Những điều bạn chưa biết về vi khuẩn ăn thịt người

    zknight,  

    Cái giá có thể là mạng sống của bạn, nhẹ thì vài cuộc phẫu thuật cho đến cắt cụt chi.

    Necrotizing fasciitis là thuật ngữ lâm sàng để gọi căn bệnh gây ra bởi những con vi khuẩn ăn thịt người. Chúng có thể nhiễm vào cơ thể bạn từ nước bẩn, khi đi bơi hoặc thậm chí đi dạo bên bờ biển. 

    Mặc dù khá hiếm gặp, vi khuẩn ăn thịt người có thể gây ra những cái chết bi thảm, ám ảnh bất cứ ai từng biết đến nó. Nếu muốn mất ăn mất ngủ, bạn cứ thử google từ khóa "Necrotizing fasciitis" và xem những hình ảnh về nó

    Rồi bạn sẽ thấy hình ảnh minh họa dưới đây đã nhẹ nhàng lắm rồi:

    Những điều bạn chưa biết về vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh 1.

    Đừng bao giờ lội xuống nước bẩn chơi, nếu không muốn nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

     Ngay trong tháng 5 vừa rồi, một nhạc sĩ người Nga có tên là Andrey Suchilin đã bị Necrotizing fasciitis dẫn đến hoại tử nội tạng khi đang trên đường bay từ Tây Ban Nha tới Hà Lan. Chuyến bay đã phải hạ cánh khẩn cấp vì các hành khách không thể chịu được mùi thịt thối rữa phát ra từ ông ấy.

    Không ai biết điều gì đã xảy ra, kể cả nạn nhân của Necrotizing fasciitis. Vi khuẩn đã nhiễm vào người Suchilin trong một thời điểm nào đó, từ vết thương hở hoặc một buổi đi bơi ở bãi biển.

    Trước khi lên máy bay, ông bị sốt và đi khám. Nhưng bác sĩ cho rằng đó chỉ là bệnh nhiễm trùng thông thường. Chỉ đến khi cơ thể Suchilin tỏa ra một mùi thối rữa khó chịu, những con vi khuẩn ăn thịt người mới lộ diện. Suchilin tử vong sau vài tuần vì suy đa tạng.

    Một ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người khác là Alan Avery, một chủ sở hữu phòng trưng bày nghệ thuật ở Atlanta. Năm 2016, người đàn ông 50 tuổi này đã may mắn sống sót sau khi mắc Necrotizing fasciitis. Trong một chuyến lướt sóng, Avery bị xước bụng dẫn đến nhiễm trùng.

    Mặc dù cả ông và bác sĩ đều nghĩ vết xước không nghiêm trọng, sau một vài ngày, Avery bắt đầu có triệu chứng nhiễm trùng máu. Ông kể lại mình đã gặp ảo giác khi ngồi trước hiên nhà, nhìn thấy một tác phẩm điêu khắc trong sân biến thành người khổng lồ đi xuống phố.

    Avery gọi điện báo cảnh sát trong tình trạng hoang tưởng. May mắn, viên cảnh sát nhận ra ông không có biểu hiện sử dụng ma túy. Thay vào đó, Avery đang ở trong tình trạng nguy kịch và cần cấp cứu y tế. Các bác sĩ nói chỉ muộn vài giờ thôi, ông sẽ chết.

    "Tôi may mắn vì đã phát hiện ra nhiễm trùng sớm", Avery nói. "Tôi đã phải trải qua 11 ca phẫu thuật, dành cả 1 năm trên xe lăn và máy tập đi bộ. Nhưng tôi vẫn may mắn vì được sống".

    Một thực tế, hầu hết các bác sĩ chỉ gặp 1 trường hợp Necrotizing fasciitis trong sự nghiệp của mình, điều đó có nghĩa là họ không có kinh nghiệm và rất dễ chẩn đoán sai.

    Những điều bạn chưa biết về vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh 2.

    Necrotizing fasciitis dễ bị chẩn đoán sai, bởi trung bình mỗi bác sĩ chỉ gặp 1 nạn nhân của nó trong đời

     Vi khuẩn nào là vi khuẩn ăn thịt người?

    Theo Colleen Kraft, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory, có rất nhiều loài vi khuẩn thông thường cũng có thể gây ra Necrotizing fasciitis. Chúng không nhất thiết phải là vi khuẩn đột biến hoặc các vi khuẩn hiếm gặp.

    "Necrotizing fasciitis là do vi khuẩn ở sai chỗ. Khi vi khuẩn chui được vào lớp fascia – nằm giữa da và cơ bắp – nó đã lọt được vào nơi giống như một siêu xa lộ để lan truyền rộng khắp cơ thể", bác sĩ Kraft nói. "Rất nhiều vi khuẩn vốn sống trong môi trường ẩm ướt, vì vậy, chúng lây lan điên loạn một khi vào được bên trong fascia".

    Những nghi phạm thông thường gây ra Necrotizing fasciitis là nhóm A Strep, E. Coli, Staph và Vibrio (một chủng đặc biệt có độc tính trong nước mặn). Những vi khuẩn này có mặt mọi lúc xung quanh chúng ta. Staph là một ví dụ, nó được tìm thấy trên da của những người khỏe mạnh. Chỉ khi da bị xước xát cho phép Staph vào bên trong cơ thể, nó mới khiến bạn bị bệnh.

    Vi khuẩn tấn công lớp fascia, gây hoại tử và lây lan nhanh chóng. Bác sĩ Kraft nói vi khuẩn cũng cố gắng thoát ra ngoài khi chúng giết chết các mô mềm và tiếp tục nhân lên. Nhưng bởi đã bị kẹp giữa lớp da và cơ bắp, chúng nhanh chóng lan truyền trong lớp fascia đi khắp cơ thể. Sự phát triển âm thầm này ít được cả bệnh nhân lẫn bác sĩ chú ý đến.

    Mặc dù nhìn bề ngoài bệnh nhân có vẻ ổn, nhiễm trùng trong fascia có thể tiến triển rất nhanh. Và một khi bệnh nhân đã mắc Necrotizing fasciitis, việc điều trị gặp rất nhiều thách thức. Thuốc kháng sinh chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn, trong khi bệnh nhân cần phải loại bỏ toàn bộ mô hoại tử.

    Điều này dẫn đến việc chữa trị Necrotizing fasciitis thường đòi hỏi cắt cụt chi.

    Những điều bạn chưa biết về vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh 3.

    Khi vi khuẩn lọt được vào lớp fascia nằm giữa da và cơ, nó có thể bắt đầu "ăn thịt" nạn nhân và lây lan khắp cơ thể

     Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm tại Mỹ có từ 700 -1.200 người mắc Necrotizing fasciitis. Cứ 4 bệnh nhân thì có 1 người chết. Trong khi đó, con số thực tế còn có thể cao hơn vì nhiều trường hợp Necrotizing fasciitis không được báo cáo. CDC hiện chỉ đang theo dõi các ca nhiễm trùng gây ra bởi Nhóm A Strep, nguồn lây nhiễm Necrotizing fasciitis phổ biến nhất.

    Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những chủng vi khuẩn phổ biến khác có thể gây ra Necrotizing fasciitis bao gồm Vibrio, E. coli và Aeromonas hydrophila. Chúng thường phát triển mạnh trong môi trường nước như ở hồ, sông, khu vực nước mặn thậm chí cả hồ bơi và bồn tắm nước nóng. Những vi khuẩn này rất nguy hiểm một khi chúng chui được qua da và nhiễm vào mô sâu bên trong người.

    Năm ngoái, ít nhất hai người tại Mỹ đã chết vì Necrotizing fasciitis sau khi nhiễm nó từ vùng lụt sau bão Hurricane Harvey. Bạn thậm chí vẫn có thể nhiễm vi khuẩn mặc dù không lội xuống nước. Một người đàn ông ở California bị Necrotizing fasciitis sau khi bắt một con cá khiến tay ông bị trầy xước.

    Những điều bạn chưa biết về vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh 4.

    Vibrio vulnificus là một loài có thể trở thành vi khuẩn ăn thịt người

     Nên tránh những vùng nước nào?

    Ở Mỹ, chính quyền và cơ quan bảo vệ môi trường địa phương thường xuyên kiểm tra các trung tâm giải trí dưới nước. Họ sẽ đóng cửa các cơ sở này khi thấy nồng độ vi khuẩn vượt ngưỡng an toàn.

    Candice Hoffman, người phát ngôn của CDC, khuyến nghị mọi người nên tránh ao hồ, sông suối hoặc các bãi biển, nếu nó bị đóng cửa vì có khuyến cáo mức độ vi khuẩn cao hoặc các sự cố khác như tràn nước thải hoặc tảo nở hoa.

    CDC cũng khuyên mọi người nên tránh bắt cá hoặc các động vật khác chết trong hoặc gần khu vực nước bị đổi màu, có váng, bọt hoặc bốc mùi.

    Nếu cảnh giác khi đi biển, bạn nên tránh những khu vực có nước lợ ở cửa sông, cửa biển. Dòng nước ngọt đổ vào biển từ sông có thể mang theo bất cứ thứ gì, kể cả xác động vật, tăng nguy cơ vi khuẩn sống sót và phát triển.

    Mặc dù vậy, nước biển thậm chí nước trong hồ bơi cũng có thể chứa vi khuẩn có thể gây Necrotizing fasciitis. Một lần nữa, vi khuẩn không phải vấn đề, vấn đề là vị trí của vi khuẩn.

    Những điều bạn chưa biết về vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh 5.

    Một vùng ngập sau bão Hurricane Harvey ở Mỹ

     Làm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi vi khuẩn ăn thịt?

    Hoffman khuyên rằng có những biện pháp bảo vệ đơn giản, bắt đầu từ việc xử lý vết thương đúng cách. Nếu có đi bơi hoặc hoạt động ở những khu vực ngập nước, hãy đem theo một chai nước sạch, xà phòng kháng khuẩn, cồn y tế rửa vết thương và bông băng để phòng cho những trường hợp không may.

    Quy trình xử lý vết thương bắt đầu bằng việc cầm máu. Sau đó, rửa vết thương và cả khu vực xung quanh bằng nước sạch và xà phòng. Bất kỳ dị vật lạ nào, như bụi bẩn hoặc cát, cần phải được lấy ra khỏi vết thương.

    Rửa vết thương lần cuối với cồn y tế, thấm khô và băng nếu cần thiết. Nhưng lưu ý, tuyệt đối không dùng băng không thấm với ý định nhảy trở lại môi trường nước. Băng không thấm sẽ bẫy vi khuẩn và khiến cho vết nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Nó chỉ được sử dụng trong trường hợp băng vết thương hở trước khi đi bơi.

    Những điều bạn chưa biết về vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh 6.

    Chăm sóc những vết thương đúng cách và càng sớm càng tốt

    Chăm sóc vết thương càng sớm càng tốt, Hoffman nói, thời gian là vàng bạc bởi vi khuẩn phát triển rất nhanh. Nếu bạn cạo râu, cắt phải tay, hoặc thậm chí là xước da trong khi bơi, nó cần phải được làm sạch và chăm sóc càng sớm càng tốt - không thể chậm trễ, không phải đợi khi bạn trở về nhà bật quạt hay pha đồ uống xong mới đến lượt vết thương.

    Chăm sóc nó ngay lập tức và đúng cách làm giảm đáng kể nguy cơ mắc Necrotizing fasciitis. Cũng giống như sau khi đi rừng, bạn cần kiểm tra lại người xem có dính vắt không, sau khi đi bơi hoặc ở vào khu vực cần tiếp xúc với nước, bạn cũng nên kiểm tra lại người mình xem có bị trầy xước hay không.

    Tham khảo Tonic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ