Sau khi Satya Nedella kế nhiệm Steve Ballmer dẫn dắt Microsoft, hãng phần mềm lớn nhất thế giới đã có nhiều thay đổi mà có trong mơ cũng không nghĩ ra.
Từ tháng 8/2013, khi Steve Ballmer tuyên bố kế hoạch từ chức, công ty đã làm nhiều thứ mà Microsoft cũ chưa làm được. Hãng phần mềm cung cấp mã nguồn và sản phẩm miễn phí, nhanh chóng ra thêm nhiêu sản phẩm mới, loại bỏ văn hóa “độc hại” của thập kỷ trước. Quan trọng nhất, Microsoft chấp nhận thực tế Windows không còn thống trị thế giới.
Dường như các nhà đầu tư cũng hài lòng với sự chuyển dịch của Microsoft. Từ khi Ballmer thông báo kế hoạch nghỉ hưu, giá cổ phiếu Microsoft đã tăng 53%. Dưới đây là một số thay đổi lớn của Microsoft:
Ra Office cho iPad trước tablet Windows
Phiên bản Office cho iPad được đồn đại từ lâu. Một trong những điều đầu tiên Satya Nadella làm sau khi trở thành Tổng Giám đốc Microsoft là phát hành sản phẩm này vào tháng 3/2014. Nó hoàn toàn không phải phiên bản “tạm bợ” mà có đầy đủ chức năng cơ bản như Word, Excel, PowerPoint, OneNote, tận dụng lợi thế của kích thước và màn hình cảm ứng của iPad. Office cho iPad nhận được phản hồi tốt ngoài mong đợi, trong khi đó bộ ứng dụng văn phòng này vẫn chưa có phiên bản cho tablet Windows.
Tặng miễn phí Office cho iPad
Trước đây, người dùng tablet Android hay iPad chỉ có thể chỉnh sửa file Office nếu đăng ký Office 365. Nếu không, họ chỉ xem được file. Dù vậy, đầu tháng này, Microsoft thông báo loại bỏ yêu cầu này. Tuy nhiên, khách hàng doanh nghiệp vẫn cần đến thuê bao Office 365.
Tặng miễn phí một số phiên bản Windows
Microsoft sẽ cung cấp Windows miễn phí cho các công ty sản xuất thiết bị nhỏ hơn 9 inch. Nói cách khác, Windows Phone và tất cả phiên bản Windows chạy trên tablet cỡ nhỏ đều được miễn phí. Đây không phải cách làm của Microsoft trong truyền thống nhưng khi Android đang thống trị thị trường di động, công ty không còn giải pháp nào khác.
Office cho iPhone tốt hơn cho Windows Phone
Đầu tháng 11, Microsoft ra mắt bản cập nhật lớn cho Office trên iPhone, mang nó đến gần hơn với phiên bản cho iPad. Phiên bản Windows Phone trong khi đó vẫn còn quá cơ bản. Microsoft cũ sẽ không bao giờ ưu ái nền tảng đối thủ như vậy.
Đưa iPad vào trong quảng cáo
Để quảng bá Sway, sản phẩm trình chiếu mới, Microsoft đã quay cảnh một người dùng iPad trong quảng cáo.
Năng suất là vua
Năm nay, Satya Nadella nhiều lần lặp lại trọng tâm mới của Microsoft là hiệu suất lao động. Dưới thời Bill Gates và Steve Ballmer, Windows luôn là “vua”. Song, khi nền tảng như iOS hay Android đang xuất hiện trên phần lớn thiết bị điện toán, Microsoft nhận ra không thể phụ thuộc vào Windows để phát triển.
Quan trọng hơn, tầm nhìn của ông về hiệu suất còn vượt xa cả ứng dụng Office. Công ty giới thiệu một số sản phẩm như Outlook.com với ý tưởng giúp mọi người hoàn thành mọi thứ, dù là công việc hay riêng tư, tốt hơn.
“Đám mây” là trung tâm của mọi thứ
Microsoft bắt đầu dịch chuyển sang điện đám mây từ khoảng một thập kỷ trước, từ phiên bản đám mây của Exchange, Azure. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một mảng không được xem trọng. Đến thời Nadella, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của đám mây khi xác định 3 mảng kinh doanh chính của Microsoft là Windows, Office 365 và Azure. Hai sản phẩm cuối cùng hoàn toàn nằm trong đám mây.
Đây là bước ngoặt lớn của Microsoft vì trong mô hình truyền thống, bán đứt phần mềm cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp mang lại lợi nhuận không nhỏ cho công ty, bù đắp cho chi phí phát triển ban đầu và tiếp thị. Ngược lại, đám mây yêu cầu phí bảo trì cao. Tuy nhiên, do nhiều khách hàng tìm đến đám mây, Microsoft buộc phải thay đổi.
Tiết lộ một số bí mật
Tuần trước, Microsoft cho biết sẽ tiết lộ một phần quan trọng trong công nghệ .NET dưới dạng nguồn mở. Điều đó có nghĩa bất kỳ ai cũng có thể xem được mã và chỉnh sửa nó; .NET cũng chạy được trên Linux và Mac OS.
.NET về cơ bản là bộ công nghệ được dùng để viết ứng dụng cho Windows (bây giờ là cả nền tảng khác). Đây là công nghệ mới nhất trong chuỗi công nghệ mà Microsoft mở cửa từ tháng 4/2014, bao gồm cả VisualBasic và ngôn ngữ C#. Còn nhớ, đầu những năm 2000, Steve Ballmer gọi mô hình nguồn mở là “bệnh ung thư”.
Theo đuổi “Internet of Things”
Microsoft đã bỏ lỡ cơ hội lớn trong smartphone và tablet, vì thế, hãng không muốn lỗi nhịp với “Internet of Things”, ý tưởng trong đó hàng triệu thiết bị kết nối với nhau và truyền thông tin đi khắp nơi. Năm nay, Microsoft giới thiệu chương trình có tên Windows on Devices, cho phép lập trình viên viết phần mềm cho “Internet of Things”.
Loại bỏ văn hóa “sát phạt”
Tháng 11/2013, Microsoft loại bỏ hệ thống xếp hạng nhân viên “stack ranking”. “Stack ranking” ép mọi quản lý nộp báo cáo trực tiếp vào một hộp, từ tệ nhất đến tốt nhất. Mỗi hộp có tỉ lệ cố định, ngay cả khi quản lý nghĩ mọi nhân viên dưới quyền đều tuyệt vời, họ vẫn phải chọn ra một số người để bỏ vào nhóm tệ nhất.
Nhiều nhân viên Microsoft chỉ trích hệ thống vì tạo ra văn hóa chính trị trong công ty thay vì chú trọng vào phát triển sản phẩm tốt hơn. Không ai tỏ ra “thương xót” khi hệ thống này bị kết liễu.
Ra sản phẩm nhanh hơn
Microsoft cũ cồng kềnh và chậm chạp, thường ra bản cập nhật lớn cho sản phẩm mỗi 2 hoặc 3 năm. Trong khi đó, Microsoft sẵn sàng đón nhận rủi ro và ra cải tiến nhỏ và quan trọng, ngay cả khi chúng cạnh tranh với sản phẩm cũ, như trường hợp của Sway và PowerPoint. Hãng cũng giới thiệu Cortana, câu trả lời cho Apple Siri và Google Now; công cụ cho doanh nghiệp Power Q&A; công cụ tìm kiếm tài liệu và tập tin Delve.
Theo BusinessInsider/ictnews
>> Chiến lược cải tổ Microsoft của Satya Nadella: Thiết bị di động và dịch vụ đám mây lên ngôi
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?