Zing Dance là sản phẩm nhạc nhảy trực tuyến do VinaGame tung ra với mục đích rõ ràng là tấn công mảnh đất casual vốn là "lãnh địa" mà NPH này vẫn tỏ ra yếu thế. Tuy nhiên, việc tranh giành thị phần với "bà hoàng" Audition hoàn toàn không đơn giản, tuy nhiên cánh cửa dành cho trò chơi có thực sự "hẹp"?
Những điểm mạnh...
Thông thường những game 3D thường gặp bất lợi do có cấu hình yêu cầu thường khá cao và khó khăn khi chạy trên các máy tính có cấu hình trung bình và yếu. Zing Dance sở hữu nền tảng đồ họa tốt với cảng trong game đẹp, thiết kế chi tiết kỹ càng nhưng lại có thể chạy mượt mà trên các máy tính yếu. Điểm mạnh này xuất phát từ việc game có thể tinh chỉnh cấu hình một cách dễ dàng và có nhiều mức độ dành cho nhiều cấu hình máy.
Game có thể tinh chỉnh cấu hình dễ dàng.
Điểm được đánh giá cao nhất trong thiết kết nhân vật của Zing Dance là việc tạo hình nhân vật kết hợp giữa nhân vật thật và phong cách manga. Thêm vào đó, nếu như ở Audition hay các sản phẩm cùng thể loại khác, các gamer chỉ có việc nhảy nhảy và nhảy thì với hệ thống dụng cụ trong Zing Dance, người chơi còn có thể biến đối thủ thành... con heo, quả bí hay "lộn ngược" các nút ấn nhằm gây khó khăn cho đối phương.
Cấu hình thấp nhưng đồ họa trong game khá bắt mắt.
Trong Zing Dance, khi vào phòng chờ các game thủ có thể tự do di chuyển trong không gian ảo để giao lưu, gặp gỡ nhau hoặc ngồi ghế sofa... xem TV. Tính năng tranh treo tường cũng là tính năng hay độc đáo nhằm giúp NPH truyền tải những hình ảnh hay độc đáo tới game thủ. Tuy nhiên, tường của phòng chờ lại chưa được thiết kế kỹ mà mới chỉ ở mức sơ khai.
Phòng chờ thú vị với không gian ảo nhiều đồ vật.
Chế độ nhảy default kết hợp giữa cách nhảy truyền thống và cách nhảy tiết tấu (gần giống với chế độ beat up của Audition nhưng chỉ có một hàng phím "chạy" đến ô ấn) cũng là điểm mới trong sản phẩm của VinaGame.
Tuy nhiên, phần nhảy tiết tấu không thực sự hay bằng cách nhảy beat up của Audition vì một dòng phím chạy trên màn hình khiến game thủ khó quan sát. Hơn nữa, việc thiết kế nhịp nhảy của phần này chưa được đánh giá cao do thiếu các đoạn "nghỉ tay" quan trọng.
Chế độ nhảy defaut kết hợp khá độc đáo.
... và thiếu sót
Tuy có nhiều điểm độc đáo mới lạ nhưng Zing Dance vẫn tồn tại không ít yếu điểm không nhỏ, đặc biệt là trong lối chơi. Đây có lẽ sẽ là "tử huyệt" của game trong cuộc chiến với Audition nói riêng và các sản phẩm cùng thể loại nói chung.
Điểm đầu tiên là game không có bước nhảy Finish - bước nhảy mang lại nhiều sự hứng thú cho game thủ. Trong Audittion đây là khâu được người chơi ủng hộ và ưa chuộng nhất vì nó là minh chứng cho việc họ đã "chinh phục" mức nhảy được đề cập. Vẫn biết mỗi game có một lối chơi riêng biệt nhưng thiếu sót này sẽ khiến "con cưng" của VinaGame khó hút khách từ đối thủ.
Không có bước nhảy finish là thiếu sót khá nặng của Zing Dance.
Tiếp đến, các dãy phím ấn được thiết kế chưa thật sự hoàn hảo khi có những "skill" có liền tới... 5, 6 nút giống nhau gây ra nhiều khó khăn không đáng có cho game thủ. Đồng thời, game cũng chưa đưa hệ thống "Del" (trong Audition khi sử dụng chế độ này một số nút sẽ bị ngược và game thủ sẽ giành thêm điểm) thành mặc định mà người tạo phòng phải cho phép mới có thể sử dụng.
Điểm trừ sau cùng là các phím bấm của Zing Dance thường nhỏ và thiết kế không được tốt như đối thủ Audition khiến cho game chưa thực sự thoải mái trong việc "nhảy".
Với những thống kê sơ lược bên trên, chúng ta phần nào có thể thấy được cuộc đua tranh quyết liệt giữa "cô gái trẻ" Zing Dance và "bà đầm già" Audition. VinaGame có chiến lược quảng bá tốt nhưng VTC Game lại sở hữu lợi thế của kẻ đến trước, vậy ai sẽ là người "mỉm cười" sau cùng? Hãy cùng chờ xem.