Cách đây mới chỉ hơn 1 năm, smartphone sử dụng CPU lõi đơn với xung nhịp 1 GHz vẫn còn là xu hướng thời thượng và các model dùng chip 1GHz còn là cả một niềm mơ ước đối với dân mộ đạo nhưng lại sở hữu 1 cái hầu bao hay... than thở.
Sử dụng CPU 1GHz đồng nghĩa với việc chiếc smartphone của bạn sẽ đem lại trải nghiệm duyệt web trơn tru mượt mà, thực hiện những tác vụ đơn giản như ứng dụng văn phòng, duyệt ảnh, xem phim và thậm chí là chơi game 3D tàm tạm. Qua thực tế sử dụng, cá nhân tôi cho rằng đối với các tác vụ đơn giản như duyệt web, xem phim chuẩn SD, đọc văn bản, xem ảnh... thì hiệu năng của các smartphone dùng chip lõi đơn 1GHz cũng không thua kém là bao so với những người đồng nghiệp lõi kép.
Sự thua kém chỉ lộ ra rõ rệt khi đụng đến các game dùng đồ họa 3D. Và thực tế là ngay cả các game 3D thì cũng chỉ có một số ít tận dụng sức mạnh của kiến trúc xử lý đa nhân hoặc các công nghệ mới tích hợp trên GPU của chip, vì thế các smartphone sử dụng chip 1GHz thời kỳ đầu vẫn sẽ bảo đảm bạn theo kịp thời đại ít nhất là 1 vài năm nữa.
Với những ai muốn tìm mua cho mình 1 chiếc smartphone đúng nghĩa, đảm bảo tất cả các tác vụ thường ngày cũng như phục vụ các công việc giải trí phổ thông, thì smartphone dùng CPU 1GHz xem ra là một sự lựa chọn đúng đắn. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay khi các các smartphone dùng chip lõi kép đã bắt đầu "lớp sau xô lớp trước", smartphone dùng CPU lõi đơn 1GHz đã phải xuống giá đến phân khúc tầm trung và phù hợp hơn với túi tiền của người Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, dân văn phòng.
Sau đây để bạn đọc tiện tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu những smartphone sử dụng chip lõi đơn xung nhịp 1GHz với giá cả ở tầm trung (dưới 8 triệu đồng). Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho những ai đang muốn tìm mua 1 chiếc smartphone cân bằng giữa giá tiền và hiệu năng.
*Giá tham khảo: Dưới 8 triệu đồng.
Có lẽ nếu nói đến tính linh hoạt và khả năng "độ" phần mềm của các smartphone 1GHz, khó có 1 model nào qua mặt được HTC HD2. Chiếc smartphone từng 1 thời là lá cờ đầu của dòng điện thoại dùng HĐH WinMo trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của iPhone và Android. Để HD2 đủ sức đương đầu với những đối thủ hết sức nặng kí như iPhone, HTC đã trang bị cho HD2 những công nghệ tối tân nhất thời bấy giờ. CPU 1GHz, màn hình cảm ứng điện dung 4.3 inch, 576 MB RAM và WinMo 6.5 cùng với giao diện Sense độc quyền.
Thế nhưng 1 cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân, 1 HTC HD2 có cấu hình xuất sắc cũng không giúp WinMo
thoát khỏi cảnh chết thảm vì giao diện người dùng quá thiếu... i-ốt. Cái chết của WinMo đã khiến HD2 lọt vào cảnh "bơ vơ không nhà". Thế nhưng cũng chính từ thảm cảnh ấy mà HD2 lại có cơ hội được lột xác. Cộng đồng phát triển đã hỗ trợ HD2 đến tận chân tơ kẽ tóc, một phần là nhờ HTC "mắt nhắm mắt mở" trong việc quản lý bootloader của HD2.
Qua bàn tay của các vọc sĩ, HD2 trở thành 1 trong những smartphone đa nền nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp smartphone. Đầu tiên là Android, sau đó đến Windows Phone 7, MeeGo rồi cả các hệ điều hành cho PC như Ubuntu, Windows 95, Windows 98 rồi cả Windows XP cũng được đưa lên HD2.
Android chạy khá ổn định trên HD2.
Bản thân tôi từng được chứng kiến các bản port của Android chạy rất mượt trên HD2. Nếu bạn là 1 người chịu khó tìm tòi, thích "vọc" và đang cần 1 chiếc smartphone 1GHz đem lại trả nghiệm đa dạng trên tất cả các nền tảng, thì không còn sự lựa chọn nào hợp lý hơn HTC HD2. Nhất là hiện tại đã có những cửa hàng đang "xả" HD2 với giá dưới 8 triệu đồng mặc dù mẫu smartphone này vẫn đang rất thu hút dân "vọc" vì tính linh hoạt của nó.
*Giá tham khảo: 6.5 triệu đồng.
2 anh em nhà Optimus 7 (trái) và 7Q (phải).
2 đại diện đến từ LG lựa chọn có hoặc không bàn phím QWERTY. Thực ra Optimus 7Q chính là phiên bản bổ sung bàn phím cứng của mẫu smartphone Optimus 7. Bản thân Optimus 7 cũng đang tụt giá khá thê thảm, nhiều cửa hàng hiện tại bán mẫn smartphone 1GHz này với giá chỉ 5-6 triệu đồng vì vậy cũng chẳng có gì đang ngạc nhiên khi Optimus 7Q cũng chịu chung số phận hẩm hiu với người anh em của mình. Hiện tại có cửa hàng đang bán Optimus 7Q với giá chỉ 6 triệu rưỡi.
Ngoài CPU có xung nhịp 1 GHz, Optimus 7Q còn được trang bị màn hình 3.5 inch với độ nét rất cao, bàn phím QWERTY hỗ trợ nhập liệu. Lý do bạn nên chọn 7Q thay vì mẫu Optimus 7 vốn phổ biến hơn là vì bàn phím QWERTY bao giờ cũng là 1 sự bổ sung rất đáng đồng tiền bát gạo. Chịu bỏ thêm vài trăm nghìn để lấy bàn phím QWERTY và bạn sẽ chẳng bao giờ phải cảm thấy hối hận.
*Giá tham khảo: 8 triệu đồng.
Chiếc smartphone đầu tiên trong dòng Nexus của Google. Lý do vì sao chiếc smartphone này lại thất bại thảm hại vẫn còn là 1 bí ẩn với người viết, trong khi chiếc HTC Desire có cấu hình tương tự, cùng sản xuất bởi HTC lại trở thành chiếc smartphone chạy Android thành công nhất của hãng sản xuất Đài Loan(và cũng là thành công nhất trong dòng Android) tính đến thời điểm hiện tại.
Chiếc "Google Phone" đầu tiên trong dòng Nexus đã không thành công được như mong đợi.
Chắc hẳn sự thờ ơ của người sử dụng phải có gì đó liên quan đến vụ tai tiếng thiếu đi tính năng cảm ứng đa điểm khi vừa ra mắt của Nexus One. Khi vừa ra mắt, Nexus One không hỗ trợ cảm ứng đa điểm mặc dù sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung. Sau này vì sự yêu cầu quá gay gắt của các fan, Google đã phải cho ra 1 bản cập nhật vào tháng 2-2010 cho phép người sử dụng có thể tận dụng 1 phần của công nghệ cảm ứng đa điểm và số ngón tay tương tác cùng lúc trên màn hình bị giới hạn là 2. Dù vậy với những tác vụ đơn giản như nhúm ngón tay để zoom ảnh, trang web Nexus One thừa đủ khả năng đáp ứng.
Điểm mạnh của Nexus One có thể kể tới CPU 1GHz, màn hình 3.7 inch AMOLED (các máy sản xuất về sau sử dụng Super LCD) rất tiết kiệm pin và cho màu sắc rực rỡ đẹp mắt, thiết kế khung sườn kim loại chắc chắn và quan trọng nhất là Nexus One là sản phẩm "cây nhà lá vườn" của Google. Vì thế cũng giống như các smartphone thuộc dòng Nexus khác, hệ điều hành Android được thiết kế dành cho Nexus One. Bạn sẽ luôn nhận được các bản cập nhật Android ngay khi hệ điều hành này vừa được Google "lên đời".
Tuy nhiên vì Nexus One đã bị ngưng sản xuất từ giữa năm 2010 vì thế nếu không nhanh chân lên bạn sẽ khó tìm được máy mới nguyên đai nguyên kiện vì hiện tại giá của Nexus One đã ở mức "không thể mềm hơn". Thậm chí có những cửa hàng rao bán máy mới với giá chỉ 8 triệu đồng.
*Giá tham khảo: 7 triệu đồng.
Cũng giống như HD7, nguyên nhân của số phận hẩm hiu dành cho S8500 nằm ở hệ điều hành: nền tảng Bada của Samsung còn quá non nớt khi phải đối đầu với những đối thủ già dặn hơn như iOS, Android. Mặc SoC được S8500 sử dụng chính là chipset Hummingbird danh tiếng từng làm nên sự thành công cho chiếc smartphone "đinh" của Samsung, chiếc Galaxy S.
Hummingbird là 1 trong những SoC lõi đơn 1GHz mạnh nhất mà bạn có thể tìm được trên thị trường smartphone hiện tại. Thậm chí các máy Galaxy S sử dụng SoC này còn có thể xem phim HD 720p khá mượt, một điều mà ngay cả các smartphone dùng SoC lõi đơn Snapdragon của Qualcomm thế hệ mới cũng không làm nổi.
Vì thế có thể khẳng định, với tầm giá 7 triệu đồng, S8500 là chiếc smartphone có cấu hình mạnh nhất trên thị trường hiện tại. Hiềm một nỗi là vì lượng người dùng S8500 và cộng đồng Bada quá ít ỏi nên số lượng ứng dụng dành cho nền tảng này thực sự chưa nhiều và tình hình trên cũng chưa có xu hướng thay đổi trong thời gian tới. Hiện tại S8500 đang có 1 vài dự án port Android trong quá trình thực hiện. Nhưng hiện tại chưa có 1 dự án nào đưa ra được bản stable build và hầu hết còn thiếu những tính năng trọng yếu như gọi điện, kết nối 3G... Hi vọng trong thời gian tới các bản port này sẽ hoàn thiện hơn và Android sẽ "cứu" được S8500 như nó đã từng cứu sống các mẫu smartphone chạy Windows Mobile và Windows Phone khỏi cảnh hứng bụi trên kệ hàng. (Cám ơn các độc giả mbk999, duongns, ShinZuRy đã giúp chúng tôi nhặt sạn)
*Giá sản phẩm có thể thay đổi tùy vào nơi bán. Giá tham khảo trong bài viết dựa trên mức giá bán của hàng xách tay.