Nở rộ dịch vụ xin nghỉ việc hộ, nhiều người chấp nhận chi tới 9 triệu đồng để rời đi trong êm thấm

Hệ thống phân cấp cứng nhắc tại các doanh nghiệp Nhật Bản khiến nhiều nhân viên cảm thấy khó khăn và không thoải mái khi trực tiếp xin sếp nghỉ việc.
Tại văn phòng ở Tokyo, Shota Shimizu đeo tai nghe và gọi điện đến phòng nhân sự của một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhưng Shimizu không phải nhân viên công ty mà là người thay mặt khách hàng của mình xin nghỉ việc tại đó. “Cô ấy cảm thấy công việc không như kỳ vọng. Đồng phục và chìa khóa tủ sẽ được gửi lại qua bưu điện. Cho tôi xin địa chỉ nhận?” – Shimizu nói qua điện thoại.
Shimizu là nhân viên của Momuri, một công cung cấp dịch vụ xin nghỉ việc thay người khác. Dù có mức phí lên tới 50.000 yên (9 triệu VND), dịch vụ này đang bùng nổ tại Nhật Bản – nơi việc trực tiếp nộp đơn xin nghỉ việc với cấp trên vẫn là điều khó xử, nếu không muốn nói là gần như… không thể.
Momuri nghĩa đen là “Tôi không chịu nổi nữa”. Công ty này đại diện cho một ngành dịch vụ đang nở rộ hậu đại dịch, giúp nhân viên nghỉ việc trong im lặng khỏi những môi trường làm việc độc đoán, khắc nghiệt, hoặc đơn giản là không còn phù hợp.
Từ lâu, thị trường lao động Nhật Bản gắn liền với khái niệm “làm một nơi cả đời” – đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, trung thành đến khi nghỉ hưu, và chấp nhận giờ làm việc kéo dài, môi trường cấp bậc cứng nhắc cùng những buổi nhậu bắt buộc sau giờ. Mô hình “salaryman” (tạm dịch: làm công ăn lương) ấy từng là biểu tượng của sự thành công nhưng giờ đây đang lung lay.
Sau đại dịch, giới trẻ Nhật, đặc biệt là độ tuổi 20-30, ngày càng không còn chịu đựng được nữa. Họ nhảy việc nhiều hơn, từ chối văn hóa “chịu đựng để hòa nhập”, và tìm đến những dịch vụ như Momuri để dứt khoát ra đi.
Làn gió mới trên thị trường lao động
Toui Iida, 25 tuổi, từng làm ở công ty bảo trì với giờ làm việc rất căng. Khi sếp gạt bỏ những lời phàn nàn, anh đã thuê người nghỉ việc thay. “Tôi thấy nhẹ nhõm hẳn sau khi biết đơn xin nghỉ được chấp nhận”. Giờ đây, anh chính là nhân viên của Momuri vì muốn giúp người khác làm điều tương tự.
Momuri hiện xử lý khoảng 2.500 trường hợp xin nghỉ việc mỗi tháng, tăng từ 200 trường hợp khi mới thành lập năm 2022. Khoảng 80% khách hàng là người trẻ.
Rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ vì bị bắt nạt, quấy rối, hoặc vì sếp không chấp nhận đơn xin nghỉ. Một số đơn giản là muốn nghỉ việc trong êm thấm và tránh xung đột.
“Vì người Nhật thường không thể bày tỏ cảm xúc thật, nên đến khi họ không chịu nổi nữa, họ cũng không thể tự nói ra. Đó là lý do dịch vụ này trở nên hấp dẫn”, giáo sư Keiko Ishii (Đại học Nagoya) lý giải.
Theo khảo sát của Tokyo Shoko Research, gần 1/10 công ty tại Nhật đã từng nhận đơn xin nghỉ thông qua bên thứ ba.
Năm 2024, chỉ 3,3 triệu trong số 68 triệu người lao động Nhật chuyển việc. Tỷ lệ này còn thấp so với trung bình nhóm OECD nhưng đã là bước tiến lớn trong bối cảnh văn hóa cũ vẫn ăn sâu vào xã hội.
Người lao động giờ đây có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt khi Nhật Bản đang đối mặt với già hóa dân số và thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Chuyên gia Kaoru Tsuda (Trung tâm nghiên cứu của Indeed) chia sẻ: “Sự thay đổi này là thực chất. Người lao động có quyền chọn lựa, và họ đang dùng quyền đó”.
Keisuke Ochi, 45 tuổi, từng nghĩ rằng chuyển việc là điều không nên. Nhưng sau khi công ty thay đổi chính sách, anh bắt đầu nhận ra: “Biết đâu mình có thể làm được điều đó”. Giờ đây, anh đã chuyển sang lĩnh vực tài chính để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. “Chính đại dịch đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi nhận ra giá trị của việc được ăn tối cùng vợ con”.
Không chỉ người trẻ mà người lao động trung niên cũng đang chuyển việc nhiều hơn khi các công ty thiếu hụt nhân sự quản lý sau “thế hệ mất mát” thời hậu khủng hoảng bong bóng thập niên 1990.
Kento Sano, 37 tuổi, từng bỏ việc ở công ty du lịch lớn để thử làm vườn, làm tự do, rồi quay lại ngành. Nhưng anh chọn làm việc tại một startup nơi anh thực sự đam mê.
“Cuối cùng, tôi tin rằng lựa chọn mạnh mẽ nhất là tìm được công việc bạn thấy hứng thú dù vẫn là làm thuê”, anh nói.
Tham khảo: Washington Post
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Flappy Bird (lại) trở lại trên máy Android, nhưng tải về cài là dở
Theo Android Authority, phiên bản Flappy Bird tái xuất hiện gần đây trên GitHub có thể ẩn chứa nhiều rủi ro bảo mật và không nên cài đặt lên điện thoại dù muốn chơi đến mức nào đi nữa.
AI có thực sự "vô dụng" khi hỏi về tỉnh thành mới của Việt Nam? Đừng đổ lỗi cho AI khi bạn không biết cách dùng sao cho đúng!