Nếu theo dõi sát sao thông tin công nghệ trong thời gian qua, hẳn bạn còn nhớ tới vụ việc gã khổng lồ Microsoft từng bị một khách hàng kiện vì quảng cáo rằng chiếc Surface có dung lượng bộ nhớ trong 32 GB, nhưng thực chất khi mua về sử dụng, vị khách hàng này chỉ có thể sử dụng được một phần ít ỏi trong số này. Lý do là bởi vì 32 GB đó là tổng dung lượng bộ nhớ của máy chưa trừ đi phần dung lượng bị hệ điều hành (Windows RT) cùng các ứng dụng được cài sẵn chiếm dụng. Không rõ kết quả vụ kiện kia đã đi tới đâu nhưng có một thực tế rằng nhiều người dùng nếu không rõ thường bị "đánh lừa" bởi các thông tin mà các nhà sản xuất đưa ra. Dưới đây là những thông tin mà khi nghe, bạn không nên tin ngay mà cần phải tìm hiểu 1 cách kỹ càng hơn trước khi tự mình quyết định xem có thể chấp nhận những khiếm khuyết có thể xảy ra đó và chấp nhận mua sản phẩm hay không.
>>Xem thêm:7 lầm tưởng tai hại về chip di động/Công nghệ sản xuất SSD, thứ bị nhà sản xuất giấu nhẹm
Dung lượng bộ nhớ
Như vừa nói ở đầu bài, dung lượng bộ nhớ của thiết bị là một trong những thứ dễ bị người dùng cuối hiểu nhầm, đặc biệt là những người dùng phổ thông ít tìm hiểu về thiết bị công nghệ. Phần dung lượng bộ nhớ mà các nhà sản xuất quảng cáo thường là toàn bộ bộ nhớ mà thiết bị đó có, ví dụ như Surface Pro bản 64 GB thì đúng là chiếc Surface đó được trang bị bộ nhớ dung lượng 64 GB. Tuy nhiên, các thiết bị thông minh hiện nay đều chạy các HĐH hiện đại như Windows, Android, hay iOS...và bản thân các HĐH này là không hề nhẹ. Do đó, sau khi cài lên thiết bị, các HĐH này thường chiếm mất một phần không nhỏ dung lượng bộ nhớ chưa kể nhiều ứng dụng mà nhà sản xuất HĐH cài sẵn. Ví dụ như Surface Pro phiên bản 64 GB (ổ SSD) sau khi cài Windows 8 sẽ chỉ còn dư lại 23 GB cho người dùng sử dụng còn bản 128 GB cũng ngốn mất của bạn 45 GB.
Cũng liên quan đến bộ nhớ lưu trữ, nhiều người dùng hẳn đã từng rất khó hiểu vì sao chiếc ổ cứng họ mua được nhà sản xuất cho biết có mức dung lượng một đằng, HĐH lại báo dung lượng một nẻo. Ví dụ như nhà sản xuất cho biết ổ cứng của họ có dung lượng 500 GB, nhưng HĐH Windows thông báo rằng chiếc ổ chỉ có 465 GB. Sự khác biệt này nằm ở cách tính dung lượng của Windows và của nhà sản xuất ổ cứng. Nhà sản xuất tính 1MB tương đương với 1000 KB, trong khi Windows thì tính 1MB = 1024KB.
Công nghệ màn hình "độc quyền"
Màn hình là một trong các yếu tố rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng cao tới quyết định mua sản phẩm của người dùng. Đó cũng là lý do mà nhiều nhà sản xuất, nhất là các công ty điện thoại, thường quảng cáo không tiếc lời cho các công nghệ màn hình mà họ cho rằng mình đang "độc quyền". Sony có công nghệ “TruBlack” và “X-Reality Picture Engine”, Toshiba có “TruBrite”, Nokia có “ClearBlack” và “PureMotion HD ”. Tuy nhiên thường thì đây chỉ là một chiêu của nhà sản xuất mà thôi và bạn không nên quá quan tâm tới chúng. Sự "độc quyền" ở đây chủ yếu nhằm ở tên gọi do họ đăng ký thương hiệu đó còn một màn hình có chất lượng cao thường phải kết hợp từ nhiều yếu tố khác nhau và mỗi loại màn hình đều có ưu nhược điểm của nó.
Thiết bị “Wi-Fi Ready” nhưng thực ra không thể kết nối Wi-Fi ngay
Một số ổ đĩa Blu-Ray và TV thông minh thường được nhà sản xuất quảng cáo với thuật ngữ “Wi-Fi Ready” tạm hiểu sang tiếng Việt là hỗ trợ WiFi. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng thiết bị đó có thể kết nối ngay được với mạng WiFi mà không cần bất kỳ công cụ hỗ trợ nào thêm. Tuy nhiên thì bạn đã nhầm. Thiết bị được gán mác "Wi-Fi Ready" thực chất chỉ có thể kết nối WiFi thông qua một bộ chuyển đổi mà bạn phải mua riêng và kết nối vào thiết bị thông qua cổng USB.
Chính vì sự nhập nhằng này mà hồi năm ngoái, Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng của Úc (ACCC) đã buộc 5 hãng TV lớn gồm Sony, Samsung, LG, Panasonic và Sharp phải dừng quảng cáo và loại bỏ thông tin "Wi-Fi Ready" trên các mẫu TV và đầu đĩa không có khả năng kết nối mạng không dây trực tiếp.
Các mẫu TV và đầu đĩa có dán mác "Wi-Fi Ready" phải cần thêm phụ kiện rời để bắt sóng WiFi dễ khiến khách hàng lầm tưởng.
Cáp kĩ thuật số giá đắt thì tốt hơn
Các nhà sản xuất cáp kỹ thuật số thường quảng cáo và khuyến nghị người dùng nên mua các loại cáp đắt hơn để mang lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn (truyền âm thanh tốt hơn, hình ảnh sắc nét hơn). Tuy nhiên điều này là hoàn toàn không đúng. Bởi các loại cáp kỹ thuật số - như cáp HDMI - chỉ đơn giản làm công việc là truyền các bit dữ liệu gồm 1 và 0. Một sợi cáp đắt hay rẻ cũng đều có một nhiệm vụ này mà thôi và không có sự khác biệt giữa một sợi cáp kỹ thuật số giá rẻ và giá đắt. Để giải thích rõ cho điều này sẽ khá rắc rối và khó hiểu cho tất cả chúng ta bởi phải dùng tới nhiều thuật ngữ chuyên ngành tuy nhiên hiểu đơn giản rằng tín hiệu được truyền dẫn qua sợi cáp HDMI mà cụ thể là ngõ cắm HDMI, sử dụng một loại kết nối vật lý có tên Transition Minimized Differental Signaling, viết tắt là TMDS, và kết nối này giúp mọi sợi cáp đều được đảm bảo khả năng trung chuyển một lượng lớn dữ liệu. Điều này đồng nghĩa với việc sợi cáp rẻ tiền cũng có thể làm việc ổn ngang một sợi cáp cao cấp. Những thử nghiệm thực tế cũng cho thấy rằng cáp kỹ thuật số đắt tiền cũng không đem lại sự khác biệt về chất lượng so với cáp giá rẻ, bởi thế nếu bạn đang định sắm cho mình 1 sợi cáp kỹ thuật số, đừng quan tâm tới lời quảng cáo "cáp cao cấp" của nhà sản xuất.
Thời lượng pin
Từ nhà sản xuất laptop cho tới điện thoại tất cả đều cố gắng quảng cáo rằng thiết bị của họ có thời lượng pin tốt, như laptop của họ cho pin 7 tiếng, thậm chí là 9, 10 tiếng. Tuy nhiên, đó hoàn toàn chỉ là...quảng cáo bởi đây là thời lượng pin thường được kiểm nghiệm trong các điều kiện chạy ít ứng dụng, giảm tối thiểu độ sáng màn hình - trái ngược với việc sử dụng thực tế của người dùng. Các kiểm nghiệm độc lập đều chỉ ra rằng một chiếc laptop có thể trụ được 5 đến 6 tiếng sử dụng thực tế đã là rất tốt. Bởi thế, nếu bạn muốn tìm hiểu thời lượng pin của máy thì đừng vội tin những gì nhà sản xuất quảng cáo mà hãy tìm tới các bài đánh giá từ một bên thứ 3 để hiểu rõ về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định có mua sản phẩm đó hay không.
Tham khảo: Howtogeek