Những điều có thể bạn chưa biết về iPhone trả bảo hành

    Tuấn Anh,  

    Những chiếc iPhone "trả bảo hành" rất có thể trở thành bản khóa mạng nếu bạn không kiểm tra kỹ.

    Chính sách bảo hành của Apple luôn lấy lòng được khách hàng bởi sự chuyên nghiệp của mình. Với những chiếc iPhone mua chính hãng, mỗi máy đều nhận được bảo hành 1 đổi 1 trong thời hạn một năm khi đủ điều kiện.

    Trong trường hợp iPhone lỗi do phần cứng của nhà sản xuất, khách hàng sẽ được đổi máy mới 100%. Tại Việt Nam chúng ta thường gọi với tên "máy trả bảo hành", máy không đi kèm hộp và phụ kiện, khi kích hoạt sẽ nhận được thông tin bảo hành của thiết bị cũ. Việc bảo hành này không phân biệt thiết bị bạn mua là sim-free (bản không khóa mạng) hay bản được bán kèm nhà mạng (chỉ dùng với sim mạng đó),.

    Tuy nhiên có một điều mà Apple không chính thức thông báo khiến nhiều người dùng không thể sử dụng thiết bị khi đi du lịch do chính sách quản lý máy trả bảo hành của mình.


    Trong bài viết này tôi sẽ nói tới trường hợp cụ thể là chiếc iPhone 6s Plus được mua chính hãng tại Mỹ, bản sim-free (tương đương máy quốc tế tại Việt Nam). Khi đó thiết bị đã được kiểm tra và có thể sử dụng tất cả các sim thông thường, không giới hạn nhà mạng.

    Do gặp lỗi kết nối bluetooth với xe hơi không ổn định nên tôi đã mang tới cửa hàng chính hãng, Apple đồng ý gửi trả một chiếc máy mới 100% "trả bảo hành". Chiếc máy này được kích hoạt với sim nhà mạng tôi sử dụng dịch vụ tại Mỹ là AT&T, mọi vấn đề khi sử dụng vẫn hoàn toàn bình thường.

    Điều đáng nói là khi trở về Việt Nam vào ngày 22/12/2015, chiếc máy sim-free của tôi không thể sử dụng được với sim của các nhà mạng phổ biến như Viettel hay Mobifone, máy hiện thông báo sim không hợp lệ như hình phía dưới.

    Quá bất ngờ về việc chiếc máy "iPhone Quốc Tế" của mình lại không thể kích hoạt được với sim ở Việt Nam, tôi đã liên hệ với cửa hàng mua máy tại Mỹ cũng như tham khảo thông tin trên trang hỏi đáp của Apple và dần hiểu ra vấn đề.

    Chiếc iPhone "trả bảo hành" của Apple là máy mới không hề có thông tin quản lý chi tiết như các thiết bị thông thường, khi được gửi lại khách hàng và kích hoạt, máy chủ sẽ tự động sao chép toàn bộ thông tin bảo hành của máy cũ sang máy mới cùng thông tin về sim.

    Có hai trường hợp có thể gây ra vấn đề trên:

    1. Máy trả bảo hành của Apple là máy khóa mạng (lock), khi gửi lại khách hàng và được kích hoạt sẽ tự động đồng bộ thông tin với máy cũ và chuyển thành bản sim-free, quá trình này thực hiện tự động. Trong trường hợp quá trình bị lỗi, máy sẽ vẫn ở bản khóa mạng.

    2. iPhone trả bảo hành là thiết bị hoàn toàn "trắng". Khi được kích hoạt nó sẽ tự động đồng bộ dữ liệu bảo hành của máy cũ sang và chỉ lưu thông tin kích hoạt ở chính thời điểm đó. Điều đó có nghĩa rằng iPhone trả bảo hành khi kích hoạt với sim nhà mạng A thì mặc định nó sẽ chỉ cho phép sim nhà mạng này kích hoạt về sau.

    Apple khá kín tiếng trong vấn đề này, vì vậy không có thông tin chính thức về việc iPhone trả bảo hành trở thành máy lock dù là bản sim-free.

    Sau khi tìm hiểu được thông tin trên, tôi đã buộc phải liên hệ với AT&T để yêu cầu mở khóa thiết bị. Nhà mạng này xử lý yêu cầu trong thời gian 3 ngày và không cho biết thêm bất kỳ thông tin nào về việc nói trên.


    Một sự việc tương tự cũng xảy ra vào giữa tháng 12/2015 với khách hàng mua iPhone chính hãng từ nhà phân phối Việt Nam. Khách hàng này mang chiếc iPhone sang Brisbame (Úc) và không thể sử dụng sim của nhà mạng tại đây. Sau nhiều ngày nhà phân phối làm việc với Apple, thiết bị trên mới có thể mở khóa trở thành bản sim-free thông thường.

     Một khách hàng bức xúc vì gặp tình trạng tương tự.

    Một khách hàng bức xúc vì gặp tình trạng tương tự.

    Vì vậy trong trường hợp bạn sử dụng iPhone gặp lỗi và nhận được máy trả bảo hành, hãy đảm bảo rằng thiết bị của mình là bản sim-free bằng cách tự kiểm tra (lắp sim nhà mạng khác) hoặc nhờ đơn vị phân phối giúp đỡ, tránh tình trạng đáng tiếc khi đi du lịch không thể kích hoạt máy.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ