Những viên pin bị phồng của iPhone 8 Plus là do áp lực của cả một ngành công nghiệp smartphone
Smartphone phải mỏng, cấu hình mạnh, nhiều tính năng nhưng pin phải trâu.
Màn ra mắt iPhone 8 và iPhone 8 Plus năm nay không thực sự ấn tượng, khi mà tất cả sự quan tâm của người tiêu dùng đều hướng đến iPhone X. Chưa dừng lại ở đó, nỗi thất vọng còn tiếp tục dâng cao khi có tới 7 báo cáo liên quan đến vấn đề về pin của iPhone 8 Plus.
Những chiếc iPhone 8 Plus này bị phồng pin sau khi cắm sạc một thời gian và khiến cho vỏ máy biến dạng, màn hình bị tách rời khỏi thân máy. Các báo cáo về sự cố nghiêm trọng này ngày càng gia tăng, khiến Apple phải bắt tay vào điều tra nguyên nhân. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời nào được công bố.
Sự cố phồng pin của iPhone 8 Plus không gây cháy nổ, nhưng cũng làm chúng ta nhớ lại scandal của Galaxy Note7 hồi năm ngoái. Nguyên nhân của những sự cố này đều xuất phát từ những viên pin.
Có vẻ như những viên pin bé nhỏ này đang phải chịu một áp lực rất lớn từ ngành công nghiệp di động. Bởi ngày càng có nhiều công nghệ mới, cấu hình phần cứng mạnh hơn và người dùng lúc nào cũng đòi hỏi thời lượng sử dụng pin phải được kéo dài hơn.
Trong khi đó công nghệ pin lithium-ion chưa có nhiều đột phá để có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó. Vậy mà khi một chiếc smartphone mới được ra mắt với lời giới thiệu dung lượng pin không thay đổi, hầu hết người dùng để tỏ ra bất mãn.
Smartphone phải mỏng, màn hình phải lớn, nhiều tính năng nhưng pin phải trâu
Các hãng smartphone vẫn luôn phải đau đầu tìm lời giải cho bài toán này. Đó là làm sao để có được một chiếc smartphone thiết kế mỏng, màn hình lớn, cấu hình mạnh với nhiều tính năng cao cấp, và sau tất cả pin phải trâu để đáp ứng được yêu cầu của người dùng.
Thế nhưng trên thực tế thì khoảng trống bên trong smartphone là có giới hạn. Không phải tự dưng Apple, Google và nhiều hãng smartphone khác phải khai tử jack cắm tai nghe 3.5mm. Mà bởi vì họ bắt buộc phải làm thế để có thêm không gian cho những linh kiện khác hay những viên pin lớn hơn.
Công nghệ mới ngày càng phát triển, những con chip xử lý ngày càng chiếm nhiều không gian hơn, camera kép cần tới 2 bộ cảm biến hình ảnh, bộ xử lý tín hiệu âm thanh cao cấp cũng lớn hơn so với các bộ xử lý tích hợp, công nghệ bảo mật nhận diện khuôn mặt cũng yêu cầu các cảm biến mới. Danh sách này đang ngày càng dài hơn, trong khi kích thước smartphone vẫn đang giữ nguyên.
Kết quả là ngành công nghiệp smartphone đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Có thể tạm gọi đây là một cuộc khủng hoảng “đất đai”, giống như một thành phố với diện tích có hạn nhưng ngày càng có nhiều dân cư sinh sống.
Trong khi các công nghệ khác phát triển nhanh chóng, pin lithium-ion vẫn như vậy. Để có thêm dung lượng pin, các nhà sản xuất bắt buộc phải tạo ra những viên pin lớn hơn. Thế nhưng khi tạo ra những viên pin lớn hơn, sức ép lên các linh kiện bên trong chiếc smartphone cũng lớn hơn.
Và chỉ một sai lầm nhỏ trong thiết kế có thể dẫn đến thảm họa giống như những chiếc Galaxy Note7 năm ngoái. Bởi những viên pin là linh kiện dễ bị tổn thương nhất trong chiếc smartphone, nhưng lại có thể gây ra rắc rối lớn nhất. Chỉ cần phải chịu một áp lực lớn hơn từ các linh kiện các, tế bào pin có thể bị tổn hại và gây ra hiện tượng đoản mạch, dẫn đến cháy nổ.
Những viên pin đang phải chịu sức ép lớn từ ngành công nghiệp smartphone
Những viên pin không chỉ phải chịu sức ép đến từ nhu cầu tăng thời lượng sử dụng của người dùng, mà còn phải chịu một sức ép khác đến từ công nghệ sạc nhanh. Công nghệ sạc nhanh thực sự hữu ích, khi mà bạn chỉ cần cắm sạc khoảng 10 phút là có đủ dung lượng sử dụng cho nửa ngày còn lại. Tuy nhiên công nghệ này cũng kéo theo khá nhiều rắc rối.
Để hỗ trợ công nghệ sạc nhanh, pin và mạch điện phải được thiết kế đặc biệt nhằm quản lý dòng điện lớn hơn và nhiệt độ cao hơn. Vấn đề lớn nhất khi sạc nhanh không phải là dòng điện, mà chính là một phần lớn điện năng lãng phí bị chuyển hóa thành nhiệt.
Nhiệt độ cao hơn cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro hơn, những viên pin lithium-ion rất dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ. Nếu nhẹ có thể gây ra hiện tượng phồng pin, nguy hiểm hơn có thể gây ra cháy nổ. Nghiên cứu cho biết nếu sạc pin liên tục với nhiệt độ trên 30 độ C, sẽ làm giảm tuổi thọ của pin li-ion một cách nhanh chóng.
Vì vậy mà nhiều nhà sản xuất phải tìm cách quản lý nhiệt độ khi sạc nhanh. Công nghệ sạc Quick Charge 4 của Qualcomm đã có thể quản lý nhiệt độ trong quá trình sạc, giúp kéo dài tuổi thọ pin. Tuy nhiên trên thực tế, công nghệ sạc nhanh vẫn luôn làm cho nhiệt độ tăng cao hơn sạc thông thường.
Các bảng mạch và chip quản lý quá trình sạc pin mới cũng chiếm nhiều diện tích hơn. Cuối cùng, sức ép vẫn đè lên những viên pin bên trong các thiết bị di động.
Tạm kết
Những phân tích ở trên chỉ để chúng ta thấy rằng các nhà sản xuất đã vất vả như thế nào để có thể làm hài lòng người tiêu dùng và vì sao những viên pin luôn là nguyên nhân của rắc rối. Nó không có nghĩa là sẽ càng có nhiều smartphone gặp rắc rối về pin, giống như Galaxy Note7 hay iPhone 8 Plus.
Trường hợp của Apple có thể chỉ là tai nạn không may. Nếu tỷ lệ lỗi là 0,001% trên 18 triệu chiếc iPhone 8 và 8 Plus xuất xưởng, nó là khoảng 180 thiết bị gặp lỗi. Trên thực tế đó là con số chấp nhận được và không phải là thảm họa.
Tham khảo: androidauthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4