Những tuyến đường sắt độc đáo đến "không tưởng" trên thế giới

    PV,  

    Hệ thống tàu hỏa đơn ray, tàu lơ lửng trên không, tuyến đường vượt biển... là những tuyến đường sắt "thật không thể tin được".

    Tàu hỏa hiện nay đã trở thành một trong những phương tiện phổ biến trên toàn thế giới. Bên cạnh những tuyến đường sắt vận chuyển như hiện nay là sự xuất hiện của những tuyến đường sắt độc đáo, đôi khi khiến bạn "đứng hình" vì không tưởng.

    Đó là những mẫu tàu như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

    1. Tàu Chase-Kirchner - ý tưởng tàu hỏa chạy bằng… gió

    Năm 1894, George Nation Chase và Henry William Kirchner đã viết trong cuốn sách của mình: “Hệ thống tàu hỏa là một trong những công nghệ tối tân nhất trong tương lai. Tuy nhiên, hệ thống tàu hiện nay quá đắt và không hiệu quả. Để cải thiện điều này, chính phủ cần chuyển sang đầu máy xe lửa chạy bằng sức gió”.

    Sau đó, họ trình bày mẫu tàu hỏa do chính họ thiết kế, với cái tên “Chase-Kirchner aerodromic systems of transportation” (tạm dịch: hệ thống vận chuyển hàng không Chase-Kirchner).

    Các toa tàu được đặt trên hệ thống đường ray trên cao, được trang bị “cánh” với diện tích chiếm từ 200 – 400 m2. Hệ thống cánh này sẽ tận dụng sức gió cho động cơ điện hoạt động, giúp đoàn tàu dịch chuyển.

    Nhưng tất nhiên, ý tưởng quá… xa vời thực tế như vậy đã không trở thành hiện thực.

    2. Hệ thống tàu “đơn ray” hình chữ A của Lartigue

    Vào tháng 3 năm 1888, hệ thống đường ray Listowel-Ballybunion của Ireland dài 16km chính thức được khánh thành. Đây được coi là hệ thống đường ray “độc nhất vô nhị” do chỉ có một thanh ray và cũng chỉ được sử dụng cho một đầu máy kéo duy nhất - tàu Lartigue Monorail.

     Tàu của Lartigue được đặt trên đường ray có chiều cao kỳ dị

    Tàu của Lartigue được đặt trên đường ray có chiều cao "kỳ dị"

    Đoàn tàu đơn ray Lartigue được thiết kế bởi kỹ sư người Pháp - Charles Lartigue. Thực chất, ông đã từng thử nghiệm hệ thống đường ray đơn thanh này tại sa mạc thuộc Algeria để vận chuyển cây làm giấy.

    Theo thiết kế, hàng hóa sẽ được chứa trong 2 khoang ở hai bên ray, theo dạng hình chữ A. Thiết kế này được Lartigue mô phỏng theo hình dáng lạc đà chở hàng, với mục đích tạo nên sự cân bằng cho đầu máy ở giữa.

    Bên cạnh đó, ray đơn thanh được thiết kế cao sẽ rất có lợi khi vận chuyển tại sa mạc khi những đường ray thông thường dễ dàng bị cát che lấp.

    Đến năm 1986, Lartigue mang mẫu thiết kế đến một triển lãm ở London và tại đây, công ty đường sắt Listowel-Ballybunion đã tiếp nhận mẫu sản phẩm này.

    Thật tiếc là tuyến đường ray trị giá 30.000 bảng (gần 700 triệu đồng) này chưa bao giờ đem lại lợi nhuận. Cuối cùng, sau khi bị hư hỏng nặng do chiến tranh, đoàn tàu đã buộc phải đóng cửa vào năm 1921.

    Tuy nhiên sau này, người ta đã phục chế lại đoàn tàu vào năm 2003 và đặt tại Bảo tàng Lartigue, Ireland.

    3. Hệ thống tàu đơn ray “siêu cân bằng” của Brennan

    Cũng gần giống với đoàn tàu của Lartigue, đoàn tàu của Brennan cũng chỉ chạy trên một thanh ray duy nhất. Tuy nhiên, thanh ray này nằm sát mặt đất giống với đường ray bình thường, thay vì hệ thống chữ A.

    Sau hai mẫu mô hình chạy thử đầu tiên, vào tháng 10/1909, Brennan đã cho ra đời đầu tàu đơn ray chở 32 người vòng quanh nhà máy. Đoàn tàu có chiều dài 12m, cao 3m với vận tốc rơi vào khoảng 35km/h.

    Đoàn tàu sử dụng hệ thống cân bằng khí nén và đặc biệt là dù sử dụng dầu nhưng thực chất đoàn tàu chạy bằng điện. Dầu hỏa chỉ được sử dụng để chạy máy phát điện bên trong động cơ mà thôi.

     Được áp dụng hệ thống cân bằng khí nén, tàu của Brennan gần như không thể bị đổ

    Được áp dụng hệ thống cân bằng khí nén, tàu của Brennan gần như không thể bị đổ

    Tàu đơn ray của Brennan được giới thiệu với công chúng tại London vào năm 1910. Tuy nhiên, dù được khá nhiều người yêu thích, đoàn tàu không thể thu hút thêm các nhà đầu tư.

    Cuối cùng, Brennan chỉ có thể chế tạo 2 chiếc tàu, trong đó chỉ có 1 chiếc được sử dụng trong công viên đến năm 1930, chiếc còn lại đã bị… bán sắt vụn.

    4. Tàu hỏa “treo” Fawkes Folly

    Năm 1910, J.W. Fawkes đã trình làng một mẫu tàu treo được cho là có thể đạt tới vận tốc gần 100km/h. Toa tàu được gắn vào một đường ray trên cao, với sự hỗ trợ của các thanh gỗ trợ lực. Tàu được trang bị động cơ làm mát Frankline, với một cánh quạt gắn phía trước.

    Tuy nhiên, tại buổi trình diễn gây quỹ phát triển dự án của mình, toa tàu chỉ đạt vận tốc tối đa vỏn vẹn có… 5km/h, và tất nhiên không thể thuyết phục các nhà đầu tư rót tiền vào.

    Nhiều người cho rằng thật đáng tiếc cho Fawkes, vì nếu được đầu tư hợp lý, rất có thể hiện nay chúng ta đã được trải nghiệm trên những con tàu đưa ta đi khắp nơi khi lơ lửng trên không trung.

    5. Tàu German Schienenzeppelin  - thiết kế tàu hỏa như khinh khí cầu

    Tàu German Schienenzepplin được thiết kế bởi kỹ sư máy bay người Đức Franz Krukenberg. Ông đưa ra mẫu thử nghiệm này vào năm 1929, với hình dạng mô phỏng theo… khinh khí cầu, với cánh quạt gắn phía sau tàu.

     Cánh quạt khổng lồ tại đuôi tàu Schienenzeppelin

    Cánh quạt khổng lồ tại đuôi tàu Schienenzeppelin

    Tàu được trang bị động cơ V12 của hãng xe Đức nổi tiếng BMW. Động cơ này sẽ làm chuyển động cánh quạt khổng lồ phía sau, giúp tàu đạt được đến động cơ lên tới 230 km/h - một vận tốc kỷ lục thời bấy giờ.

    Tuy nhiên, thiết kế với cánh quạt phía sau đã khiến giới quan chức lo ngại về tính an toàn của nó. Cuối cùng, chỉ có một mẫu tàu được lắp đặt và bị tháo dỡ vào năm 1939.

    6. Tuyến đường sắt xuyên biển khơi giữa trời châu Âu

    Bạn đã bao giờ tưởng tượng ra một đoàn tàu chạy giữa biển khơi chưa? Đó là công trình đường sắt Hindenburg, một công trình vĩ đại của người Đức, được khánh thành vào năm 1927.

    Ý tưởng cho tuyến đường sắt kỳ lạ và độc đáo này là để nối liền đảo Sylt với bang cực Bắc của Đức Schleswig-Holstein.

    Vào thời bấy giờ, việc di chuyển giữa đảo Sylt và đất liền hoàn toàn phụ thuộc vào tàu thủy, với thời gian tối thiểu là 6h di chuyển. Nhưng không chỉ vậy, phương pháp di chuyển này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đặc biệt là mùa đông khi phần lớn bề mặt biển bị đóng băng khiến rất ít người có thể vượt qua.

    Ngoài ra, sau khi khu nghỉ dưỡng trên đảo Sylt trở nên nổi tiếng hơn, chính phủ Đức đã đưa ra ý tưởng thực hiện đường ray này.

    Toàn bộ quá trình khởi công đến khi hoàn tất diễn ra trong 4 năm, trong đó bao gồm việc xây đập ngăn biển, với tổng chiều dài con đập là 11km.

    Con tàu hoạt động trong suốt 45 năm. Đến năm 1972, người Đức quyết định mở rộng thêm một đường ray nữa, và đến nay tuyến đường này trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch trên thế giới, chở hơn 100 lượt khách mỗi ngày.

    Theo Kênh14/Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ