Những lý do khiến game thủ eSport sa chân

    PV, Vũ Giang 

    Trong suốt mấy ngày vừa qua cộng đồng StarCraft nói riêng và cộng đồng eSport nói chung dường như đang sôi sục lên về thông tin vụ scandal bán độ tại Hàn Quốc.

    Đây có thể nói là một cơn địa chấn, một đòn đánh mạnh giáng vào uy tín của cộng đồng StarCraft chuyên nghiệp Hàn Quốc. Dù có rất nhiều thành phần tham gia vào đường dây ma quái bán độ này nhưng những đối tượng được chú ý nhiều nhất chính là các game thủ.
     

    Các game thủ đều còn rất trẻ.
     
    Họ chính là những hình tượng lý tưởng của không ít các bạn trẻ trước khi vụ scandal bị phanh phui. Tiền lương cao, sự nghiệp gắn mình với đam mê chơi game cùng một lượng fan âm mộ khổng lồ vây quanh, một vị trí quả thực đáng mơ ước. Thế nhưng chính những con người vì đam mê đã dấn thân vào nghề nghiệp game thủ ấy cũng đã tự bán mình vì đồng tiền
     
    Vậy đâu là những lý do khiến họ làm như vậy? 
     
    Tuổi đời còn quá trẻ 
     
    Với nền công nghiệp game nói riêng cũng như giải trí nói chung, các ngôi sao luôn được đào tạo từ tấm bé, rời xa bố mẹ không phải là việc gì quá lạ lùng. Cùng với việc này họ phải lao vào một lịch luyện tập dày đặc gần như quên đi thế giới bên ngoài. 
     

    Tập luyện từ tấm bé.
     
    Ngay cả cá tình cảm cá nhân như tình yêu cũng bị gạt bỏ sang bên cho mục đích duy nhất, trở thành game thủ chuyên nghiệp. Khác với những nước khác, Hàn Quốc đã phát triển một hệ thống chứng nhận nghề game thủ và trải qua một kỳ thi tuyển rất khác nghiệt. 
     
    Và muốn bước chân vào các giải đấu như OSL, MSL hay Proleague, những giải đấu hàng đầu của StarCraft Hàn đương nhiên phải có tấm giấy chứng nhận. Chính vì vậy các game thủ luôn phải chịu sức ép không nhỏ trên con đường ấy. 
     
    Một điểm nữa là thường các game thủ đạt đỉnh của sự nghiệp vào giai đoạn từ 12-20 tuổi, đây cũng là lứa tuổi chưa thực sự ổn định về tâm lý cũng như bản lĩnh. Chính vì vậy việc bị những chủ website mua chuộc không là gì quá khó hiểu. 
     
     
    Bên cạnh đó những “người lớn” bên cạnh họ như huấn luyện viên, giám đốc, nhân viên đội game và cho đến cả ban tổ chức cũng phần nào tiếp tay cho những thế lực đỏ đen kia thì họ càng khó thoát khỏi thế lực hắc ám ấy. 
     
    Sự nghiệp ngắn ngủi
     
    Cũng như những người làm trong nghành giải trí khác tại Hàn Quốc, các game thủ cũng luôn phải chịu một sự thực về tuổi đời ngắn ngủi. Có thể họ mất 4-5 năm mới có thể lên được đỉnh cao phong độ nhưng mấy ai có thể trụ nổi ở đỉnh cao ấy quá 2 năm. 
     
    Giải thưởng dù lớn vẫn chưa đủ.
     
    Sau đó là một khoảng thụt dài dần với thành tích đi xuống kéo theo đồng lương giảm. Và khi đã không còn có thể tiếp tục thi đấu họ sẽ làm gì? Các kỹ năng trong đời sống đều thiếu hoặc yếu do lối đào tạo công nghiệp lúc còn trẻ. Lúc này làm mọi việc đối vói các game thủ quả thực đều không dễ dàng. 
     
    Chính những lý do, trở ngại trong tương lai đó có lẽ đã khiến các game thủ phải lóa mắt trước những khoản tiền quá lớn. Nó có thể đảm bảo cho họ những sự chuẩn bị chắc chắn trong tương lai và quá thực rất ít người có thể vượt qua cám dỗ này. 
     
    Vậy ai đúng ai sai? 
     
    Cho dù như nào đi nữa, khi các game thủ dấn thân bán mình cho các thế lực đỏ đen là tay đã nhúng chàm và chẳng có lý lẽ nào có thể biện minh hành động này. Họ đã đánh mất đi tình yêu, lòng tin tưởng, ngưỡng mộ mà người hâm mộ đã dành cho mình. 
     


    Và chắc chắn sự kiện này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả nền StarCraft chuyên nghiệp Hàn Quốc cũng như sự nghiệp của các game thủ. Nhưng âu cũng là bài học đáng giá đối với những người đã phản bội người hâm mộ.  
     
    Chỉ mong rằng từ đây ban tổ chức, các đội game và game thủ sẽ rút ra được những bài học để vững bước đi tiếp vì eSport Hàn Quốc vẫn là đầu tàu, là hình tượng chuẩn mực để các nước khác trên thế giới hướng tới học tập.