Những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Android

    Kal,  

    (GenK.vn) - Dưới đây là những dấu mốc quan trọng nhất đánh dấu sự phát triển của nền tảng “robot xanh”.

    Ngày 22/10 vừa qua, Android đã ăn mừng sinh nhật 5 năm tuổi của mình với vai trò “ngôi vương” trong thế giới nền tảng di động. Suốt quãng thời gian đó là khoảng thời gian Google không ngừng cải tiến Android, đem lại cho người dùng những trải nghiệm tiên tiến nhất.

     

    Có thể không phải ngẫu nhiên mà Apple chọn ngày 22/10 để ra mắt thiết bị mới của mình. Đối chọi với đối thủ “sừng sỏ” iOS, bên cạnh đó là những nền tảng thứ 3 vẫn đang phát triển không ngừng, Android vẫn phải liên tục cải tiến để không bị tụt hậu. Dưới đây là những dấu mốc quan trọng nhất đánh dấu sự phát triển của nền tảng “robot xanh”.

    1. Chiếc điện thoại Android đầu tiên được phát hành (22/10/2008)

     

    Ngày 22/10/2008 chính thức đánh dấu bước chân đầu tiên của nền tảng Android với sự ra đời của chiếc smartphone T-Mobile G1, hay còn được biết đến với cái tên HTC Dream. Mặc dù có rất nhiều khuyết điểm, tuy nhiên thiết bị này cũng được người dùng đón nhận rất khả quan. Chiếc điện thoại Android đầu tiên đã bán được 1 triệu chiếc trên toàn thế giới, mang theo giấc mơ lớn của Google ra toàn cầu.

    2. Andrdoi 1.5 Cupcake (30/04/2009)

     

    Chưa đầy một năm sau khi ra mắt phiên bản Android đầu tiên, Google chính thức công bố bản cập nhật qua hình ảnh chiếc bánh ngọt mang tên Cupcake. Sự kiện này đã khởi đầu cho xu hướng đặt tên cho các bản cập nhật sau này như một món ăn tráng miệng. Android 1.5 Cupcake bắt đầu hỗ trợ các widget, khả năng tải video lên YouTube và hỗ trợ một bàn phím ảo.

    3. Android 1.6 Donut (15/09/2009)

     

    Chỉ một thời gian ngắn sau ngày ra mắt Android Cupcake, phiên bản cập nhật Android 1.6, Android Donut, chính thức đến tay người dùng. Bản cập nhật hỗ trợ nhiều độ phân giải màn hình hơn, cải thiện tính năng camera và được trang bị thêm công cụ tổng hợp giọng nói cho phép Android có thể đọc được các đoạn văn bản ngắn.

    4. Verizon ra mắt Motorola Droid và Android 2.0 Eclair (26/10/2009)

     

    Dòng smartphone Motorola Droid đầu tiên được nhà mạng Verizon giới thiệu sử dụng phiên bản Android 2.0 Eclair. Phiên bản cập nhật lần này cải tiến rất nhiều đối với ứng dụng Google Maps. Motorola Droid cũng mở đường cho các thế hệ smartphone Android "đàn em" được phân phối qua nhà mạng này về sau.

    5. Sự ra đời của Nexus One (05/01/2010)

     

    Google bắt đầu thể hiện rõ tham vọng khi "nhúng tay" vào thị trường smartphone, xây dựng thương hiệu Nexus qua dòng smartphone Nexus One do Google bán trực tiếp. Chiếc smartphone đầu tiên của “đại gia tìm kiếm” sử dụng bản Android gốc (không bao gồm gói giao diện từ các nhà sản xuất OEM).

    6. Android 2.2 Froyo (20/05/2010)

     

    Phiên bản Android 2.2 Froyo đón chào Adobe Flash, cho phép người dùng xem video clip trên các website như YouTube hoặc chơi game trên nền Flash ngay trên thiết bị smartphone của mình.

    7. Android 2.3 Gingerbread (06/12/2010)

     

    Gingerbread, phiên bản cập nhật Android 2.3, đã tạo bước đột phá so với các phiên bản trước khi bổ sung rất nhiều chức năng thú vị. Trong đó có công nghệ giao tiếp tầm gần NFC, các cảm biến như con quay hồi chuyển.. Gingerbread đã nhanh chóng trở thành phiên bản Android được sử dụng nhiều nhất trong thời gian này.

    8. Chiếc tablet Android đầu tiên và Android 3.0 Honeycomb (24/02/2011)

     

    Motorola tiếp tục được ưu ái khi dòng máy tính bảng XOOM của hãng được tích hợp phiên bản Android dành cho tablet đầu tiên, phiên bản 3.0, Honeycomb. Android 3.0 đã mở màn cho trào lưu chip xử lý "đa nhân" và thay thế những nút vật lý truyền thống sang dạng nút ảo.

    9. Phần mềm độc hại xuất hiện trên Android Market (01/03/2011)

     

    Android Market (tên gọi cũ của Google Play) đã phải hứng chịu một “cuộc tấn công” nghiêm trọng từ các phần mềm độc hại. Các chuyên gia bảo mật đã phải lên tiếng cảnh báo về chế độ xét duyệt ứng dụng quá dễ dàng của Android Market. Hơn 50 ứng dụng bị nhiễm mã độc đã bị Google “tống khứ” sau sự kiện này, tuy nhiên người dùng bắt đầu có suy nghĩ về sự an toàn thực sự trên nền tảng “robot xanh”.

    10. Android 4.0 Ice Cream Sandwich (19/10/2011)

     

    Ice Cream Sandwich, thế hệ Android 4.0 ra mắt nhằm xóa bỏ sự phân mảng giữa Android 2.3 (cho smartphone) và Android 3.0 (cho tablet). Android 4.0 cũng là phiên bản giới thiệu tính năng truyền tải dữ liệu nhanh qua phương thức chạm hai thiết bị: Android Beam, khả năng chụp ảnh toàn cảnh cùng mở khóa màn hình qua nhận diện khuôn mặt.

    11. Sự xuất hiện của phablet (cuối tháng 10/2011)

     

    Sự ra mắt Galaxy Note đến từ Samsung đã chính thức làm dấy lên phong trào smartphone với màn hình lớn trong thế giới công nghệ. Mới đầu, thiết bị này không được chào đón ở Mỹ, tuy nhiên lại đạt được thành công rực rỡ ở nước ngoài và tạo thành một “cơn chấn động” cho xu hướng smartphone sau này.

    12. Amazon tham gia thị trường tablet (15/11/2012)

     

    Amazon chính thức tham gia vào cuộc đua máy tính bảng với sự ra mắt của thiết bị “cây nhà lá vườn” Kindle Fire. Thiết bị này được biết đến như một phiên bản tùy biến của Android, nhưng lại chỉ có thể truy cập vào cửa hàng “chính hãng” Amazon Store. Giá “quá hời” của Kindle Fire là nguyên nhân chính khiến thiết bị này trở thành một “cú hit” cho người tiêu dùng và các thiết bị Android phổ biến hiện nay.

    13. Google công bố Nexus 7, Nexus Q và Android 4.1 Jelly Bean (27 và 29/06/2012)

     

    Google trình làng hai thiết bị gồm máy tính bảng Nexus 7 và thiết bị giải trí Nexus Q. Tuy nhiên, chỉ có Nexus 7 đạt được thành công trong khi Nexus Q đã chìm vào quên lãng. Cũng trong khoảng thời gian này, Android 4.1 Jelly Bean ra mắt, chính thức giới thiệu "con át chủ bài" Google Now, công cụ tìm kiếm thông minh của Google. Tốc độ và độ ổn định của hệ điều hành Android đã được cải thiện nhiều trong phiên bản này.

    14. 500 triệu thiết bị Android được kích hoạt (11/09/2012)

     

    Ngày khá nhạy cảm đối với người dân Mỹ lại là thời điểm vô cùng đáng tự hào đối với Android, khi đạt được dấu mốc 500 triệu thiết bị được kích hoạt sử dụng nền tảng này. Cho đến hiện tại Android vẫn là nền tảng phổ biến nhất trên thế giới, với 1,5 triệu thiết bị được kích hoạt mỗi ngày.

    15. Nexus 10 và Android 4.2 Jelly Bean (13/11/2012)

     

    Mặc dù phải tạm hoãn sự kiện công bố vì một cơn bão, Google vẫn đủ sức gây chấn động tới giới công nghệ với sự ra mắt của Nexus 10 và Android 4.2 Jelly Bean. Phiên bản cập nhật cùng tên Android 4.2 được trang bị thêm tính năng Photo Sphere và cho phép đăng nhập nhiều tài khoản trên cùng một thiết bị. Bên cạnh đó, Nexus 10 là dòng tablet đầu tiên đánh dấu con số 10 inch, thiết bị cũng tự hào với màn hình độ phân giải cao của mình.

    16. Andy Rubin rời khỏi Android (13/03/2013)

     

    Ngày 13/03, “đầu tàu” Andoid, Andy Rubin, chính thức rời khỏi vị trí đứng đầu dự án Android để làm những công việc khác tại Google. Ngay sau đó, Sundar Pichai được giao nhiệm vụ tiếp quản cả hai dự án: Android và Chrome.

    17. Nexus 7 thế hệ thứ 2 và Android 4.3 Jelly Bean (24/07/2013)

     

    Thế hệ thứ hai của tablet Nexus 7 chính thức ra mắt với những nâng cấp đáng giá về cấu hình và thiết kế. Cũng vào thời điểm này, giới công nghệ không khỏi ngạc nhiên khi Google tiếp tục giữ tên mã Jelly Bean cho Android 4.3. Phiên bản bổ sung hỗ trợ OpenGL 3.0 và Bluetooth 4.0 Low-Energy (LE).

    18. Hugo Barra rời khỏi Google (28/08/2013)

     

    Trong một động thái được bao quanh bởi những bê bối và bí ẩn, ngày 28 tháng 8 năm nay, phó chủ tịch dự án Android, Hugo Barra, chính thức rời khỏi Google tới “đầu quân” cho một nhà sản xuất Trung Quốc – Xiaomi. Hugo Barra là “bộ mặt” của Android và chính là người đã đứng trên sân khấu trong sự kiện ra mắt Nexus 7.

    19. Một tỷ thiết bị Android được kích hoạt (03/09/2013)

     

    Android vẫn tiếp tục phát triển và dường như không có gì có thể chặn lại bước chân của “anh chàng robot xanh” này. Mới đây, Google đã công bố các thiết bị dùng Android được kích hoạt đã đạt dấu mốc 1 tỷ, và tiếp tục hướng đến các thiết bị như TV, đồng hồ, máy tính xách tay... Phiên bản kế tiếp của Android đã chính thức được đặt tên mã KitKat - thanh sôcôla nổi tiếng của công ty Nestle. Hiện chưa có chi tiết kỹ thuật và tính năng của phiên bản này.

    Tham khảo: techhive.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày