Những cột mốc và thiết bị quan trọng trong lịch sử của Nokia
(GenK.vn) - Nokia là một cái tên đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Khi nhắc đến hãng này, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến một thời huy hoàng với sự có mặt của Nokia ở khắp mọi nơi.
Nokia là một cái tên đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Khi nhắc đến hãng này, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến một thời huy hoàng với sự có mặt của Nokia ở khắp mọi nơi, bao phủ từ những điện thoại phổ thông "đập đá" cho đến các máy "thông minh" N-Series, E-Series, sau này có thêm Asha và Lumia. Giờ đây, Nokia, một trong những hãng sản xuất điện thoại lâu đời và có tầm ảnh hưởng mạnh đến thế giới di động, đã về chung một ngọn cờ với Microsoft sau thương vụ trị giá 7,3 tỉ USD. Chúng ta hãy cùng xem lại những cột mốc cũng như các thiết bị quan trọng của công ty này nhé.
Trước hết mình xin tóm sơ một số thông tin chủ yếu về Nokia. Đây là một công ty Phần Lan chuyên kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin với trụ sở chính đặt tại Espoo, Phần Lan. Ngoài việc bán điện thoại và các thiết bị công nghệ thông tin di động, Nokia còn cung cấp các ứng dụng, game, nhạc, dịch vụ chuyển tin nhắn và nhiều loại nội dung đa phương tiện khác. Hãng cũng có hệ thống bản đồ kĩ thuật số miễn phí và dịch vụ định vị, chỉ đường ở nhiều nơi trên toàn cầu. Tính đến năm 2012, Nokia đã thuê 101.900 nhân viên ở 120 nước, bán hàng ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những ngày đầu thành lập
Lịch sử của Nokia bắt đầu từ năm 1865 khi kĩ sư khai mỏ Fredrik Idestam thành lập một công ty sản xuất giấy ở thị trấn Tampere phía Tây Nam của Phần Lan. Tới năm 1868, Idestam xây dựng nhà máy thứ hai ở thị trấn Nokia, cách Tampere 15km về phía Tây, và khu vực này nằm kế con sô Nokianvirta. Năm 1871, với sự giúp đỡ của người bạn thân Leo Mechelin, Idestam đã đổi tên và chuyển công ty mình thành một công ty cổ phần và kể từ đó công ty chính thức mang tên là Nokia. Như vậy, Fredrik Idestam và Leo Mechelin được xem là hai đồng sáng lập ra công ty.
Bây giờ hãy tạm gác Nokia qua một bên, chúng ta sẽ nói về Finnish Rubber Works, một công ty chuyên kinh doanh cao su; và Finnish Cable Works, nhà cung cấp cáp điện thoại, điện tín và dây điện. Finnish Cable Works đã mua lại Finnish Rubber Works từ năm 1922, và cũng mua lại các máy phát điện của Nokia để giúp công ty tránh khỏi tình trạng phá sản vào cuối thế chiến thứ I. Việc này cũng giúp Finnish Cable Works đảm bảo nguồn điện cho việc sản xuất của mình.
Cũng từ năm 1922, Finnish Rubber Works, Finnish Cable Works và Nokia đều thuộc sở hữu chung của một số cổ đông, và sau đó đến năm 1967, cả ba được sát nhập lại để tạo thành tổ hợp công nghiệp Nokia Corporation. Đây chính là bước đệm giúp Nokia vươn ra toàn cầu. Vào thời điểm này, Nokia sản xuất rất nhiều thứ, bao gồm các sản phẩm giấy, lốp xe ô tô và xe đạp, giày dép, cáp viễn thông, TV, máy tính, máy phát điện, hệ thống tự động, tụ điện, thiết bị liên lạc cho quân đội, nhựa, nhôm và hóa chất. Mỗi một bộ phận sẽ có một giám đốc riêng có nhiệm vụ báo cáo với Chủ tịch đầu tiên của Nokia, ông Björn Westerlund. Đây cũng là người đã thành lập nên bộ phận điện tử trong Nokia hồi năm 1960, gieo mầm cho tương lai của hãng trong lĩnh vực viễn thông liên lạc. Năm 1962, thiết bị điện tử đầu tiên mà hãng sản xuất ra là một bộ phân tích xung dùng cho các nhà máy điện hạt nhân. 5 năm sau, bộ phận điện tử này được tách ra riêng và bắt đầu sản xuất các thiết bị viễn thông.
Sản xuất thiết bị mạng
Trong những năm 1970, Nokia bắt đầu bước chân sâu hơn vào ngành công nghiệp viễn thông bằng việc phát triển Nokia DX 200, một chiếc switch kĩ thuật số dùng để kết nối cuộc gọi và thiết bị này đã trở thành con ngựa chiến của bộ phận thiết bị mạng thuộc Nokia. Nhờ kiến trúc dạng module và linh hoạt của mình nên người ta có thể sử dụng DX 200 để tạo ra những sản phẩm switch khác. Cũng trong giai đoạn 1970 này, Nokia từng được chính phủ Phần Lan mua lại cổ phần, nhưng sau đó nhà nước đã bán lại cổ phần đó cho chính Nokia vào năm 1992. Kể từ đó, bộ phận thiết bị mạng của Nokia đổi tên thành Nokia Telecommunications. Từ năm 1970 đến 1980, Nokia cũng đã phát triển hệ thống thiết bị nhắn tin, một thiết bị liên lạc kĩ thuật số, nhỏ gọn và có khả năng mã hóa tin nhắn để dùng trong Lực lượng Phòng vệ Phần Lan.
Những chiếc điện thoại di động đầu tiên Thực chất Nokia đã tham gia sản xuất các hệ thống liên lạc từ những năm 1960. Từ 1964, Nokia phát triển các radio và bộ đàm VHF, tới năm 1966 thì hợp tác với công ty Salora để xây dựng chuẩn ARP (Autoradiopuhelin), một hệ thống liên lạc bằng sóng radio lắp trong xe ô-tô. Năm 1979, Nokia sát nhập với Salora để thành lập nên công ty Mobira Oy. Mobira bắt đầu phát triển các điện thoại di động dựa vào chuẩn NMT của Bắc Âu. Đây cũng là hệ thống mạng di động đầu tiên được đưa vào vận hành trong năm 1981. Năm 1982, Mobira giới thiệu chiếc car phone đầu tiên của mình.
Tới năm 1984, hãng này ra mắt Mobira Talkman, chiếc điện thoại có thể di chuyển đầu tiên trên thế giới. Và ba năm sau, Nokia tiếp tục giới thiệu một trong những chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên của thế giới, chiếc Mobira Cityman 900 cho mạng NMT-900. So với chiếc Mobira Senator (1982) nặng 9,8kg và Talkman nặng 5kg, thiết bị Mobira Cityman này chỉ có trọng lượng 800g đã kèm pin. Mặc dù có giá cao, lên tới 5999 USD, nhưng máy vẫn được tiêu thụ khác nhiều. Nó thậm chí còn trở thành một biểu tượng cho thấy địa vị xã hội cao của người đang sử dụng máy. Chiếc điện thoại của Nokia trở nên nổi tiếng vào năm 1987 khi lãnh tụ Liên Xô - Mikhail Gorbachev - được chụp ảnh khi đang dùng một chiếc Mobira Cityman để gọi điện cho bộ truyền thông ở Moscow. Sự kiện này khiến cho Mobira Cityman được đặt nickname là "Gorba". Năm 1989, Nokia-Mobira Oy chính thức trở thành Nokia Mobile Phones.
Những năm 1980, Nokia cũng có nỗ lực tiến vào thị trường máy tính cá nhân với chiếc MikroMikko. Tuy nhiên, sản phẩm này không gây được nhiều sự chú ý và mảng computer đã được bán cho hãng British International Computers Limited, sau đó tiếp tục trở thành một phần của Fujitsu. Sau đó, MikroMikko được quảng báo trên toàn cầu với cái tên Fujitsu ErgoPro. Nokia cũng có sản xuất màn hình CRT và TFT LCD chất lượng rất cao dành cho PC và các hệ thống trình chiếu lớn, nhưng sau đó Nokia Display đã bị bán cho ViewSonic. Nokia cũng là một trong những công ty đóng vai trò cực kì quan trọng trong quá trình phát triển chuẩn GSM, chuẩn mạng phổ biến mà chúng ta vẫn đang sử dụng ở các phiên bản mới hơn. Đây là công nghệ mạng di động thế hệ thứ hai vừa có khả năng truyền tải giọng nói, vừa có thể truyền dữ liệu. Việc tham gia vào sản xuất điện thoại tương thích chuẩn NMT đã mang lại cho Nokia rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc chung tay phát triển GSM. Cuộc gọi điện GSM đầu tiên trên thế giới thực hiện vào ngày 1/7/1991 cũng được dựa trên mạng do Nokia cung cấp bởi Thủ tướng Phần Lan Harri Holkeri. Tất nhiên, chiếc điện thoại mà ông cầm cũng là một bản mẫu điện thoại GSM của Nokia.
Năm 1992, Nokia giới thiệu chiếc Nokia 1011, chiếc điện thoại GSM đầu trên thế giới, và số hiệu model được ghép từ ngày ra mắt, tức 10/11. Đây là sản phẩm rất quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thế giới GSM về sau, tiến tới một thế giới với chuẩn mạng di động chung.
Đến năm 1994, Nokia tích hợp đoạn nhạc chuông nổi tiếng của mình vào các điện thoại Nokia 2100 series.
Năm 1996, Nokia cho ra mắt Nokia 8110, một chiếc điện thoại nắp trượt hướng đến các doanh nhân. Ba năm sau đó, mẫu máy này được xuất hiện rộng rãi trong bộ phim The Matrix khiến Nokia được rất nhiều người yêu thích trong thời gian này.
Cũng trong năm 1996, Nokia tung ra chiếc Communicator 9000. Máy có màn hình 4,5" (vẫn lớn hơn nhiều máy ngày nay), vi xử lí 24MHz và bàn phím QWERTY vậy lý đầy đủ. Communicator 9000 sở hữu dạng mở ngang thân máy. Năm 1998 là năm đánh dấu 3 trào lưu mới với các thiết bị điện thoại di động do chính Nokia khởi xướng. Bên cạnh sự thành công rực rỡ của dòng điện thoại dành cho doanh nhân 6110 với vỏ 2 màu tuyệt đẹp, chiếc Nokia 5110 với vỏ màu thay đổi được XpressOn(r) với những màu sắc trẻ trung, cho phép người dùng chủ động trong việc thể hiện cá tính và phối màu thời trang cho mình ra đời.
Trào lưu XpressOn(r) của Nokia thật sự trở nên phổ biến kể từ năm 1999 với sự ra đời của dòng Nokia 3210, và 8210 siêu nhỏ gọn. Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy nhiều sự tương đồng giữa cách Nokia chọn màu cho XpressOn ở thời điểm đó và các dòng Lumia về sau.
Năm 1998, Nokia cùng 2 nhà sản xuất điện thoại lớn ở thời điểm đó, Motorola và Ericsson lập liên doanh mua lại Psion, và thành lập nên Symbian , ltd. Hệ điều hành chính thức Symbian chính thức được phát triển. Cuối năm 1998, 8810 cũng là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới dùng hệ thống ăn ten ngầm và cũng được xem là cộc mốc cho phân khúc điện thoại sang trọng với lớp vỏ mạ chrome bóng đẹp. Đây là một "thành tựu" lớn đối với các kĩ sư của Nokia bởi nó có ăn-ten gắn bên trong thân thiết bị - một tính năng nay cực kì phổ biến ngày nay nhưng rất lạ lẫm bào năm 1998.
Cuối năm 1999, chiếc điện thoại 7110 dòng dành cho doanh nhân ra đời. 7110 là chiếc điện thoại đầu tiên dùng hệ điều hành S40, và được xem là 1 trong những chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới có tính năng WAP, tin nhắn cao cấp với màn hình rộng hiển thị được 3 dòng văn bản.
Năm 1999, Nokia trình làng mẫu 8210. Thiết bị này cũng có trọng lượng rất nhẹ, chỉ 79g. Và mặc dù rất gọn gàng nhưng 8210 vẫn có những chức năng cao cấp như cổng hồng ngoại để cho phép hai người cùng chơi chò bắt rắn (Snake) huyền thoại.
Nokia 3310, thiết bị tiếp nối của 3210, sở hữu nhiều đặc điểm thiết kế tương đồng với 8210 và được thêm thắt một số chi tiết khác. Nhờ việc cân bằng giữa tính năng và giá bán, Nokia đã bán được 125 triệu chiếc 3310 trên toàn thế giới. Mẫu máy này được bán từ năm 2000 đến 2003.
Năm 2000, mẫu điện thoại Symbian đầu tiên của Nokia được ra đời. Đó là chiếc Nokia 9210 Communicator. 9210 là 1 trong những chiếc điện thoại có màn hình màu đầu tiên, tích hợp các khả năng nhận Fax, email,....thay thế cho chiếc 9110 vốn được giới doanh nhân thời đó rất ưa thích.
Nokia 7650, ra mắt vào năm 2001, là chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia chạy Symbian OS - hệ điều hành mà rất nhiều smartphone sử dụng trong nhiều năm liền sau đó. Đây cũng là điện thoại đầu tiên của Nokia có camera tích hợp. Máy sử dụng CPU 32-bit xung nhịp 104MHz dựa trên kiến trúc ARM-9, RAM 4MB và ROM 16MB.
Nokia 6800 (ra mắt năm 2002) là một trong những thiết bị chứng minh khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của Nokia. Thiết bị này có thể gập để tiết lộ một bàn phím QWERTY, còn khi cần thì có thể xếp lại để trở về thân hình gọn gàng của một chiếc điện thoại thông thường. Sau đó còn có những mẫu máy kế nhiệm như 6810, 6820, 6822.
N-Gage , dòng điện thoại chơi game đình đám một thời từng được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng nhờ có thiết kế giống những chiếc GameBoy Advanced và các máy chơi game cầm tay khác. Mẫu máy này đã đánh một đòn mạnh vào vị thế độc quyền của Nintendo trong mảng máy chơi game di động thời bấy giờ. Đời N-Gage đầu tiên (2003) có micro và loa thoại được gắn ở cạnh bên của máy khiến tiếng bị nhiễu. Với sự ra đời của N-Gage QD (ảnh trên, ra mắt 2004), Nokia đã di chuyển vị trí của thành phần này ra mặt trước của thiết bị.
Năm 2003, Nokia ra mắt thêm một chiếc điện thoại có hình dáng lạ khác, đó là Nokia 7600. Đây cũng là một trong những điện thoại đầu tiên của Nokia hỗ trợ kết nối 3G.
Được ra mắt vào giữa năm 2004, chiếc Nokia 7610 sở hữu một bố cục bàn phím rất lạ cho phép người dùng nhập liệu một cách dễ dàng trên thiết bị di động của mình. Ở Việt Nam người ta hay gọi đây là điện thoại "chiếc lá", và phiên bản màu đen-đỏ của máy từng được rất nhiều người ưa thích.
Cũng vào năm 2004, Nokia ra mắt chiếc điện thoại "môi son" 7280. Máy chạy Symbian, không có bàn phím mà sử dụng các phím trượt và vòng xoay. Máy cũng không có màn hình cảm ứng (mới năm 2004 mà), và chỉ bán được một số lượng rất ít. Thế nhưng, lại một lần nữa, nó đã chứng minh cho thế giới thấy rằng Nokia không bao giờ sợ thử nghiệm những cái mới, thậm chí khi sản phẩm đó rất kì lạ.
Chưa hết, cùng năm này, Nokia ra mắt 7710, chiếc điện thoại đầu tiên của hãng nó màn hình cảm ứng. Thiết bị này không hề có phím nhập liệu thông thường, cộng thêm hình dáng lạ đã làm cho nhiều khách hàng cảm thấy rối và không gây được sự chú ý lớn với thế giới.
Nokia 9300 ra mắt vào năm 2005. Đây là nỗ lực của Nokia trong việc mang dòng smartphone Communicator vốn chỉ dành cho doanh nhân ra thị trường đại chúng. 9300 vẫn giữ lại kiểu thiết kế độc đáo mang tính biểu tượng của Communicator (theo dạng mở ra sẽ có màn hình và bàn phím, gần giống một chiếc máy tính xách tay thu nhỏ), có điều chúng không bao giờ được tiếp thị với cái tên Communicator.
Năm 2005, Nokia ra mắt chiếc Nokia 770 Internet Tablet, thiết bị đầu tiên của hãng chạy hệ điều hành Maemo (sau này đổi tên thành MeeGo). Nhiều người từng nghĩ rằng Maemo chính là tương lai của Nokia. Quay trở lại với Nokia 770 Internet Tablet, thiết bị này sử dụng CPU Texas Instrument OMAP 1710 xung nhịp 252MHz, RAM 64MB, bộ nhớ trong 128MB (người dùng có thể xài được khoảng 64MB), có thẻ nhớ RS-MMC, màn hình 4,1" với độ phân giải 800 x 480 (225ppi). Máy có khả năng truy cập Wi-Fi b/g, bluetooth 1.2, USB.
Tháng 7 năm 2006, Nokia tung ra N93 với kiểu dạng độc đáo. Máy vừa có thể mở dạng nắp gập thẳng, vừa có thể mở ngang. Cụm camera lớn độ phân giải 3,2MP với thấu kính Carl Zeiss và zoom quang 3x của N93 đã làm không biết bao nhiêu người đam mê công nghệ phải thèm thuồng. Máy được quảng bá như là một mẫu smartphone tích hợp camcorder khi có thể quay phim độ phân giải VGA (640 x 480).
Nokia N95 , "sát thủ của iPhone", được ra mắt vào năm 2007. Máy chạy Symbian và có một phần trượt ở bên trên để lộ các phím điều khiển việc chơi nhạc, còn trượt xuống thì tiết lộ bàn phím T9. Đây cũng là một trong những mẫu smartphone Symbian được rất nhiều người Việt sử dụng. Sau đó, Nokia tung ra mẫu N95 8GB với màu đen, hơn rất nhiều so với dung lượng 147,3MB của phiên bản trước đó.
Cũng trong năm 2007, Nokia ra mắt N82, chiếc điện thoại chuyên chụp ảnh với đèn flash Xenon, cảm biến 5MP và ống kính Carl Zeiss. Lúc mới ra đời, N82 được xem là mẫu máy có khả năng chụp ảnh tốt nhất trên thị trường. Máy thậm chí còn được Hiệp hội TIPA trao giải thiết bị nhiếp ảnh di động tốt nhất Châu Âu" hồi năm 2008.
Năm 2009, Nokia tung ra N97 với màn hình cảm ứng to như iPhone, có cả bàn phím trượt dạng ngang. Thế nhưng máy không thành công vì nhiều lý do khác nhau.
Cũng trong năm nay, Nokia ra mắt chiếc máy tính xách tay Booklet 3G để hòa cùng xu thế netbook trên toàn cầu. Booklet 3G thực sự là một chiếc máy được làm rất cao cấp, từ nguyên liệu cho đến các kết nối. Là chiếc netbook đầu tiên do Nokia sản xuất nên nó cũng mang tính chất di động cao với các kết nối không dây lẫn có dây như: HDMI, WIFI chuẩn b/g/n, USB 2.0, và tất nhiên là khe gắn SIM 3G... Nokia Booklet 3G còn được Nokia trang bị ổ cứng 120GB, vi xử lý Intel Atom Z530, tốc độ 1.6GHz và đặc biệt là Windows 7.
Nếu như N95 và N97 là câu trả lời của Nokia với iPhone thì E71 là lời đáp lại BlackBerry. E71 có chất lượng phần cứng tốt, cao cấp, bàn phím thuộc hàng tốt, nhưng lại bị kéo lại bởi hệ điều hành Symbian đang dần trở nên già cỗi. Dù sao đi nữa thì máy cũng cho thấy rằng Nokia vẫn có thể làm ra các máy với bàn phím QWERTY tốt.
Nokia N8, chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia chạy Symbian^3. Hệ điều hành này sau đó được đổi tên thành Anna rồi kế tiếp là Belle. N8 cũng là một trong những máy di động được đánh giá cao về khoảng chụp ảnh.
Nokia X7 , chiếc điện thoại của Nokia thuộc dòng X-Series chạy Symbian^3. Chữ X ở đây đại diện cho từ "Xpress", và chiếc X7 cũng có thiết kế khác lạ so với những chiếc điện thoại khác trên thị trường.
Nokia N9 (2011), hi vọng mới của Nokia trong cuộc chiến chống lại Android và iOS. Thiết kế của N9 cũng chính là nền tảng cho những mẫu máy Lumia về sau với vỏ polycarbonate . N9 chạy MeeGo Harmattan và có trình đa nhiệm ấn tượng so với các smartphone đương thời. Tuy chỉ sử dụng con chip 1 nhân TI OMAP 3630 ở xung nhịp 1GHz nhưng tốc độ hoạt động của N9 là cực kỳ đáng nể, không hề có đấu hiệu bị chậm trong các thao tác vì máy có 1GB RAM.
808 PureView (2012) là một sản phẩm mang tính cột mốc nhờ vào cảm biến PureView với độ phân giải 41 megapixel và kĩ thuật oversampling giúp tạo ra những bức ảnh tốt rất ấn tượng. Tới bây giờ 808 vẫn đang giữ danh hiệu smartphone có cảm biến ảnh với độ phân giải cao nhất thế giới (1020 thì có độ phân giải bằng 808 rồi). Đáng tiếc, máy chạy Symbian nên bị hạn chế phần nào trong việc tiếp cận với người dùng. Đây cũng là mẫu điện thoại cuối cùng chạy Symbian trước khi Nokia chính thức từ bỏ OS cũ kĩ này hồi đầu năm 2013.
Lumia 800, chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia chạy Windows Phone, ra mắt vào tháng 11 năm 2011. Chiếc máy này có thể được xem là một chiếc N9 thay đổi hệ điều hành, tất nhiên là cũng có những điểm mới về phần cứng. Lumia 800 và hàng loạt máy Lumia sau đó là kết quả của kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Nokia với Microsoft được công bố hồi đầu năm 2011 trong việc cùng nhau phát triển điện thoại Windows Phone . Lúc đó, Nokia hứa hẹn sẽ tập trung vào Windows Phone 7 , đưa ra những thiết kế mới, bổ sung những gói ngôn ngữ và phổ biến WP7 nhiều hơn cho người tiêu dùng thông qua những thiết kế mới về phần cứng, nhiều phân khúc giá và thị trường hơn. CEO Stephen Elop từng cho biết “lượng tài sản được (Microsoft) chuyển sang cho Nokia không tính bằng triệu mà tính bằng tỷ đô la Mỹ”.
Ngoài ra, cả 2 công ty sẽ hợp tác trong lĩnh vực marketing, phát triển phần mềm cho điện thoại di động. Bing sẽ trở thành nền tảng tìm kiếm trong các thiết bị và dịch vụ của Nokia. Quảng cáo trên điện thoại Nokia sẽ là dịch vụ adCenter Microsoft. Phần dịch vụ dẫn đường Nokia Maps sẽ được tích hợp vào Bing Maps trong khi Nokia sẽ cố gắng mở rộng Marketplace cho phép thanh toán thông qua các nhà mạng thay vì chỉ dùng thẻ tín dụng như hiện tại. Tuy chưa thấy Nokia nói rõ nhưng họ cho biết các nội dung và kho ứng dụng riêng của Nokia sẽ được tích hợp chung với Marketplace.
Ngày 3/9/2013, rất bất ngờ, Microsoft thông báo đã mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia (Nokia Devices & Business) với giá 3,79 tỷ Euro và thêm 1,65 tỷ Euro nữa cho một số bằng sáng chế mà công ty Phần Lan đang nắm giữ. Quy ra đô la Mỹ thì tổng tiền vào khoảng 7,3 tỷ USD. Sẽ có 32.000 nhân viên Nokia chuyển sang làm việc cho Microsoft, bao gồm cả cựu tổng giám đốc Stephan Elop , 4700 nhân viên Phần Lan và 18300 nhân viên phụ trách sản xuất. Lưu ý rằng Nokia Devices & Business cũng bao gồm cả dòng sản phẩm Asha, chưa rõ Microsoft sẽ làm gì với bộ phận này. Ông Risto Siilasmaa, chủ tịch Nokia sẽ là CEO lâm thời của Nokia cho đến khi thương vụ kết thúc vào quý 1/2014. Hiện tại thì mọi việc vẫn phải chờ chính phủ, các cổ đông cho phép nhưng sẽ rất khó để mọi thứ bị gián đoạn. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ không còn được thấy bất kì smartphone nào mang thương hiệu Nokia nữa.
Ngày 25/4.2014, Microsoft thông báo chính thức hoàn thành việc mua lại Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia . Bộ phận này sẽ được đổi tên thành Microsoft Mobile Oy.
Theo Tinh Tế
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc xếp hàng dài đặt cọc điện thoại chưa ra mắt của Huawei
Mate 70 series sẽ chính thức được Huawei công bố vào ngày 26/11.
Máy siêu trọng lực mạnh nhất hành tinh được Trung Quốc khởi động: Sức mạnh gấp 1.900 lần trọng lực Trái Đất