Những lý do "3 chìm 7 nổi" giải thích tại sao Windows chạy trên chip ARM là đột phá cách mạng của làng công nghệ (hoặc ngược lại)
Dù mang nhiều tiềm năng lớn và triển vọng nhưng tương lai cho dòng thiết bị này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Nếu Microsoft nắm trong tay quyền năng quay ngược thời gian, chắc hẳn mọi chuyện xảy ra sẽ biến hóa vô cùng bất ngờ và thú vị. CEO Satya Nadella có lẽ sẽ ngay lập tức cải thiện và sửa đổi một cách tối ưu nhất cho phiên bản thiết bị chạy Win32 của mình trên mô hình cấu trúc ARM.
Đó là mảnh ghép quan trọng trong quá trình hiện thực hóa các thiết bị điện thoại chạy Windows, tablet mỏng đột phá và laptop siêu gọn nhẹ đến từ Microsoft mà thực sự hấp dẫn người tiêu dùng. Hàng tỉ USD đầu tư và hàng ngàn vị trí làm việc mới đã có thể được mở ra, nếu công ty biết chọn lựa con đường đúng đắn vào vài năm trước.
Cụ thể, Win32 có một mối liên hệ mật thiết với nên tảng máy tính chạy Windows thông thường, với các ứng dụng quen thuộc như Office, Photoshop, VLC và Steam... Tuy nhiên, vấn đề là phiên bản Windows chạy trên điện thoại hoặc tablet nhỏ gọn lại không có khả năng chạy những phần mềm Win32 quan trọng đó, vì các bộ vi xử lý ARM thiết kế trên những thiết bị này không tương thích để vận hành app.
Đó đúng ra là một vũng lầy của công ty vào năm 2012, khi Microsoft nỗ lực ra mắt chiếc tablet Surface RT đầu tiên của mình chạy trên hệ điều hành tinh giản so với Windows gốc là Windows RT. Gần 1 tỷ USD đã mất trắng trong quá trình đầu tư cho thiết bị này khi doanh số của nó không hề tăng trưởng, và gần 8 tỷ USD nữa liên quan đến phân mảng điện thoại của Nokia.
Dù vậy, thời điểm hiện tại đã đánh dấu một bước biến chuyến lớn của Microsoft khi 7/12 vừa qua, công ty đã thông báo họ sẽ hồi sinh hệ điều hành Windows 10 chạy được app Win32 trên chính chip xử lý ARM của Qualcomm sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc những ứng dụng trên máy tính có thể chạy thoải mái trên điện thoại, và còn rất nhiều tiềm năng khác nữa chờ được khám phá.
Nhưng liệu đây có phải một quyết định muộn màng và vô ích nữa đến t ừ gã khổng lồ xử Redmond? Dưới đây là danh sách những lý do giải thích tại sao bước tiến này đóng vai trò trọng yếu trong lĩnh vực máy tính, và tất nhiên là vài khía cạnh khác gắn liền với nhưng góc nhìn rủi ro, tiêu cực bên lề:
Tại sao nói Windows chạy trên ARM là một thành công vang dội?
1) Tablet chạy Windows sẽ "đánh bật" iPad khỏi danh sách cạnh tranh
Surface Pro và Surface Book đích thị là một cỗ máy tính chạy Windows toàn diện, và hiếm có ai lại nhầm chúng với một chiếc iPad đơn giản hơn của Apple: Surface dày, nặng và cũng đắt tiền hơn nữa. Trong khi đó, iPad nhìn chung vẫn chưa chạm tay đến tầm với mà có thể thay thế hoàn toàn một chiếc máy tính. Đây cũng là lý do Apple vẫn phát triển sản phẩm máy tính Mac của mình song song với iPad.
Hệ điều hành Windows 10 cũng tương thích hoàn toàn cho cả PC và tablet, nhưng một chiếc tablet chạy chip xử lý Intel thì lại có vẻ như khá khan hiếm trên thị trường hiện nay vì một vài hạn chế. Chip Qualcomm thì lại khác, với công nghệ kết nối không dây tích hợp sẵn, nó sẽ mang lại một thời lượng pin lâu dài hơn cùng khả năng kết nối Internet liên tục mà chip Intel chưa cho phép trên các thiết bị di động.
2) Một làn gió mới hoàn toàn cho Windows Phone
Hiện tại, Android và Apple là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giới smartphone, nhưng điều đó hoàn toàn có thể bị thay đổi. Điện thoại chạy Windows sẽ có thể trỗi dậy, trở thành lựa chọn tiếp theo của người dùng. Liệu bạn sẽ lựa chọn như thế nào khi chứng kiến một chiếc điện thoại có thể hỗ trợ biến thành một nền tảng không khác gì laptop hay máy tính thông thường khi chỉ cần kết nối của một cổng phụ kiện tương thích?
Thực ra đó là ý tưởng đã từng được hiện thực hóa trước đó, nhưng hệ điều hành chạy trên điện thoại khi ấy vẫn chưa đủ toàn diện. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của chip ARM mạnh mẽ mới thì đó không còn là điều bất khả thi hay chỉ hiển hiện trên những bản thiết kế lý thuyết nữa.
3) Tiềm năng thực tế ảo
Windows là nền tảng tương thích hoàn thiện nhất dành cho các công nghệ thực tế ảo phát triển, nhưng những thiết bị phù hợp để vận hành công nghệ này lại chưa đạt đến mức nhỏ gọn tối ưu, vì chúng chỉ dành cho máy tính thực thụ, và các sản phẩm kính thực tế ảo lại có thời lượng pin chưa thuyết phục cho lắm (như Microsoft HoloLens).
Để đưa ra một giải pháp hóa giải mọi khúc mắc đó, chúng ta cần đến một bộ vi xử lý dành cho headset thực tế ảo có khả năng hỗ trợ kết nối Internet liên tục và thống nhất, với thời lượng vận hành lên đến vài giờ chỉ qua một lần sạc. Đó chính là những gì chip ARM của Qualcomm làm được qua nhiều bài thử nghiệm, không cần đến những linh kiện hỗ trợ đi kèm mà vẫn có thể làm tốt nhiệm vụ đó của mình.
4) Laptop cũng có sóng di động
Có bao giờ bạn từng mong ước rằng chiếc laptop của mình cũng sở hữu tính năng kết nối tới sóng di động? Tình trạng Wi-Fi tồi tệ có thể là một động lực đầy mạnh mẽ thúc đẩy bạn mang về cho mình một thiết bị chạy Windows trên chip ARM. Lý do thị trường laptop ngày nay chưa xuất hiện những sản phẩm như vậy là do những trở ngại trong quá trình sản xuất khi cần đến những khoảng trống nhất định dành cho linh kiện thu nhận sóng kết nối và cả khe cắm SIM nữa. Ngoài ra còn cần có thêm những chức năng điều hành phức tạp liên quan.
Nhưng chip xử lý của Qualcomm thì lại được tích hợp sẵn chức năng hỗ trợ kết nối không dây, và Microsoft cũng tuyên bố rằng Windows 10 là hệ điều hành có thể tương thích với loại eSIM tiên tiến hơn nhiều so với SIM thông thường, khiến người dùng thoải mái trải nghiệm mà không lo giới hạn về nhà mạng hay thông tin gắn kết liên quan.
Tất nhiên là vẫn cần phải tính đến phương diện chuẩn bị kế hoạch cho cụm ăng-ten thu phát sóng nữa. Dù sao thì bạn có thể hy vọng rằng phiên bản hỗ trợ sóng di động sẽ có giá thành phải chăng hơn so với nhiều người nghĩ, thậm chí người dùng còn được lợi nhiều hơn nếu như Intel và Qualcomm thực sự đối đầu nhau trong khía cạnh này. Trong một tương lai chờ đón kết nối 5G đầy đột phá thì đây có lẽ sẽ trở thành một chuẩn mực mới dành cho thiết bị công nghệ nói chung.
5) Tốc độ xử lý của chip ARM đủ cạnh tranh với Intel
Có thể bạn thường nghe nói đến tốc độ tuyệt vời của những máy tính với chip xử lý của Intel, AMD hay Nvidia, nhưng nếu được chứng kiến những gì mà một bộ vi xử lý di động làm được trong thời đại hiện nay thì chắc chắn bạn sẽ phải bất ngờ. Trong một cuộc kiểm tra theo thang tiêu chuẩn, chip ARM thiết kế cho iPhone 7 mới đây thậm chí còn đánh bại chip Intel trong MacBook Air. Qua đó, chúng ta dường như có thể đưa ra kết luận ban đầu rằng hiệu năng của Qualcomm Snapdragon 835 lõi tám được nhắm cho công cuộc phát triển này của Windows còn mạnh mẽ hơn thế.
Mới đây, Microsoft còn giới thiệu video quảng bá cho khả năng của máy tính chạy Windows 10 trên Snapdragon 820 lõi tứ mà vận hành trơn tru Adobe Photoshop. Do đó, sức mạnh của Snapdragon 835 cũng phần nào được khẳng định ngay từ lúc này rồi.
Windows 10 - Qualcomm Snapdragon 820
Vậy còn yếu tố cấu thành xác suất thất bại của Microsoft?
1) Tốc độ chạy ứng dụng chậm
Cơ chế vận hành hệ thống mới này của Microsoft có một điểm đặc trưng là mô phỏng chip Snapdragon cấu trúc ARM như thể một chip x86 của Intel, và khiến nó ít nhiều bị ảnh hưởng đến tác vụ xử lý phần mềm trong cách thức điều hành hệ thống.
Điều này đồng nghĩa với việc kể cả khi Snapdragon 835 có tốc độ ngang bằng với một chip máy tính Intel thì hiệu năng chung của nó vẫn bị giảm xuống chút ít. Tỷ lệ chênh lệch vẫn chưa được thống kê chính xác, và trước đó Microsoft cũng từng áp dụng cơ chế mô phỏng này trên Xbox One - chạy được cả những game trên Xbox 360. Dù sao thì theo nhận định trao đổi của đại diện Microsoft với CNET, họ khẳng định rằng hiệu suất xử lý của chip ARM cho Windows vẫn tương đối nhanh so với PC thông thường.
2) Đâu sẽ là cái tên đại diện đứng lên thiết kế thế hệ Windows Phone mới?
Windows Phone đang có tiềm năng lớn để vươn lên cạnh tranh với cả iPhone và điện thoại Android, nhưng ai sẽ là người mở phát sung khai trận đầu tiên? Dường như Microsoft không hẳn là tên tuổi được nhắc đến ở đây, vì tham vọng thống trị thị trường di động của họ đã bị lung lay bởi chính ý tưởng này trong quá khứ (dù vẫn có những tin đồn tiếp theo về Surface Phone).
3) Vấn đề lòng tin của khách hàng vào sản phẩm của Microsoft
Mỗi năm trôi qua, Microsoft lại liên tục đưa ra những lời ngọt ngào xoa dịu dư luận về một tương lai khi mà Windows sẽ chạy mượt mà trên tablet và điện thoại ý như máy tính. Tuy nhiên, kể cả khi điều đó trở thành sự thật, liệu bạn có thật sự đủ can đảm để bỏ tiền ra trải nghiệm một thiết bị mới mẻ như vậy trong khi những ký ức về mảng di động trước đó bị Microsoft hắt hủi vẫn còn hiện hữu?
Trong khi đó, Qualcomm đã trao đổi với CNET rằng thiết bị đầu tiên sẽ được ra mắt và lên kệ vào cuối năm 2017. Có lẽ chúng ta nên đợi thêm một thời gian nữa mới có thể chứng kiến được hồi đáp cuối cùng của ông lớn công nghệ này.
Tham khảo: CNET
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android