Những ý tưởng thiết kế smartphone vừa hay vừa độc: Apple và Google mượn nhanh còn kịp
Smartphone hiện nay đã rất thông minh nhưng những cử chỉ vật lý đơn giản này còn có thể giúp người dùng kiểm soát cách thiết bị của họ hoạt động tốt hơn nữa.
Trong những năm gần đây, trào lưu "dump phone" hay những chiếc điện thoại không cảm ứng, chỉ để nghe gọi đã xuất hiện trở lại. Trào lưu này xuất phát từ chính cơn nghiện smartphone đang có dấu hiệu vượt ra khỏi tầm kiểm soát của phần đông người dùng. Đó cũng là lý do mà các nhà sản xuất điện thoại như Nokia, Punkt hay Pal đã xuất xưởng các thiết bị chỉ có tác dụng nghe gọi và nhắn tin. Nhưng rõ ràng, việc mang theo một chiếc dump phone cũng có không ít sự bất tiện, nhất là khi bạn vẫn chịu ảnh hưởng từ một số ứng dụng hay mạng xã hội liên quan tới công việc hay các mối quan hệ.
Nhiều người chấp nhận thỏa hiệp và lựa chọn giải pháp cố gắng học theo các thói quen sử dụng smartphone lành mạnh. Còn các nhà thiết kế của công ty Morrama (Anh) lại có một ý tưởng khác độc đáo hơn, vừa đảm bảo sự thông minh nhất định của những chiếc smartphone vừa giữ cho trải nghiệm người dùng đơn giản và tối giản nhất có thể. Ý tưởng này dựa trên những cử chỉ vật lý đơn giản để giúp người dùng kiểm soát cách thức hoạt động của những chiếc điện thoại thông minh.
Khái niệm đầu tiên được gọi là "bàn tay hỗ trợ". Theo đó, chiếc điện thoại về cơ bản vẫn có thể hoạt động như bình thường trong hầu hết thời gian. Tuy nhiên, khi quay ngược màn hình điện thoại 180 độ, nó sẽ tự động chuyển sang chế độ mới. Ở chế độ này, các ứng dụng có thể kích thích người dùng sử dụng, tương tác sẽ biến mất. Thay vào đó, nó chỉ còn lại các tiện ích cần thiết nhất như thông tin thời tiết, giờ giấc mà thôi.
Tiếp theo là ý tưởng về "lối thoát nhanh chóng", một cách mới mẻ để quản lý các thông báo của người dùng. Thông thường khi đặt điện thoại xuống, các thông báo từ nhiều ứng dụng như Facebook, văn bản, tin tức… sẽ liên tục xuất hiện gây mất tập trung. Nhưng với một chiếc điện thoại với mặt lưng cong, các thông tin nói trên sẽ không hiển thị khi người dùng đặt điện thoại xuống. Nếu muốn xem các thông báo, bạn chỉ cần ấn xuống để điện thoại nghiêng màn hình về phía mình. Lúc này, người dùng hoàn toàn chủ động trong việc tiếp cận các thông tin chứ không còn bị động và trở thành đối tượng bị nhắm tới.
Concept thứ ba không mới mẻ và độc đáo như hai ý tưởng trên, nhưng vẫn khá hấp dẫn. Được gọi là "khoảnh khắc ở hiện tại", nó gợi ý một màn hình nhỏ thứ hai ở mặt sau của thiết bị. Ý tưởng là khi bạn lật ngược điện thoại trên bàn, như nhiều người thường hay làm trong bữa ăn, một màn hình phụ sẽ chỉ hiển thị các thông báo quan trọng nhất. Điều này có nghĩa là trong các trường hợp khẩn cấp, bạn vẫn có thể nhận được các thông tin quan trọng. Tuy nhiên, mặt trái của nó là các nhà phát triển ứng dụng sẽ cố gắng khai thác để thu hút sự chú ý của người dùng.
Trên thực tế, một số biến thể của các ý tưởng trên đã được áp dụng. Ví dụ như Apple và Google đều đưa ra các sáng kiến về tình trạng "sức khỏe kỹ thuật số" trong các hệ điều hành trên di động, khi cho phép người dùng phân bổ thời gian trực tuyến của mình. Google Pixel có một tùy chọn để úp mặt điện thoại xuống bàn để tắt tiếng thông báo. Điện thoại Samsung Galaxy có chế độ tiết kiệm pin, có thể làm cho các ứng dụng biến mất khỏi màn hình chính của người dùng theo ý muốn.
Tuy nhiên nếu so sánh, các ý tưởng của Morrama có sự liên kết liền mạch giữa trải nghiệm người dùng cả về yếu tố vật lý lẫn kỹ thuật số. Thay vì phải sử dụng cách điều chỉnh thông qua menu con hoặc tự động hóa chúng thông qua AI, người dùng chỉ cần sử dụng các thao tác rất đơn giản. Hy vọng trong tương lai gần, các nhà sản xuất smartphone có thể sớm đơn giản hóa đồng thời đa dạng hóa các thao tác cử chỉ như thế này để người dùng thực sự có thể làm chủ thiết bị của mình một cách trọn vẹn nhất.
Tham khảo FastCompany
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời