Không phải hào quang nào cũng kéo dài mãi mãi, các hãng phần cứng khổng lồ đang phải loay hoay thoát khỏi cái bóng quá lớn của mình.
Họ là những ai? Có thể kể ra đây những cái tên quen thuộc như Intel, HP, Dell, EMC… Cuộc đời không như là mơ nên họ không còn là chính mình như cách đây 10, 5 năm, hay thậm chí chỉ vài tháng trước. Chuyện gì đang xảy ra?
Chung quy lại chỉ là do họ không chịu thay đổi trong thế giới công nghệ đang biến chuyển hàng ngày, hàng giờ. Theo đó, khi muốn động chân động tay thì mới chợt nhận ra mình đã lạc hậu với thời cuộc.
Với sự lên ngôi của smartphone và tablet, những chiếc máy PC cồng kềnh và nặng nề dần đánh mất vai trò của mình. Khi các dịch vụ điện toán đám mây của Google, Amazon, Microsoft và nhiều hãng khác nở rộ, các doanh nghiệp có thể tự mình xây dựng website và làm phần mềm mà không phải mua phần cứng cho trung tâm dữ liệu.
Còn nếu doanh nghiệp cần tới phần cứng, họ sẽ tìm tới những thứ khác biệt, những thứ mà các công ty Internet lớn như Facebook và các nhà cung cấp giải pháp điện toán đám mây lớn đang mang lại.
Gà què ăn quẩn cối xay
HP, Dell, EMC và Intel biết rõ điều đó nhưng lại bất lực, họ thậm chí còn không biết đối phó với sự thay đổi này như thế nào nữa.
Thế rồi, mọi thứ rối lên như canh hẹ. Những ông lớn này liên tục tái cơ cấu, tái định hướng, thậm chí làm mới mình để bơi theo thời cuộc. Đôi khi, họ thậm chí còn nhảy cả vào những thị trường hoàn toàn mới mà bản thân chưa từng có kinh nghiệm.
Lẩn thẩn hơn, họ còn đổ hàng đống tiền mua lại các công ty mà không chắc có thay đổi được số phận hay không. Cái họ cần lúc này là sự thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào cho có lợi nhất thì vẫn mù tịt.
Hài hước ở chỗ, chán với phần cứng, những ông lớn như HP, Dell, EMC, và Intel lại chuyển đổi sang phần mềm, cụ thể là phát triển theo định hướng công ty phần mềm.
Năm 2010, hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới Intel đã mạnh tay chi tới 7,68 tỉ USD mua lại công ty phần mềm bảo mật McAfee. Một năm sau đó, gã khổng lồ về PC và máy chủ HP thâu tóm công ty "dữ liệu lớn" Autonomy với mức giá "cắt cổ" – 11,1 tỷ USD.
Trong khi đó, một "đại gia" PC và máy chủ khác là Dell cũng tiếp tục chi hàng tỷ USD mua lại nhiều thể loại công ty phần mềm trong những năm tiếp theo. Thế nhưng, có vẻ không thương vụ nào "ra hồn" cả.
Dell hiện đang "chất đống" các công ty phần mềm mà chưa biết sẽ khai thác chúng thế nào. Còn HP Enterprise mới tuần trước đã phải chia tay Autonomy bằng cách bán bộ phận phần mềm cho Micro Focus. Gần như cùng lúc, Intel bán McAfee với giá 4,2 tỷ USD.
Dell và HP từng nghĩ họ có thể làm tốt ở mảng đám mây nhưng thực tế lại chẳng đi tới đâu. Và giờ đây, những ông lớn này lại tiếp tục cải tổ lần nữa.
HP tách làm 2 công ty, và mới đây một trong hay công ty này đã mua lại bộ phận máy in của Samsung. Trong khi đó, Dell sáp nhập với EMC trong thương vụ có giá trị lớn chưa từng thấy – 67 tỷ USD.
Còn Intel cũng loay hoay mua lại nhiều công ty sản xuất các loại chip khác nhau. Sau khi thất bại với phần mềm, những công ty phần cứng này đã quay lại chính mình như những ngày xưa – nghĩa là phát triển như công ty phần cứng thực thụ.
Thế thời phải thế
Trong quá khứ, rất nhiều công ty công nghệ lớn đã phải thay đổi để tồn tại. Cách đây 14 năm, IBM đã chuyển sang hướng kinh doanh hoàn toàn khác khi nhận thấy thị trường thay đổi.
Năm 2002, IBM mua công ty ty vấn CNTT PricewaterhouseCoopers, rồi 3 năm sau đó tiếp tục bán bộ phận kinh doanh máy tính cá nhân (cho Lenovo). Sau đó, IBM đã tập trung vào mảng phần cứng, phần mềm và dịch vụ tư vấn cho các tập đoàn lớn và đạt kết quả rất tốt.
Trong bối cảnh PC trở nên quá thông dụng và thị trường đã bão hòa thì việc chuyển sang mảng CNTT doanh nghiệp rõ ràng mang lại lợi thế và lợi nhuận cao hơn.
Khi thị trường tiếp tục chuyển đổi từ PC sang điện thoại và máy tính bảng, một số hãng máy tính lớn khác cũng thử cách tiếp cận tương tự.
Từ đầu 2010 trở lại đây, khi điện toán đám mây thay đổi căn bản CNTT doanh nghiệp, những công ty lớn này lại thay đổi lần nữa. Intel tỏ ra thành công khi trở thành nhà cung vi xử lý chính cho những công ty Internet lớn như Google, Amazon, Microsoft, và Facebook.
Thế cuộc thay đổi, các công ty Internet lớn dùng chip cho máy chủ và các thiết bị lưu trữ theo cách rất khác khiến HP, Dell và ông lớn EMC "thất nghiệp".
Cuối cùng, HP phải chia tách thành hai công ty riêng để huy động sức mạnh dễ hơn: HP Enterprise (phần cứng và phần mềm doanh nghiệp) và HP Inc. (PC và máy in).
Thế nhưng, tất cả đều lỡ nhịp bởi đối thủ Amazon đã dẫn đầu mảng đám mây, còn Google và Microsoft đã đi trước nhiều bước. Ngay cả một hãng lớn như Microsoft cũng phải thay đổi để tồn tại trong cuộc chơi mới, và ở vị thế hiện tại hãng vẫn tốt hơn nhiều so với HP và Dell.
Không chỉ lỡ bước, HP thậm chí còn mắc sai lầm nghiêm trọng. Việc chi ra số tiền quá lớn để mua lại Autonomy rõ ràng là sai lầm không thể tha thứ.
Loay hoay tìm hướng đi mới
Bài học mà Dell, EMC, HP và Intel rút ra trong những năm gần đây là không dễ biến công ty phần cứng thành công ty phần mềm. Trong khi đó, Google và Microsoft cũng nhận ra bài học đắt giá rằng không thể làm điều ngược lại.
Google đã mua mảng di động Motorola Mobility trước khi phải bán lại cho Lenovo. Còn Microsoft đang phải đánh vật với "của nợ" Nokia.
Vấn đề mà các công ty như Dell, EMC, HP, và Intel gặp phải đó là họ không biết tương lai sẽ đi về đâu. Thay vì mua McAfee, ngay từ đầu Intel nên tập trung vào điện thoại di động. Còn HP, thay vì mua Autonomy, nên đổ tiền cho điện toán đám mây.
Có lẽ Intel cũng nhận ra điều đó. Hãng này xác định trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là hướng đi tiếp theo. Intel đã mua công ty Movidius chuyên sản xuất chip AI cho thiết bị bay không người lái, smartphone và các thiết bị công nghệ khác.
Tháng trước, Intel mua lại công ty Nervena chuyên về chip AI cho máy chủ. Còn năm ngoái, Intel đã chi tới 16,7 tỷ USD cho công ty Altera chuyên về chip trí tuệ nhân tạo.
HP đang đánh cược với máy in nhưng có vẻ đây không phải là tương lai chắc chắn.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI