Dù còn trẻ tuổi nhưng những doanh nhân gốc Việt dưới đây đã làm chấn động không chỉ thung lũng Silicon mà cả nước Mỹ với những lần gọi vốn triệu đô hay những công ty và dự án có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn.
Bill Nguyễn - Doanh nhân gây chấn động nước Mỹ khi thành lập 8 công ty, bán với giá hàng trăm triệu USD
Bill Nguyễn sinh năm 1971 tại Mỹ và là con của 2 người nhập cư. Vì sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống nghèo khổ luôn ám ảnh Bill Nguyễn. Anh đã tự hứa với lòng mình khi lớn lên sẽ không để mình phải sống khổ thêm một ngày nào nữa.
Dù bỏ dở việc học đại học nhưng Bill Nguyễn trang bị cho mình kiến thức và kinh nghiệm đáng nể trong lĩnh vực tài chính. Năm 21 tuổi anh gia nhập Forefront – một công ty phần mềm sau đó đảm nhận vị trí điều hành 2 công ty khác là Freeloader và Support.com. Đỉnh điểm thành công của Bill Nguyễn là vào năm 1999 khi anh thành lập nên Onebox - phần mềm chuyển tin nhắn và sau đó bán lại cho Phone.com với mức giá không tưởng 850 triệu USD.
Đến năm 2009, Bill Nguyễn tiếp tục bán được thêm 2 công ty nữa cho Apple gồm: Lala - dịch vụ kết nối những người có cùng sở thích âm nhạc với nhau và là nơi để mọi người trao đổi đĩa CD cũ với giá 80 triệu USD; Hai là Color - ứng dụng chia sẻ ảnh cho điện thoại di động được ví như là mạng xã hội của kỷ nguyên điện thoại di động thông minh (smartphone) như iPhone và máy tính bảng như iPad (giá trị thương vụ này không được tiết lộ).
Cho tới nay, sau hơn chục năm lăn lộn trong lĩnh vực Internet, tổng cộng Bill Nguyễn đã thành lập được 8 công ty và sau đó bán chúng với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Điều trăn trở lớn nhất đối với Bill Nguyễn lúc này là việc chưa thể trở thành tỷ phú. "Điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi có khả năng chịu đựng gian khổ giỏi hơn bất kỳ ai khác, và sẽ tồn tại lâu hơn, bởi vì tôi có thể".
Lê Viết Quốc - kỹ sư 34 tuổi của Google và tham vọng thay đổi thế giới bằng trí tuệ nhân tạo
Lê Viết Quốc (SN 1982) sinh ra trong 1 gia đình viên chức ở Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Thời điểm Quốc sinh ra, ngôi làng anh ở còn chưa có điện nhưng may mắn là nhà anh lại gần thư viện. Ở thư viện này, anh đã đọc về những phát minh và mơ một ngày có được những phát minh mang tên mình.
Sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, Lê Viết Quốc nhận được học bổng tại Đại học Quốc gia Australia (Úc) rồi học nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford (Mỹ) về trí tuệ nhân tạo. Trong quá trình học, anh Quốc thấy rằng, những phần mềm trí tuệ nhân tạo dù thông minh tới đâu cũng vẫn cần tới sự giúp đỡ phần lớn của con người như phải chú thích dữ liệu, hay những chi tiết quan trọng cần chú ý trong dữ liệu đó. Chính vì thế, trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford anh đã tự mày mò và nghiên cứu về một phần mềm tự động học hỏi.
Thực tế trước đó, những nghiên cứu như thế này đã được tiến hành tuy nhiên kết quả nó đưa ra không được khả quan. Những hệ thống máy tính này được gọi là 'deep learning', mô phỏng theo tế bào thần kinh của con người.
Đến lượt mình, Lê Viết Quốc đã tìm cách tăng tốc bằng cách xây dựng mạng lưới thần kinh mô phỏng lớn gấp 100 lần. Và rõ ràng, điều này đã giúp cho dữ liệu được phân tích nhanh gấp hàng nghìn lần so với trước đó. Đây cũng chính là lý do khiến Google tìm tới Lê Viết Quốc và tuyển dụng anh.
Tại Google, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Andrew Ng (1 chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại ĐH Stanford), Lê Viết Quốc đã tiếp tục đào sâu và phát triển công nghệ này.
Năm 2012, sau khi công bố kết quả nghiên cứu, Google đã đẩy cuộc đua về 'deep learning' lên một mức mới, nơi mà những ông lớn như Facebook, Microsoft sẵn sàng chi tiền để trở thành người dẫn đầu.
Kết quả của nghiên cứu này là dù không có sự hỗ trợ của con người nhưng hệ thống có thể nhận diện mèo, con người và hơn 3000 đối tượng khác nhau bằng phân tich 10 triệu hình ảnh được chia sẻ trên Youtube .
Hiện này, công nghệ này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và phát triển tại Google, điển hình nhất đó chính là phát triển phần mềm tìm kiếm hình ảnh và nhận dạng giọng nói của Google.
“Có rất ít người trên thế giới thực sự hiểu cách thức mà các cỗ máy có thể học và suy nghĩ như con người. Deep Learing vẫn là một điều gì đó rất mới mẻ”, Quốc chia sẻ.
Hiện tại chàng kỹ sư 34 tuổi này đang cùng những đồng nghiệp tại Google Brain đặt cược vào việc trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi thế giới trong tương lai không xa.
Tri Tran - người thay đổi hoàn toàn ngành dịch vụ giao đồ ăn Mỹ
Sinh ra tại Việt Nam, Tri Tran đã sớm cùng cha mẹ tới Mỹ để định cư. Sau khi tốt nghiệp Đại học MIT, Tri Tran đã trở thành kỹ sư tại một công ty phần mềm ở California.
Xuất phát từ cảnh 2 vợ chồng anh thường xuyên không thể tự nấu cơm tại nhà, Tri Tran đã nảy ra ý tưởng về việc thành lập nên Munchery - công ty vận chuyển bữa ăn đã hoàn thiện tới tận nhà khách hàng.
Mục tiêu của Munchery giống như rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ trên khắp thế giới là giải quyết những vướng mắc trong các bữa ăn của khách hàng, giúp họ dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch cho bữa ăn chỉ nhờ một ứng dụng.
Điểm tạo ra sự khác biệt của Munchery là họ tự chế biến món ăn và chuyển tới cho khách hàng với mức giá khá tốt.
Công ty hiện đã huy động được 115 triệu USD và được định giá ở mức 300 triệu USD. Tri Tran nói rằng Munchery hiện là nhà chế biến các bữa ăn lớn nhất tại những thành phố mà họ hoạt động. Tri Tran hy vọng có thể mở rộng thêm ít nhất 10 thị trường nữa trong năm tới nhưng không cho biết chi tiết về kế hoạch này.
Thuận Phạm - người khiến CEO Uber phải gọi điện “cầu cạnh” suốt 2 tuần mời về làm việc
Sau khi cùng gia đình tới Mỹ, Thuận Phạm bắt đầu đi học và làm thêm trong một cửa hàng rửa xe ô tô. Ông tham gia học chuyên ngành Khoa học máy tính tại đại học MIT vào năm 1986 và tốt nghiệp năm 1991. Lúc này Internet mới chỉ vừa bắt đầu phát triển, ông đầu quân cho HP Labs, Silicon Graphics, DoubleClick và VMWare.
Năm 2013, được biết trong suốt 2 tuần liên tiếp, ngày nào CEO Uber là Travis Kalanick cũng gọi điện thoại cho Thuận Phạm để bàn bạc về một danh sách các chủ đề đã được ghi ra từ trước. Phải sau 30 giờ trò chuyện, Kalanick mới chuyển sang thảo luận với Thuận Phạm về lời đề nghị làm Giám đốc công nghệ cho Uber và Thuận Phạm chỉ mất 30 phút suy nghĩ để đồng ý.
Được biết khi gia nhập, Uber mới chỉ có mặt tại 60 thành phố và 200 nhân viên. Hiện tại họ đã phát triển con số này lên 400 thành phố.
Tại Uber, Thuận Phạm cũng đang xây dựng lại kiến trúc ứng dụng theo cách dù xảy ra một trục trặc nào đó thì nền tảng vẫn chạy bình thường.
Ngoài ra, ông cũng đang xây dựng trạm máy chủ riêng cho Uber để không phải phụ thuộc vào những bên thứ 3 như Amazon.
Hùng Trần - Người làm nên kỳ tích gọi vốn triệu đô ở thung lũng Silicon
Gọi vốn chưa bao giờ là việc dễ dàng với các startup, nhất là tại thung lũng Silicon, Mỹ. Tuy nhiên, Hùng Trần - CEO của GotIt - một ứng dụng giáo dục dựa trên mô hình nền kinh tế chia sẻ đã gọi vốn thành công tới hơn 9 triệu USD gây xôn xao giới khởi nghiệp Việt Nam.
GotIt! được cấp vốn bởi một số quỹ đầu tư và nhà đầu tư thiên thần, trong đó có Capricorn Investment Group (sáng lập bởi Chủ tịch đầu tiên của eBay, từng đầu tư vào các startup đột phá như Tesla Motors, QuantumScape và Planet Labs) hay Brad Bao (từng phụ trách quỹ đầu tư Tencent Investment) và may mắn có được những cái tên nổi tiếng ở Thung lũng Silicon làm cố vấn, điển hình là Guy Kawasaki và Shaherose Charania.
Hơn hai năm sau khi chính thức phát hành trên App Store (tháng 1/2014), GotIt! đã nắm giữ vị trí thứ 2 về lượng download trong mảng giáo dục tại Mỹ, chỉ sau iTunes U. iTunes U là sản phẩm của Apple, do đó có thể coi GotIt! là ứng dụng top 1 mảng giáo dục do bên thứ ba phát hành.
Đội ngũ GotIt! hiện có khoảng 20 nhân viên làm việc tại trụ sở chính tại Thung lũng Silicon, Mỹ và 11 người tại Việt Nam. Ở Mỹ, GotIt! thu hút được cả những nhân sự cấp cao của HP, Oracle, Google, Facebook hay Lyft.
Tuy GotIt! hiện tại mới tập trung vào cung cấp chuyên gia cho các môn Toán, Lý, Hóa nhưng về lâu dài, công ty muốn trở thành nền tảng khổng lồ cung cấp chuyên gia cho tất cả các lĩnh vực, có thể là nơi mọi người tìm đến thay cho Google hay Quora.
Theo Trí thức trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời