hệ thống mạng, khả năng lưu trữ và hiệu suất của hệ thống. Cụ thể các hoạt động của CPU, RAM, Disk, Network,… sẽ được hiển thị theo dạng biểu đồ theo thời gian thực.
Để truy cập đến công cụ này, bạn hãy mở Task Manager lên, nhấn vào tab Performance và nhấp vào tùy chọn Open Resource Monitor bên dưới.
Windows System Image
System Image hay hình ảnh hệ thống là một bản sao chính xác phân vùng chính cài đặt chính của Windows, tương tự như việc bạn tạo một tập tin Ghost cho Windows. Cái khác ở đây giữa việc Ghost và tạo System Image là việc System Image được Microsoft cung cấp như là một tính năng trong Windows. System Image về cơ bản là một bản sao (“image”) của ổ đĩa hay nói cách khác, người dùng có thể sử dụng System Image để khôi phục lại máy tính hoàn toàn.
Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo cách kích hoạt và sử dụng Windows System Image tại bài viết này.
Disk Defragmenter hay Defragment and Optimize Drives
Là gợi ý cuối cùng trong bài viết này, Disk Defragmenter sẽ giúp người dùng sắp xếp lại cách thức dữ liệu được lưu trữ trên ổ cứng nhằm cải thiện tốc độ truy xuất dữ liệu. Theo mặc định thì Defragment and Optimize Drives được thiết lập làm việc tự động mỗi 1 giờ sáng thứ Tư hàng tuần. Tất nhiên bạn cũng không cần để máy tính chạy suốt đêm vì trường hợp máy tính không hoạt động thì tiện ích sẽ tự động chuyển việc dồn đĩa sang thời điểm máy tính ở trạng thái rỗi (idle) trong lần kế tiếp.
Bạn đọc có thể truy cập vào công cụ này từ Control Panel > Administrative Tools.
Lưu ý rằng nếu bạn đang sử dụng ổ SSD, bạn không cần thực hiện việc dồn đĩa vì tuổi thọ mỗi ô nhớ được tính bằng số lần ghi giới hạn. Do đó, tốt nhất nên tắt thiết lập chống phân mảnh tự động bằng cách nhấn vào tùy chọn Change settings và bỏ đánh dấu vào tất cả các ô tùy chọn ở cửa sổ hiện lên.
Cuối cùng hãy nhấn OK để lưu lại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời