Những công nghệ tương tác không cần chạm làm thay đổi tương lai
Tương tác không cần chạm đang trở thành mục tiêu của nhiều hãng sản xuất máy tính và di động.
Sau nhiều năm phát triển không ngừng nghỉ, cách mà chúng ta tương tác với các thiết bị máy tính hay di động đang có sự thay đổi, không nhanh nhưng ngày càng có chiều sâu. Những chiếc điện thoại trước đây thường sử dụng các bàn phím số, bước tiếp theo là màn hình cảm ứng điện trở rồi màn hình điện dung. Nhưng trong tương lai, người dùng thậm chí có thể điều khiển thiết bị mà không cần chạm.
Tất cả đều sử dụng các thao tác gesture và được thiết bị ghi nhận nhờ camera. Tính ứng dụng của phương pháp này đã được nhiều nhà sản xuất quan tâm và phát triển thành công các phụ kiện hỗ trợ chơi game hay tích hợp trực tiếp vào các sản phẩm để nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Kinect trên Xbox 360, Leap Motion hay một số tính năng thông minh của Samsung Galaxy S4 đều là những sản phẩm mang tính đột phá của nền khoa học kỹ thuật đương đại.
1. Công nghệ giác quan thứ 6 “Sixth Sense”
Sixth Sense hay còn gọi là công nghệ giác quan thứ 6 đã từng được anh Pranav Mistry , một nhà sáng tạo đến từ viện công nghệ MIT nổi tiếng toàn cầu giới thiệu vào năm 2009 với mục tiêu liên kết ba nhân tố: Con Người, Thế Giới Ảo, và Cuộc Sống Hiện Thực.
Người dùng sẽ đơn giản đeo một thiết bị được tích hợp sẵn máy chiếu và camera trên cổ. SixthSense cho phép bạn chuyển các nội dung trên giấy, màn hình tablet, PC vào một màn hình kỹ thuật số nhờ camera và hệ thống máy chiếu mini hoặc ngược lại. Thậm chí, SixthSense còn hỗ trợ chụp ảnh, phóng to, tất cả đều dựa trên cử chỉ thao tác tay.
2. Kinect
Kết nối với hệ máy console Xbox 360 hay Xbox 360 Slim, Microsoft Kinect sử dụng một camera chuẩn bên cạnh cặp cảm biến cao cấp để nhận biết chuyển động người dùng. Từ những ghi nhận này, thiết bị sẽ chuyển thành hành động mô phỏng trong game. Về phía gamer, việc tương tác với hệ thống cũng rất đơn giản, thay vì cầm theo dụng cụ cảm ứng như Wii và PlayStation Move, mọi cử động như chạy, nhảy, nghiêng, lắc người... đã đủ để bạn hòa mình vào thế giới game.
Ngoài ra, Microsoft Kinect còn trang bị thêm khả năng nhận diện giọng nói. Người chơi chỉ cần hô mệnh lệnh để đổi trò, tắt tiếng, kích hoạt những dịch vụ như phim theo yêu cầu hoặc tán gẫu thời gian thực. Hệ thống bao gồm bốn micro được sắp xếp ở những vị trí không đối xứng, đạt hiệu quả cao trong việc thu tiếng người chơi, lọc âm ồn và nhận diện tiếng động từ tivi, loa để xử lý (tránh ảnh hưởng đến việc nhận diện khẩu lệnh). Tiềm năng phát triển của Kinect chắc chắn sẽ được mở rộng ở thế hệ thứ 2 với tính ứng dụng cao hơn và hỗ trợ rất nhiều hệ game hấp dẫn dành cho Xbox One.
3. Leap Motion
Leap Motion về cơ bản là một cảm biến không gian liên kết với máy tính thông qua giao tiếp USB. Nó có thể bắt được các chuyển động với độ chính xác 0,01 mm, cao gấp 100 lần so với hệ thống Kinect của Microsoft. Nhà sản xuất ban đầu định giá cảm biến này là 70 USD nhưng sau đó tăng lên 80 USD. Sản phẩm cũng sẽ hỗ trợ đa màn hình nên bạn chỉ cần 1 chiếc cảm biến này mà vẫn có thể sử dụng trên nhiều máy tính khác nhau.
Sự độc đáo của Leap Motion đã nhận được sự quan tâm khá lớn từ một số nhà sản xuất máy tính. Asus hồi đầu năm cho biết các laptop trong tương lai của họ sẽ được trang bị công nghệ điều khiển mới này, và mới đây HP cũng thông báo một số sản phẩm của họ cũng sẽ sử dụng cảm biến Leap Motion nhưng chưa nêu rõ trên model cụ thể nào.
4. Một số tính năng thông minh trên Galaxy S4
Sự tiến hóa của công nghệ là không có điểm dừng và Samsung không hề cho thấy hãng đang “nghỉ ngơi” trên những thành công đã đạt được. Hãng điện tử Hàn Quốc vẫn là một trong những người tiên phong trong việc phát triển các tính năng thông minh cho di động và Galaxy S4 là một minh chứng rõ nét cho điều này.
Air View và Air Gesture là 2 tính năng rất thú vị được Samsung trang bị trên chiếc điện thoại Galaxy S4. Air View là tính năng giống như khi sử dụng bút S Pen trên Galaxy Note 2. Người dùng Galaxy S4 có thể đặt ngón tay cách màn hình 1 đến 2 cm mà vẫn có thể xem các thông tin về một số nội dung. Chẳng hạn, khi bạn đặt ngón tay gần với một email, một tin nhắn hay một lịch hẹn trước, phần nội dung chính sẽ được hiển thị lên dưới dạng pop-up mà bạn không cần trực tiếp chạm để truy cập vào xem.
Trong khi đó, Air Gesture cũng có nguyên lý hoạt động tương tự như Air View. Tính năng này sẽ cho phép người dùng điều hướng mà không cần chạm vào màn hình. Bạn có thể vẫy tay sang trái và phải để chuyển qua lại giữa các tab khi duyệt web hoặc trên màn hình Home hay chuyển bài hát trong playlist. Tính năng này không thực sự mới, có lẽ Samsung đã “học tập” lại từ một số hãng di động khác.
Tạm kết
Các công nghệ tương tác dựa trên cử chỉ đang ngày càng được hoàn thiện để mang đến tính chính xác và nhiều ứng dụng hỗ trợ hơn nữa. Dù rằng Sixth Sense vẫn chưa thể đi vào thực tiễn nhưng nó chính là nền móng tạo ý tưởng phát triển cho Kinect hay Leap Motion sau này. Trong khi đó nếu đã từng sử dụng Air View trên Galaxy S4, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy nó khá tiện lợi và thú vị. Những công nghệ trên đây có thể sẽ định hình cho một giao thức tương tác mới trên các thiết bị máy tính và di động trong tương lai.
Tham khảo: Androidauthority.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple phát hành iOS 18 chính thức: Nhiều tùy chỉnh mới, khóa ứng dụng bằng Face ID... nhưng chưa có AI
iOS 18 mang tới nhiều tính năng, nhưng vẫn chưa có Apple Intelligence, bộ tính năng AI được người dùng iPhone mong chờ.
Công ty Trung Quốc nộp bằng sáng chế công nghệ độc quyền của ASML