Những sự thật trần trụi về SoftBank: Đế chế của Masa đã trở về từ cõi chết như thế nào?

    Thu Hương, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Tập đoàn đầu tư công nghệ quan trọng bậc nhất thế giới đã quay trở lại một cách đầy ngoạn mục. Nhưng những điểm yếu của SoftBank thì vẫn còn đó.

    Đều đặn mỗi ngày, từ 8h sáng đến 10h tối, Masayoshi Son ngồi trong căn biệt thự ở Tokyo và giải trí bằng cách chẳng giống ai: tìm kiếm các doanh nhân công nghệ và phát tiền cho họ. Phải làm việc tại nhà vì đại dịch không ảnh hưởng mấy đến ông chủ tỷ phú của SoftBank. Tại cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh hôm 12/5, Son tự hào chia sẻ đã bơm vốn cho 60 công ty trong 3 tháng qua. Từ tháng 1 đến tháng 3, trung bình ông giải ngân 210 triệu USD mỗi tuần. 4 năm qua, SoftBank đã rót tổng cộng khoảng 84 tỷ USD vào các startup.

    Kể cả trước khi vận hành quỹ Vision Fund quy mô gần 100 tỷ USD, đây đã là nhà đầu tư lớn nhất trong giới công nghệ. 224 công ty được tập đoàn Nhật Bản hậu thuẫn bao gồm cả những startup non trẻ cho đến những ông lớn như ByteDance – chủ sở hữu của TikTok, ứng dụng giết thời gian được giới trẻ rất ưa chuộng.

    Những cái tên như Plenty, Better và Forward thì mang trong mình sứ mệnh sẽ thay đổi hoàn toàn các ngành như thực phẩm, y tế và ngân hàng. Theo PitchBook, tổng cộng các công ty được SoftBank rót vốn có mức định giá (theo SoftBank và các quỹ đầu tư mạo hiểm khác) vào khoảng 1.100 tỷ USD.

    Những sự thật trần trụi về SoftBank: Đế chế của Masa đã trở về từ cõi chết như thế nào? - Ảnh 1.

    Hồi sinh từ bờ vực thẳm

    Mùa xuân năm ngoái, không phải là nói quá khi nói rằng toàn bộ đế chế SoftBank gần như đã đứng bên bờ vực. Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành và các thị trường rung chuyển, những người cho SoftBank vay tiền thực sự hoảng sợ. Lợi suất của trái phiếu do SoftBank phát hành tăng vọt.

    Nhà đầu tư tự hỏi liệu Son sẽ xoay xở như thế nào trong cơn bão dịch bệnh. Phong cách "liều ăn nhiều" của ông trở nên rủi ro hơn bao giờ hết. Vụ IPO của WeWork sụp đổ từ cuối năm 2019, trước cả đại dịch. Từ tháng 2 đến tháng 3/2020, cổ phiếu của SoftBank giảm giá hơn 50%.

    Tuy nhiên sau đó thị trường hồi phục trở lại. Cục dự trữ liên bang Mỹ bơm thanh khoản vào thị trường bằng cách hỗ trợ các trái phiếu doanh nghiệp bị xếp hạng rác như SoftBank. Tập đoàn cũng thông báo bán số tài sản trị giá 41 tỷ USD (trên tổng số tài sản 252 tỷ USD) để giải quyết các rắc rối.

    Những sự thật trần trụi về SoftBank: Đế chế của Masa đã trở về từ cõi chết như thế nào? - Ảnh 2.

    Son lại một lần nữa trở thành thiên tài. Đầu tư cho các công ty công nghệ trở thành chiến lược hoàn hảo trong nền kinh tế đang số hóa nhanh chóng. Chỉ sau 1 năm, SoftBank từ trạng thái cố gắng sống sót đã có thể in tiền ồ ạt như 1 chiếc máy ATM khổng lồ. Vụ IPO của hãng thương mại điện tử Coupang (Hàn Quốc) mang về lợi nhuận 24 tỷ USD. Ngày 10/6, Didi Chuxing (công ty gọi xe của Trung Quốc mà SoftBank nắm 20% cổ phần) cho biết có dự định IPO với mức định giá vào khoảng 100 tỷ USD.

    Tháng trước SoftBank báo cáo lợi nhuận ròng 46 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay đối với 1 công ty Nhật Bản. Hiện giá trị vốn hóa của SoftBank vào khoảng 126 tỷ USD, tăng 60 tỷ USD so với tháng 3/2020.

    SoftBank vẫn là 1 công ty kỳ lạ. Ngay trước khi “bội thu”, hãng đã ghi nhận mức lỗ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Nhật Bản. SoftBank bỏ qua mọi tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp thông thường. Tập đoàn này cũng vướng vào 2 vụ bê bối lớn nhất ở châu Âu trong mấy năm gần đây: một là liên quan đến công ty thanh toán Wirecard của Đức và một vụ khác liên quan đến công ty tài chính Greensill của Anh.

    Được thành lập bởi Son từ năm 1981 với nghiệp vụ kinh doanh ban đầu là phân phối phần mềm, SoftBank bắt đầu bước chân vào lĩnh vực dịch vụ internet từ những năm 1990, sau đó chuyển sang viễn thông. Năm 2006 hãng mua lại mảng kinh doanh ở Nhật của nhà mạng Vodafone (Anh). Năm 2013, Son rót 20 USD vào Alibaba, đánh dấu thương vụ thành công nhất đã mang lại tiếng tăm cho ông. Đây cũng là thương vụ thôi thúc Son biến SoftBank thành 1 công ty đầu tư.

    Năm 2018, Son bán bớt một số tài sản trong mảng viễn thông ở Nhật Bản và ra mắt quỹ Vision. Một trong những thương vụ đình đám nhất là với sự giúp đỡ của Rejeev Misra, cựu chuyên viên tài chính tài ba của Deutsche Bank và là người phò tá quan trọng của Son, SoftBank huy động được 45 tỷ USD từ quỹ đầu tư công của Saudi Arabia và 15 tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia của Abu Dhabi.

    Những sự thật trần trụi về SoftBank: Đế chế của Masa đã trở về từ cõi chết như thế nào? - Ảnh 3.

    Ngày nay SoftBank có 4 trụ cột chính. Phần có giá trị lớn nhất là 24,85% cổ phần ở Alibaba có giá trị 144 tỷ USD. Phần thứ hai là mảng kinh doanh điện thoại di động và công ty chip Arm. 2 quỹ Vision tạo thành trụ cột thứ ba. Và cuối cùng là Northstar, quỹ đầu cơ nội bộ ra đời cách đây 1 năm. Son ngồi ở trung tâm của mạng lưới.

    Son có 2 ý tưởng lớn để vận hành SoftBank. Thứ nhất là kết hợp đầu tư vào công nghệ với kỹ thuật tài chính thực hành (financial engineering). Để tạo ra mức lợi suất cao, ông lựa chọn các công ty truyền thống và "pha chế" thêm vào đó đòn bẩy tài chính và cấu trúc phức tạp. Thứ hai, Son muốn tạo ra 1 "hệ sinh thái" chằng chịt với SoftBank nằm ở trung tâm. Mặc dù SoftBank thường chỉ sở hữu một lượng cổ phần tại các công ty, ông vẫn muốn các công ty trong mạng lưới phối hợp chặt chẽ với nhau. Mô hình này khá giống với các keiretsu như siêu tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản.

    Quá phức tạp 

    Hãy bắt đầu với mảng tài chính. Tại các cấp cao nhất của SoftBank, thân cận với Son nhất, là một nhóm các trader từng làm việc tại DeutscheBank khi ngân hàng Đức còn nổi tiếng với việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Đứng đầu là Misra. "Sự phức tạp rối rắm chính là người bạn tốt nhất của họ - nếu muốn đi từ A đến B, họ sẽ đi vòng qua tất cả các chữ cái trước khi đến đích", một người biết rõ về SoftBank nói.

    Đây chính là con đường đã dẫn SoftBank tới "vũng lầy" Wirecard. Đầu năm 2019, giá cổ phiếu WireCard đã giảm một nửa so với đỉnh lập cuối năm 2018 sau khi tin tức về gian lận kế toán bung ra. Ngày 28/3/2019, Wirecard khi đó vẫn là thành viên trong chỉ số DAX 30 gồm toàn các cổ phiếu bluechip ở Đức, hùng hồn tuyên bố sẽ kiện Financial Times sau khi tờ báo này đăng loạt bài điều tra về gian lận của hãng. Akshay Neta, 1 cựu trader từng làm việc ở Deutsche Bank và đã chuyển sang SoftBank, lựa chọn hậu thuẫn Wirecard với tất cả danh tiếng của mình.

    Những sự thật trần trụi về SoftBank: Đế chế của Masa đã trở về từ cõi chết như thế nào? - Ảnh 4.

    Ngày 24/4, Wirecard thông báo được SoftBank đầu tư 900 triệu euro (tương đương gần 1 tỷ USD) thông qua trái phiếu chuyển đổi. Hai bên cũng ký thỏa thuận hợp tác mà theo đó công ty thanh toán của Đức có thể làm ăn với các công ty khác trong mạng lưới của SoftBank. Ngay lập tức giá cổ phiếu Wirecard tăng vọt 21%, uy tín của công ty cũng tăng lên nhanh chóng.

    Tuy nhiên thương vụ này có 2 điểm bất thường. Không lâu sau khi phát hành, số trái phiếu nói trên đã được tái tài trợ và mang về lợi nhuận 64 triệu euro. Khi Wirecard sụp đổ vào tháng 6/2020, chỉ các nhà đầu tư khác thiệt hại.

    Một điểm kỳ lạ khác là SoftBank không trực tiếp rót tiền vào Wirecard. Đó là SBIA, quỹ đầu tư giám sát Vision Fund trực thuộc tập đoàn. Các nhà đầu tư của SBIA bao gồm một nhóm nhỏ các lãnh đạo của SoftBank muốn kiếm lợi nhuận cho riêng mình, trong số đó có Naheta, Misra và Sago Katsunori, cựu giám đốc chiến lược của SoftBank. Ban đầu mối quan hệ hợp tác với Wirecard mang lại rủi ro cho danh tiếng của SoftBank nếu xét đến những gì Financial Times đưa tin, nhưng cuối cùng thì lợi nhuận từ vụ giao dịch trái phiếu lại chảy vào túi các cá nhân chứ không phải SoftBank và các cổ đông.

    Northstar là 1 ví dụ khác. Thành viên mới nhất trong mạng lưới SoftBank thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn trái ngược với tham vọng hỗ trợ các công ty hoàn toàn mới và tầm nhìn lên tới 300 năm của Son. Northstar chuyên đặt cược ngắn hạn vào các cổ phiếu niêm yết mà bất kỳ ai sở hữu 1 tài khoản môi giới cũng có thể mua bán. Một lý do giải thích cho sự lựa chọn này là SoftBank cần tái đầu tư một phần số tiền 41 tỷ USD thu được từ việc bán tài sản. Hầu hết các công ty để tiền mặt dư thừa trong những tài sản an toàn nhưng tẻ nhạt như trái phiếu chính phủ. Nhưng đó không phải là lựa chọn của Son.

    Naheta là người đứng sau thương vụ này. Northstar đã dùng tiền mặt dư thừa của SoftBank để đặt cược liều lĩnh và sử dụng đòn bẩy rất lớn. Tháng 9 năm ngoái các nhà đầu tư phát hiện ra rằng những cú đặt cược của Northstar lớn đến nỗi khiến giá cổ phiếu bị bóp méo. Không lâu sau đó Northstar bị vạch trần là "cá voi Nasdaq" và lỗ 5,6 tỷ USD trên các giao dịch phái sinh trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2021.

    Tham khảo The Economist


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ