Những thông tin bất ngờ từ Thẩm phán sử dụng trợ lý ảo Made in Vietnam nhiều nhất ngành tư pháp
Những thông tin bất ngờ từ Thẩm phán sử dụng trợ lý ảo Made in Vietnam nhiều nhất ngành tư pháp
Tính năng ra lệnh bằng giọng nói giúp trợ lý ảo hiểu yêu cầu của các Thẩm phán và thực hiện ngay lập tức những công việc vốn tốn nhiều thời gian và công sức chỉ trong vài giây ngắn ngủi.
Những bài toán hóc búa làm ‘đau đầu’ ngành Tòa án
Là một trong 3 thẩm phán tương tác với trợ lý ảo nhiều nhất kể từ khi sản phẩm này được Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp cùng Tập đoàn Viettel đưa vào triển khai hồi đầu năm 2022, bà Trần Tú Anh, Thẩm phán TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết ứng dụng rất hữu ích và đang làm thay đổi cơ bản hoạt động của các thẩm phán.
Theo bà Tú Anh, các thẩm phán trên cả nước đều đang đối mặt với một tình trạng chung: Số lượng cũng như tính chất phức tạp của các vụ án ngày càng gia tăng nhưng biên chế thẩm phán tại tòa án các cấp không thay đổi. Chính điều này dẫn tới các thẩm phán phải chịu nhiều áp lực trong công việc, ảnh hưởng tới chất lượng quá trình giải quyết, xét xử các vụ án.
Lấy ví dụ tại chính Tòa án Nhân dân huyện Cái Bè, nơi mình đang công tác, bà Tú Anh nói rằng hàng năm, tòa án phải giải quyết trên 2.000 vụ việc, tương đương mỗi người trong số 14 thẩm phán ở đây phải giải quyết trên dưới 130 vụ việc. Con số này cao gần gấp đôi tỷ lệ giải quyết theo quy định của ngành.
Trước đây, các thẩm phán thường đối mặt với khó khăn điển hình khi giải quyết các vụ việc chính là tìm kiếm, tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới vụ việc. Thao tác tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật trên Internet không cho ra kết quả như mong đợi.
"Mỗi lần chúng tôi tìm kiếm văn bản quy phạm pháp luật trên các nền tảng như Google, kết quả trả về lên tới hàng triệu, từ vô số nguồn khác nhau. Muốn tìm đến điền khoản cụ thể hay một tình huống pháp lý được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật là rất khó", Thẩm phán Trần Tú Anh chia sẻ.
Ngoài ra, kể từ khi Nghị quyết số 03/2017 về việc thực hiện mã hóa bản án của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực, các thẩm phán có thêm nhiệm vụ mã hóa thông tin trong bản án trước khi đăng tải lên cổng thông tin điện tử của các tòa án Nhân dân Tối cao. Theo bà Tú Anh, đây là việc ngốn nhiều thời gian, công sức nhất là với những bản án phức tạp, số đương sự nhiều, các đương sự trùng tên…. Riêng thao tác đậm tính "tay chân" này cũng có thể ngốn nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày.
Tuy nhiên, những "nỗi đau" đó của ngành Tòa án nói chung, của các Thẩm phán nói riêng, đã có thuốc đặc trị. Cùng với nỗ lực chuyển đổi số toàn ngành, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa một trợ lý ảo tư pháp vào hoạt động từ đầu năm 2022, giúp ích không nhỏ cho công việc hàng ngày của các thẩm phán. Với những hiệu quả đã được chứng minh, hệ thống này được dự kiến sẽ mở rộng sang phục vụ người dân trên cả nước.
Bước ngoặt cho các Thẩm phán và niềm tự hào công nghệ Việt
Trong khuôn khổ Hội nghị Giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ ngành, diễn ra vừa qua tại trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao, trợ lý ảo dành cho các thẩm phán được đánh giá là sản phẩm tạo ra nhiều thay đổi then chốt. Được phát triển dựa trên quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Tòa án Nhân dân Tối cao và Tập đoàn Viettel, trợ lý ảo giải quyết "đúng" và "trúng" những vấn đề đang tồn tại theo yêu cầu cụ thể của các chuyên gia hàng đầu trong ngành Tòa án bằng giải pháp công nghệ mà chính người Việt Nam làm chủ.
Là người trực tiếp thụ hưởng từ những thành quả này, Thẩm phán Trần Tú Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi thường xuyên khai thác những tính năng bổ ích và hiệu quả mà phần mềm mang lại. Ứng dụng không chỉ hỗ trợ tra cứu văn bản pháp luật thông qua ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết mà còn được thiết kế để giúp thẩm phán có đầy đủ thông tin về các quy định của pháp luật có liên quan tới vấn đề cần tra cứu".
Đảm trách vai trò của một "thư ký", trợ lý ảo còn có chức năng hỗ trợ thẩm phán soạn thảo một số văn bản tố tụng mang tính biểu mẫu chuẩn, rà soát lại chính tả và kỹ thuật văn bản, mã hóa bản án trước khi đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân Tối cao.
"Trước đây, với việc mã hóa bản án này, tôi thường mất ít nhất 1-5 giờ. Với những vụ án có nhiều đương sự, nhiều bị cáo thì quá trình này có thể mất tới 1-2 ngày. Nhưng bây giờ, với trợ lý ảo hỗ trợ, việc này có thể được hoàn thành chỉ trong vài giây", Thẩm phán Trần Tú Anh chia sẻ.
Theo lời nữ thẩm phán được Tòa án Nhân dân Tối cao đánh giá là một trong 3 người sử dụng trợ lý ảo tích cực nhất toàn ngành, ứng dụng được thiết kế với những tính năng rất hữu ích cho các thẩm phán, nhất là những thẩm phán mới vào nghề, chẳng hạn hỗ trợ lên kế hoạch, đưa ra trình tự các bước vụ án, theo dõi tiến trình giải quyết vụ án cũng như cảnh báo về thời hiệu giải quyết vụ án, quá đó giúp Thẩm phán tránh được các lỗi vi phạm tố tụng.
Do được thiết kế dựa trên cơ sở dữ liệu của ngành Tòa án, đáp ứng những đòi hỏi mang tính chuyên môn nên trợ lý ảo cũng có thể ngay lập tức cung cấp một số tình huống pháp lý đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao giải đáp, chỉ dẫn các văn bản có liên quan sát với nội dung vụ án cùng các quyết định giám đốc thẩm của các thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, các bản án có hiệu lực pháp luật… để tham khảo. Đặc biệt, do nguồn dữ liệu đầu vào đã được chuẩn hóa nên thông tin trợ lý ảo cung cấp là xác thực hoàn toàn.
"Nhờ áp dụng trợ lý ảo trong công tác giải quyết án, chất lượng xét xử của các thẩm phán ở Tòa án Nhân dân huyện Cái Bè được nâng cao. Tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được giảm xuống. Năm 2023, đơn vị có 11 vụ án hủy, sửa vì lỗi chủ quan, tương đương 0,35%", Thẩm phán Trần Tú Anh nhấn mạnh.
Trong toàn ngành, trợ lý ảo tư pháp cũng đang tạo ra những thành tích ấn tượng. Theo thống kê từ Toà án Nhân dân Tối cao, trợ lý ảo đã được tích hợp 168.242 văn bản pháp luật; 24.080 câu hỏi giải đáp tình huống pháp lý; 1.420.379 bản án, 18.436 câu hỏi giải đáp tình huống được các thẩm phán đóng góp đã được phê duyệt; 24.347 chủ đề trao đổi về các tình huống pháp lý.
Trợ lý ảo tư pháp Made in Vietnam cũng đã có 14.936 tài khoản thuộc sở hữu của các cán bộ công chức có chức danh tư pháp; 5.780.190 lượt hỏi đáp (trung bình 10.000 – 15.000 lượt/ngày); và 500 lượt sử dụng tính năng mã hoá bản án mỗi ngày. Tòa án Nhân dân tối cao đang đặt kế hoạch sớm nhân rộng mô hình thành công của ứng dụng để mỗi người dân Việt Nam sẽ có một trợ lý ảo tư pháp – dự kiến vào cuối năm 2025.
Trợ lý ảo pháp luật là ứng dụng được Tập đoàn Viettel phát triển dựa trên nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt (Viettel Cyberbot), một sản phẩm thuộc hệ sinh thái Viettel AI, đã được ứng dụng thành công trong các bộ, ban, ngành, chính quyền tỉnh và doanh nghiệp như tổng đài ảo phục vụ phòng chống COVID-19, giải đáp thông tin về hành chính công, tổng đài chăm sóc khách hàng...
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"