Trong lịch sử, có không ít những nhân vật lừng lẫy chỉ dành tình yêu của mình cho người đồng tính…
Xưa nay, tình yêu đồng tính luôn là một chủ đề nhạy cảm mà nhiều người né tránh. Có những xã hội, nền văn minh chấp nhận, thậm chí cổ súy cho loại tình cảm thuộc giới tính thứ ba này. Nhưng ngược lại, có những vùng đất mà cụm từ “tình cảm đồng tính” gặp phải sự kỳ thị ghê gớm.
Cùng ngược dòng lịch sử để cùng biết rằng từ xưa tới nay đã có những mối tình đồng tính kinh điển thế nào…
1. Achilles và Patroclus - cuộc tình thay đổi lịch sử
Trong văn hóa Hy Lạp, Achilles là một trong những chiến binh anh dũng và vĩ đại nhất. Nhờ có sự góp sức của chàng, công cuộc chinh phục thành Troy (khoảng năm 1184 TCN) dài đằng đẵng 10 năm trời của quân Hy Lạp mới giành được thắng lợi. Vì chiến thắng ấy, Achilles đã mất đi cả mạng sống của bản thân, cũng như mất đi người tình đồng tính của mình - Patroclus.
Tượng Achilles.
Nói về hai nhân vật này, nhiều người cho rằng, mối quan hệ giữa họ vẫn còn là một bí ẩn không rõ ràng. Bản thân Patroclus và Achilles vốn là 2 người bạn thân trong quân ngũ - Achilles đối xử với Patroclus khác hẳn với người khác. Ông chiến đấu vì bạn, chăm sóc tận tình mỗi khi bạn bị thương. Chính những biểu hiện ấy làm dấy lên nghi ngờ về tình yêu đồng tính có tồn tại giữa hai chiến binh?
Trong trận chiến thành Troy, mối quan hệ ấy có lẽ đã phần nào được hé lộ. Tình cảm khác thường mà Achilles dành cho Patroclus chính là một trong những bước ngoặt của cuộc chiến và cũng là minh chứng rõ nét cho mối tình đồng tính giữa họ.
Sau xích mích với Agamemnon, Achilles từ chối việc ra trận tiến đánh thành Troy. Khi đó, Patroclus bèn xin mượn áo giáp vàng của Achilles để xung trận với lý do nếu mặc bộ giáp ấy, quân địch sẽ lầm tưởng Achilles ra trận, kinh hãi mà bỏ chạy. Achilles đồng ý, nhưng chàng căn dặn Patroclus không được truy sát địch tới chân thành.
Quả nhiên, Patroclus trong bộ giáp Achilles đã đẩy lùi được quân thành Troy. Nhưng trong lúc hăng máu, Patroclus quên lời dặn của "người tình", đuổi địch tới tận thành và kết quả bị Hector giết chết.
Cái chết của Patroclus đã trở thành bước ngoặt của cuộc chiến. Biết tin người yêu chết, Achilles đau đớn vô cùng. Chàng ôm hôn xác người yêu công khai, khóc than suốt nhiều ngày, thậm chí còn định tự vẫn. Sau đó, chàng thề sẽ trả thù cho Patroclus.
Achilles giết chết Hector - trả thù cho người tình quá cố.
Chính lúc đó, xích mích với Agamemnon bị xóa bỏ, Achilles quay trở lại chiến trường, giết chết Hector và tiêu diệt rất nhiều quân địch, góp phần vào chiến thắng thành Troy sau này.
2. Alexander Đại đế và Hephaestion - phiên bản 2 của Achilles và Patroclus
Alexander Đại đế (356 TCN - 323 TCN) là một trong các vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng không chỉ nổi danh là đánh đâu thắng đó, hoàng đế Macedonia còn được biết tới với mối tình đồng tính cùng người bạn thân Hephaestion.
Trong xã hội thời ấy, tình cảm đồng giới, nhất là nam - nam hoàn toàn được cho phép, đó cũng là lý do vì sao mối quan hệ giữa Alexander Đại đế và Hephaestion là chuyện rất bình thường.
Hai người là bạn thân từ thuở thiếu thời, cùng học dưới sự dạy dỗ của Aristotle. Lịch sử chép lại, Alexander dành thời gian ở bên Hephaestion nhiều hơn bất cứ ai, kể cả vợ mình. Từ bé cho tới lớn, hai người luôn dính chặt với nhau, cùng bàn luận chuyện chính trị, quân sự, tương lai…
Mặc dù thực tế Alexander và cả Hephaestion vẫn lấy vợ, nhưng mối tình của họ là không thể bàn cãi. Đích thân Alexander đã từng tuyên bố Hephaestion có ý nghĩa tất cả đối với ông.
Khi cả hai tới thăm thành đền thờ Achilles và Patroclus, Alexander đã tôn vinh Achilles, trong khi Hephaestion thì kính cẩn trước Patroclus. Nhiều tài liệu kể lại rằng, đó là lúc hai người nhận ra mối tình mình dành cho nhau, giống như tình yêu giữa Achilles và Patroclus
Mối tình giữa họ được coi là phiên bản II của Achilles - Patroclus.
3. Hoàng đế Nero và hai cuộc hôn nhân đồng giới
Không có những mối tình sâu sắc như Achilles với Patroclus song Nero - hoàng đế La Mã là người duy nhất trong lịch sử có những 2 cuộc hôn nhân đồng tính một cách công khai trong hai vai trò khác nhau.
Tượng hoàng đế Nero.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của hoàng đế Nero là với một người nô lệ Pythagoras - người từng làm trong hầm rượu vang. Thực tế, có rất ít thông tin cụ thể về nhân vật này, chỉ biết rằng khoảng năm 64, đám cưới giữa họ diễn ra một cách rất công khai, long trọng.
Điều đáng ngạc nhiên là trong cuộc hôn nhân này, hoàng đế Nero đóng vai trò là một… cô dâu. Và càng lạ hơn khi ông gọi Pythagoras là “một vật nuôi bẩn thỉu của mình”.
Dù là đám cưới đồng tính nhưng Nero vẫn tổ chức một cách công khai, sang trọng.
Khoảng 3 năm sau, Nero lại một lần nữa gây tai tiếng khi ông tiến hành kết hôn với một cậu bé nô lệ bị hoạn tên Sporus. Khác với cuộc tình cùng Pythagoras, khi yêu Sporus, Nero đóng vai trò là một người đàn ông. Hoàng đế sủng ái Sporus bởi vẻ đẹp của cậu, ông hay gọi người tình đồng giới của mình là “quý cô”, “hoàng hậu”, “nhân tình” một cách rất âu yếm.
Bức tượng người vợ của vua Nero. Cái chết của bà là một phần nhân tố thúc đẩy đám cưới của Nero với Sporus.
4. Hán Văn Đế và Đặng Thông – mối tình xuất phát từ giấc chiêm bao
Lâu nay, không ít người vẫn tưởng Trung Hoa với những vương triều phong kiến quy củ, nề nếp không bao giờ chấp nhận chuyện yêu đương đồng tính trong xã hội. Song thực tế thì không phải vậy. Chuyện tình yêu cùng giới vẫn xảy ra trong xã hội Trung Hoa, thậm chí chính những vị hoàng đế phong kiến cũng cổ súy chuyện này.
Hán Văn Đế Lưu Hằng (202 TCN – 157 TCN) là một người như vậy. Tương truyền, cả đời ông có yêu một người đàn ông khác, tên Đặng Thông. Câu chuyện tình bắt đầu từ giấc mơ lên trời của Hán Văn Đế.
Nổi tiếng là một vị minh quân nhưng Hán Văn Đế lại rất sủng ái nam giới.
Ông mơ rằng mình được một người đầu quấn khăn vàng giúp lên đến Nam Thiên Môn khi ông dùng sức 9 trâu 2 hổ cũng không lên được trời. Vua định cảm ơn thì người đàn ông đã đi mất từ lúc nào.
Hôm sau, khi Hán Văn Đế đi chơi bỗng nhìn thấy Đặng Thông - một thủy thủ đầu quấn khăn vàng, giống hệt người trong mộng. Ông bèn nghĩ đó là điềm báo nên từ ấy vô cùng sủng ái Đặng Thông, cho ông này hưởng vinh hoa phú quý.
Mối tình của họ ngày càng khăng khít, nồng thắm. Đặng Thông cũng rất yêu và cảm động trước tình cảm vua dành cho mình. Có lần, lưng Hán Văn Đế có nhọt, máu mủ chảy ra liên tục, Đặng Thông chẳng quản ngại đã dùng miệng hút mủ ra cho "người tình".
Sau này, Hán Văn Đế đã than rằng: “Đặng Thông còn yêu ta hơn cả thái tử”. Chính câu nói ấy đã khiến thái tử Lưu Khải ôm hận người tình của cha. Sau khi Hán Văn Đế qua đời, Lưu Khải lên ngôi liền bãi miễn chức quan của Đặng Thông, tịch thu tài sản, khiến ông này qua đời trong cảnh đói rét.
Theo Kenh14
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"