Những trải nghiệm đầu tiên về Crysis 2

    PV, Maestro 

    Trò chơi này mang đến những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với những game FPS thông thường.

    Crysis 2 mang đến một đoạn mở đầu lôi cuốn với cảnh nhân vật chính của phần 2 thoát nạn trong một cuộc tấn công của đám robot ngoài hành tinh vào một tàu ngầm của Mỹ. Nhân vật chính của phiên bản này - Alcatraz - sẽ nhận bộ giáp Nanosuit từ Prophet (nhân vật chính của phiên bản Crysis trước) và tiếp tục sứ mạng giải cứu thế giới. Sau khi màn mở đầu trên nền nhạc bí hiểm này kết thúc, bạn sẽ bắt đầu đến với cơn ác mộng của Crysis 2.


    Trò chơi này của Crytek khác biệt rất nhiều so với những game bắn súng thông thường. Việc Crytek thay thế những màn chơi với cấu trúc đơn giản bằng một không gian mở rộng lớn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho game thủ ngay từ những bước đầu làm quen. Việc xác định khoảng cách để dứt điểm đối phương là một trong những khó khăn đầu tiên. 

    Với địa hình hiểm trở của một thành phố New York đổ nát, việc lao thẳng tới dứt điểm một tên địch bằng đòn cận chiến khi vừa hết băng đạn không dễ dàng như ở Call of Duty hay Halo. Hành động hung hăng này của bạn thậm chí sẽ còn phải trả giá bằng việc rơi vào tầm ngắm của rất nhiều tên địch phía sau và “nằm ngửa nhìn trời” ngay tức khắc.


    Ở những game FPS thông thường, bạn chỉ cần kiểm soát tốt địa hình và sở hữu tốc độ ngắm bắn thần sầu là đã có thể giành được phần thắng. Thế nhưng, khi làm quen với môi trường lớn trong Crysis 2 thì các mánh khóe cơ bản của bạn sẽ phải thay đổi. Thậm chí, Crysis 2 còn buộc người chơi phải sử dụng một lối chơi thận trọng. Việc ham bắn mà quên kiểm soát tình hình sẽ khiến bạn phải reload rất nhiều lần.

    Nếu chỉ thích lao tới kiểu run ang gun thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ cảm thấy khó chịu khi chầu trời bởi một viên đạn chẳng hiểu từ đâu bay tới. Trong những màn chơi đầu tiên, tính năng Stealth của bộ giáp Nanosuit cần phải được áp dụng triệt để bởi chỉ với một vài khẩu súng trường và máu “cao bồi” thì bạn chẳng thể nào vượt qua những toán lính đông đảo được hỗ trợ bởi xe bọc thép.


    Đối với một số người, sự khác biệt của Crysis 2 có thể xem là một nỗi khó chịu lớn. Theo lời của nhà sản xuất thì các chi tiết trong game được thiết kế để tận dụng các năng lực siêu nhiên của bộ giáp Nanosuit. Đúng là trong chiến đấu, bạn sẽ phải thường xuyên sử dụng các khả năng đặc biệt của món “bảo bối” này để mong sống sót. 

    Thế nhưng, những màn chơi với cấu trúc phức tạp trong game thì lại giống một bài toán thử thách sự kiên nhẫn của người chơi. Phần lớn thời gian của bạn sẽ dùng để chạy, ẩn nấp, tàng hình, di chuyển tới vài điểm an toàn, thu thập các mẫu vật lấy từ đám người ngoài hành tinh. Việc “bắn” là một thứ chen giữa các khoảng đó chỉ như để “giữ nhịp”. Điểm này khiến nhịp độ của Crysis 2 có phần “lạnh” hơn nhiều game FPS khác.

    Khi đã làm quen được với những bỡ ngỡ ban đầu, bạn sẽ không còn cảm thấy quá khó chịu với sự khác biệt của Crysis 2. Tuy vậy, trò chơi này vẫn không có chất “máu lửa” ở những game FPS nổi tiếng như Killzone 3, Halo: Reach hay các bản Call of Duty. Tuy vậy, nó lại mang tới những nhiệm vụ với nội dung rất phong phú, đòi hỏi người chơi phải thường xuyên chuyển đổi, vận dụng những khả năng của bộ giáp.

    Khi chiến đấu với những con robot ngoài hành tinh, bạn sẽ thu thập được những thành phần dùng để nâng cấp cho bộ giáp Nanosuit. Những tính năng mới này sẽ giữ cho game luôn mới. Một số trong đó như khả năng nhận biết đường đạn để lần ra vị trí của kẻ đang bắn tỏ ra rất hữu dụng, đặc biệt là với những màn chơi “chằng chịt” chướng ngại vật như Crysis 2.


    Đồ họa của Crysis 2 trên console không quá ấn tượng. Đúng là nó có sự vượt trội so với những game bắn súng thông thường trên Xbox 360 nhưng không thể đẹp như Killzone 3 của PS3. Phiên bản PS3 của Crysis 2 lại bị chê bai bởi màu sắc nhợt nhạt và không gian không có chiều sâu. Một vài hiệu ứng nước và lửa trong game rất ấn tượng và chân thực. Tuy nhiên, các chi tiết còn lại thì chẳng đáng ngạc nhiên lắm.

    Những thông tin mới nhất về Crysis 2 sẽ còn được tiếp tục cập nhật.