Những kiểu game đang bị "bỏ rơi" tại Việt Nam

    VT,  

    Chúng đều không được các NPH lẫn game thủ nội địa coi trọng trong thời gian gần đây.

    Game online thực chất cũng chỉ là một nhánh của trò chơi điện tử, vì thế nó thừa kế hầu hết những thể loại game truyền thống (họa chăng chỉ trừ Phiêu lưu giải đố). Trong lịch sử GO Việt từ trước đến nay, gần như mọi thể loại đều đã được nhập về và phát hành và chúng cũng có số phận "vinh nhục" khác nhau.
     
    Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm từ thực tế thị trường cũng như lý do khách quan không tránh khỏi, dần dần một số dòng MMO đang đứng trước nguy cơ bị chính các NPH "tẩy chay". Họ không còn mặn mà nhập chúng về nước nữa, ít nhất là trong năm nay, hãy cùng điểm lại danh tính của từng "nạn nhân" dưới đây.
     
    Đua xe
     
    Không khó để hiểu vì sao trong suốt năm 2010 cho tới tận bây giờ, không một tựa game đua xe nào mới nào có mặt tại dải đất hình chữ S. Thậm chí một cái tên đã phải nói lời chia tay là Boom Speed của VTC Game. Lúc này, chỉ còn mình Zing Speed của VNG độc chiếm thị trường, tuy nhiên khả năng hút khách của nó cũng không cao.
     

    Zing Speed là đại diện đua xe duy nhất còn sống tại VN.
     
    Nhớ lại quá khứ, một MMO tốc độ khác là Vương Quốc Xe Hơi cũng từng phải đóng cửa vì không đủ doanh thu, dường như mức độ ham thích của gamer Việt với thể loại này càng ngày càng giảm dần. Điều này một phần do tất cả các tựa game đua xe về nước đều na ná nhau về phong cách đồ họa ngộ nghĩnh, chế độ chơi tương đồng và không lôi kéo được các fan thực thụ.
     
    Trong khi đó, thị trường quốc tế cũng không có nhiều MMO đua xe với đồ họa tỷ lệ thực và bóng bẩy. Riêng Need for Speed World là nổi đình đám, nhưng cấu hình cao của nó khiến cửa về Việt Nam trong tương lai gần là con số "0". Dễ thấy, từ nay đến hết năm sẽ chẳng có thêm đại diện nào ra mắt.
     
    Âm nhạc
     
    Hiện tại, ở Việt Nam vẫn còn 2 đại diện của dòng game âm nhạc là AuditionSành Điệu Online, để lại sau chúng hàng loạt sản phẩm phải nói lời vĩnh biệt. Có thể kể ra một số cái tên như Band Master, HotStep, Zing Dance, JAM... trong khi đó Audition đã qua thời hoàng kim còn SDO luôn không thoát khỏi cái bóng "bà đầm già".
     

    Audition 2 tuy được kỳ vọng nhiều nhưng lại thất bại.
     
    Sức cạnh tranh quá lớn từ phía Audition khiến các đối thủ của nó phải "gác vợt" chịu thua liên tục, từ đó tạo nên thực tế rằng khó có MMO nào cùng thể loại mà có thể thành công được như nó. Còn nếu muốn thay đổi gameplay từ dạng nhạc nhảy sang nhạc cụ thì còn bi đát hơn, tấm gương Band Master JAM cho thấy rõ điều ấy.
     
    Lúc này, chỉ còn  Audition 2 là MMO âm nhạc được VTC Game gửi gắm nhiều kỳ vọng tại Việt Nam. Tuy nhiên kể từ khi nó ra mắt cuối năm ngoái đến nay thì tiếng tăm vẫn còn rất nghèo nàn và chắc chắn không thể bằng được người tiền nhiệm. Nói không ngoa, Audition 2 là một thất bại năm 2011.
     

    Jay Online - MMO thuần Việt cũng không khá khẩm gì.
     
    Ngoài ra 2 dự án GO nhạc nhảy "made in Việt Nam" là The KingJay Online dường như đã biến mất tăm tích kể từ khi ra mắt đến nay. Tất cả cho thấy tương lai của thể loại này cực kỳ bi đát.
    Hybrid
     
    Thuật ngữ "hybrid" có vẻ còn xa lạ với gamer Việt, nhưng trên thực tế đã từng có một MMO thuộc thể loại này về Việt Nam, và thậm chí nó còn đang "sống sờ sờ" - Đó chính là Linh Thú của Asiasoft. Nói một cách dễ hiểu, hybrid là game pha trộn giữa nhiều thể loại khác nhau (nhập vai, mô phỏng...)
     

    Linh Thú vẫn còn sống nhưng quá yếu thế tại VN.
     
    Nghe qua có vẻ hấp dẫn, nhưng trên thực tế MMO hybrid khó có cửa thành công tại thị trường nội địa vì càng pha trộn nhiều phong cách, gameplay càng phức tạp, rắc rối. Trong khi đó ai cũng biết, gamer Việt thích những thứ đơn giản, ít suy nghĩ nhiều, cày kéo nhanh. Thất bại của Linh Thú ngay sau khi ra đời càng chứng tỏ thêm điều đó.
     
    Giáo dục
     
    Giống như hybrid, game online phục vụ mục đích "giáo dục" cũng còn rất mới tại Việt Nam. Đến nay mới chỉ có duy nhất Audition English của VTC Game và một MMO mới mang tên Chinh Phục Vũ Môn là đi theo thể loại này. Và cả hai đều chưa để lại được bất kỳ điểm nhấn nào cho thị trường (thậm chí AuE đã đóng cửa).
     

    Audition Englist sau thời gian dài bết bát đã đóng cửa.
     
    Và dĩ nhiên, khi đã khó kiếm lời thì sẽ chẳng có doanh nghiệp nào mặn mà với cách làm trên trong tương lai. Việc kết hợp giữa game và học tập không phải là ý tưởng tồi, nhưng cân bằng giữa 2 vế là cực kỳ khó và chắc chắn không hợp với tâm lý giới trẻ, những người tìm tới trò chơi là để giải trí chứ không phải bài vở.
     
    Bắn súng
     
    Không giống với 4 thể loại trên, shooter từ lâu đã là món ăn ưa thích của giới trẻ Việt, nhất là từ khi Counter Strike cập bến cách đây hơn chục năm. Chẳng thế mà năm 2008, 3 ông lớn VTC Game, VNG, FPT Online đồng loạt nhập MMOFPS về nước, chưa kể một số game bắn súng góc nhìn thứ 3 như Tiểu Đột Kích, BattleStar.
     

    "Cửa" cho MMOFPS mới gần như là con số không.
     
    Nhưng rốt cuộc tới nay, chỉ còn mình CF tồn tại, MMO này phải vượt qua không ít khó khăn để đứng vững trong khi 2 đối thủ SFSA tự tuyên bố đóng cửa. Hơn ai hết, các NPH trong nước hiểu rằng bắn súng là mảnh đất "vàng", nhưng dĩ nhiên không ai dám mua về vì tiếng tăm game "bạo lực".
     
    Thậm chí, nếu 3 thể loại Đua xe, Âm nhạc và Hybird có thể chỉ lỡ hẹn năm 2011 và tương lai vẫn còn cơ hội về nước, thì riêng MMO bắn súng sẽ không có bất cứ "cửa" nào trong ít nhất là 3, 4 năm nữa (nếu không muốn nói là hơn 5 năm). Ngay cả một sản phẩm thuần Việt như SQUAD mà tương lai tại quê hương cũng còn mịt mờ.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ