Những MMO gamer muốn đừng bao giờ về được Việt Nam

    PV, Nghi Lâm 

    Chúng ta đã quá quen với việc game thủ nước nhà sốt nóng sốt lạnh khi biết tin game mới sắp cập bến, nhưng vẫn còn những sản phẩm mà họ... mong đừng bao giờ về được Việt Nam.

    Một trong những yếu tố quan trọng giúp "thắp lửa" cho làng GO Việt nhiều năm qua là tin game mới về nước. Cứ mỗi khi NPH tiết lộ bản hợp đồng vừa ký thành công là cộng đồng lại được dịp bàn tán xôn xao, thậm chí còn tính trước xem tương lai trò chơi sẽ thành công hay thất bại.
     
    Tuy nhiên vẫn có những tưa game đặc biệt khi giới trẻ chỉ hờ hững, chẳng màng quan tâm hoặc mong chúng đừng về nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này nhưng chủ yếu là do chúng không hợp hoặc không thể có tương lai tại dải đất hình chữ S. Hãy cùng điểm qua một số ứng viên nổi bật nhất trong danh sách này.
     
    Aion
     
    Nổi lên như một hiện tượng và được gamer Việt bàn tán liên tục trong năm 2009 nhờ chiến lược quảng bá toàn cầu mạnh mẽ của NCSoft, Aion lúc đầu luôn là niềm mơ ước của bất cứ người chơi nào. Thậm chí hồi đầu năm khi có tin Asiasoft mua thành công sản phẩm này, không biết bao nhiêu giấy mực đã tốn cho làn sóng bàn tán trên các diễn đàn.
     

    Không có cửa nào thành công nếu Aion về Việt Nam trong 1, 2 năm tới.
     
    Tuy nhiên khi đối diện với thực tế là trò chơi không có bất cứ "cửa thành công" nào tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại cho tới 1, 2 năm tiếp theo, gamer Việt bắt đầu mong rằng Aion đừng nên về nước để rồi chỉ tạo nên đau đớn cho cả người hâm mộ lẫn NPH.
     
    Điểm yếu chí mạng của Aion đối với thị trường trong nước là cấu hình yêu cầu cao (Pentium Dual Core, 2 GB RAM, GeForce 7600, HDD 12GB), lối chơi phức tạp và trên hết là vấn đề thu phí. Với thiết kế đi theo hướng P2P, nếu về nước mà chuyển sang F2P thì mức độ cân bằng sẽ bị vỡ vụn.
     

    50.000 VNĐ/tháng, chẳng NPH nào dám P2P kiểu này.
     
    Vậy nếu thu phí thì sao? Với mức tiền 100.000 VNĐ/tháng mà đa phần gamer còn kêu là đắt, cho rằng chỉ nên dừng lại ở... 30-50.000 VNĐ thì đủ thấy là chẳng NPH nào dám làm điều này.
     
    Alliance of Valiant Arms
     
    Mặc dù những tranh cãi xung quanh ba MMOFPS Đột Kích, Đặc Nhiệm, Biệt Đội sau 2 năm nay vẫn chưa kết thúc, ai cũng cho rằng trò chơi mình gắn bó là nhất và gây sóng gió cho các diễn đàn, thế nhưng hầu hết gamer Việt vẫn có chung một nhận định là A.V.A hay hơn cả.
     

    A.V.A sẽ ra sao nếu gặp hacker Việt?
     
    Những điểm gây được ấn tượng đối với giới trẻ nước nhà của A.V.A là đồ họa bóng bẩy, lối chơi không đến nỗi nào và nhất là không lo bị hack, kick top. Ngoài ra, chất lượng server luôn được đảm bảo dẫu sự phục vụ gặp nhiều hạn chế do máy chủ nằm tại Hàn Quốc.
     
    Thế nhưng chính những ưu điểm bên trên lại tạo nên "nỗi sợ vô hình" rằng nếu trò chơi về nước, nạn hack cộng với chất lượng phục vụ còn nhiều vấn đề của các NPH sẽ khiến game trở nên tàn tạ và thậm chí không thể cạnh tranh được với 3 MMOFPS đang vận hành hiện tại.
     

    Về Việt Nam, game có lẽ còn thua cả CF về lượng người chơi vì tính chiến thuật quá cao.
     
    World of WarCraft
     
    Có một sự thật là WoW luôn giành được sự quan tâm từ phía gamer Việt Nam, dẫu họ đã chơi hay chưa từng gắn bó với tựa game này. Danh tiếng lẫy lừng trên trường quốc tế cộng với uy tín của Blizzard khiến trò chơi trở nên "long lanh" hơn bao giờ hết.
     

    Runes of Magic là tấm gương sáng cho WoW.
     
    Cách đây khoảng 2, 3 năm, niềm mong mỏi một NPH nào đó có thể mạnh dạn đưa WoW về nước vẫn còn rất nóng hổi, thậm chí nhiều tin đồn được đưa ra khiến cộng đồng thi nhau bàn tán. Tuy nhiên hiện tại thì mọi thứ đã ngược lại hoàn toàn, dẫu vẫn thần tượng nhưng trong 10 người chơi tại Việt Nam thì 9 người rưỡi mong rằng nó đừng cập bến.
     
    Có quá nhiều những nguyên nhân dẫn tới kết luận trên và chúng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nên không cần phải đề cập cụ thể nữa, hoặc giả dụ có người còn hoài nghi thì tấm gương Runes of Magic cũng đủ để họ hiểu ra.
     

    Blizzard có bao giờ chịu đặt bút ký?
     
    Ngoài ra, cũng chẳng có ai tin được rằng một NSX đầy trách nhiệm và khó tính như Blizzard lại đặt bút ký bản hợp đồng đưa WoW về dải đất hình chữ S.
     
    Lineage 2
     
    Cũng là cái tên đình đám không kém gì AionWoW đối với gamer Việt nói riêng và Châu Á nói chung, Lineage 2 luôn được ca tụng là MMORPG xuất sắc dù đã cao tuổi (ra mắt từ năm 2003 tại Hàn Quốc). Thậm chí Aion ra đời sau này cũng không thể khiến cộng đồng yêu thích Lineage 2 bị phân tâm, đơn giản vì chẳng có lý do gì họ phải từ bỏ một tựa game hay và đẹp.
     

    Cộng đồng gắn bó với L2 Việt hóa không cần game trở nên "đại trà".
     
    Với sự ổn định hiện tại của các server private với phiên bản Việt hóa khá chi tiết cùng diễn đàn riêng cho gamer Việt hoạt động sôi nổi suốt vài năm gần đây, chẳng ai màng đến chuyện có NPH nào muốn mua Lineage 2 hay không.
     
    Cộng đồng yêu thích trò chơi cũng cho rằng họ cần "chất" chứ không cần "lượng", thà ít người chơi nhưng không "ức chế" còn hơn là phát hành đại trà.
     

    Giống như Blizzard, NCSoft sẽ chẳng bao giờ đồng ý đưa game về Việt Nam.
     
    Một nguyên nhân nữa cũng khiến chẳng ai tin rằng Lineage 2 có thể về nước, đó là vì NCSoft rất khó tính trong chuyện bản quyền phát hành mà thường chỉ đặt server tại một địa điểm nào đó và tự mình đứng ra quản lý.
     
    Cabal
     
    Sự xuất hiện của Cabal trong danh sách này có vẻ hơi lạ lùng, vì thực chất sau khi đóng cửa, lượng fan của trò chơi tại Việt Nam vẫn rất lớn, khi game mới ra đi, từng có nhiều người mong ước FPT Online hay một NPH nào đó trong nước bỏ tiền ra mua lại.
     

    Gamer yêu thích Cabal đã bắt đầu quen với server global.
     
    Thế nhưng sau vài tháng qua khi cộng đồng người chơi Cabal tại server global đã ổn định và họ nguôi ngoai dần nỗi đau, thì hiếm ai còn giữ niềm mong mỏi trên nữa, đơn giản vì họ không muốn trái tim "rỉ máu" lần thứ 2 trong tương lai.
     
    Quả thực, nếu có được nhập về Việt Nam lần nữa, cơ hội cho MMORPG này xây dựng lại đế chế xưa kia là cực kỳ khó khăn, một phần do người chơi đã phân tán sang các MMO mới hoặc mất hết bạn bè cũ.
     

    Không ai muốn "đau khổ" thêm lần nào nữa.