Nở rộ lừa đảo đặt phòng khách sạn qua mạng

    Nhóm PV,  

    Để tránh bị lừa khi đặt phòng khách sạn, du khách cần cảnh giác với giá rẻ và liên hệ trực tiếp với cơ sở lưu trú chính chủ

    Có nhu cầu đi Đà Lạt nghỉ dưỡng cuối năm sẵn kết hợp tham quan dịp Festival Hoa Đà Lạt dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12-2024, chị Hoàng Phương (ngụ TP HCM) tìm kiếm từ khóa "khách sạn Đà Lạt" trên mạng xã hội thì nhận được rất nhiều thông tin. Trong đó có một số Fanpage đăng thông tin giá phòng ở nhiều khách sạn nổi tiếng như MerPerle Dalat, La Sapinette, Hôtel Colline với giá rẻ bất ngờ cùng nhiều ưu đãi đi kèm. "Họ nói cuối năm là dịp cao điểm nên phải đặt cọc giữ chỗ" - chị Phương kể.

    Chính chủ cũng đau đầu

    Sau khi chuyển khoản đặt cọc và liên hệ lại để xác nhận đặt phòng, chị Phương không nhận được phản hồi của nhân viên khách sạn. Gọi lại số điện thoại đăng trên các trang mạng cũng không liên lạc được như trước đó, chị Phương mới nhận ra mình đã bị lừa.

    Phóng viên Báo Người Lao Động đã thử tìm kiếm thông tin về một khách sạn lớn ở Đà Lạt trên Facebook thì xuất hiện hàng chục Fanpage mang tên khách sạn này, trang nào cũng có vài chục ngàn đến hơn 100.000 lượt like và follow. Nhắn tin với các trang này về việc muốn đặt phòng, câu trả lời chung là phải chuyển khoản đặt cọc trước 70%-100% với lý do: Tháng 12 là đợt cao điểm du lịch, nếu không chuyển tiền trước thì khách sạn không giữ phòng.

    Nở rộ lừa đảo đặt phòng khách sạn qua mạng- Ảnh 1.

    Dự kiến Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách trong tháng diễn ra lễ hội. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

    Ngay sau đó, những Fanpage này lập phiếu xác nhận đặt chỗ và yêu cầu phóng viên chuyển tiền đặt cọc. Số tài khoản và chủ tài khoản mang tên 2 doanh nghiệp là "CONG TY TNHH XAY DUNG HOUSE DONG TAY" và "CTY TNHH DVDTTM VIETCAP VIETNAM".

    Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với khách sạn này thì được biết khách sạn không hề có liên doanh hay hợp tác gì với 2 đơn vị trên. Người này cũng thông tin thời gian qua khách sạn đã ghi nhận hàng chục trường hợp khách hàng bị lừa tiền thông qua các Fanpage giả mạo. Những trang này thường xuyên cập nhật hình ảnh khách sạn, đưa ra giá phòng rất rẻ và chạy quảng cáo trên mạng nên nhìn không khác gì với Fanpage chính thức.

    "Đây là vấn đề rất đau đầu vì kẻ lừa đảo lập rất nhiều trang giả mạo và hoạt động chuyên nghiệp. Khi phát hiện có trường hợp bị lừa, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ khách đến cơ quan công an trình báo để làm rõ vụ việc" - đại diện khách sạn thông tin.

    Đóng trang này, mở trang khác

    Không riêng ở Đà Lạt, tình trạng lập Fanpage mạo danh khách sạn để lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc phòng diễn ra ở nhiều thành phố du lịch khác.

    Mới đây, Premier Pear Hotel Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc bị một số trang mạng xã hội mạo danh khách sạn để bán phòng cho du khách. Sau khi khách làm thủ tục thanh toán, các trang giả mạo đã chặn tương tác. Theo thống kê từ phản ánh của du khách, có 7 trường hợp bị lừa, trong đó có người chuyển số tiền gần 100 triệu đồng.

    Nở rộ lừa đảo đặt phòng khách sạn qua mạng- Ảnh 2.

    Thông báo về Fanpage giả mạo của khách sạn Havana Nha Trang. Ảnh: KỲ NAM

    Trước đó, Carmelina Beach Resort ở Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bị một Fanpage giả mạo sao chép hình ảnh rồi nhận đặt phòng.

    Trong khi đó, khách sạn Vias Vũng Tàu cũng liên tục nhận phản ánh của du khách về việc bị lừa tiền khi đặt phòng trực tuyến qua mạng xã hội, website giả. Từ số điện thoại khách hàng cung cấp, khách sạn Vias đã gọi điện tới nhóm người này, liền bị các đối tượng dọa đánh sập website của khách sạn.

    Tình trạng lập Fanpage mạo danh các khách sạn lớn để lừa đảo xảy ra khá phổ biến ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vừa qua, Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác định 16 khách sạn bị giả mạo và đang trong quá trình thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ để xử lý các đối tượng lừa đảo.

    Bà Nguyễn Mộng Tường Ny, Phó Giám đốc điều hành khách sạn Havana Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cho biết vừa qua doanh nghiệp đã phát hiện và báo tin 5 trang Fanpage giả mạo khách sạn này để lừa đảo. Sau đó, cơ quan chức năng đã hỗ trợ gỡ bỏ các trang này. Tuy nhiên, đến ngày 20-11, khách sạn lại phát hiện thêm 2 trang giả mạo mới. 

    Đánh vào tâm lý ham rẻ

    Theo nhận định của các cơ quan quản lý du lịch, mạo danh cơ sở lưu trú để lừa tiền đặt phòng là chiêu trò không mới, thường rộ lên trong mùa cao điểm du lịch. Điểm chung của thủ đoạn này là giá phòng rẻ hơn giá niêm yết được cơ sở chính chủ công bố để đánh vào tâm lý ham rẻ của du khách.

    Trước tình hình đó, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã đề nghị Công an tỉnh vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo thông qua các Fanpage mạo danh khách sạn để lừa đảo; các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác hình thức lừa đảo này.

    Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Du lịch tỉnh có công văn gửi cơ quan chức năng các cấp đề nghị hỗ trợ xử lý, ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu mạo danh cơ sở lưu trú để lừa đảo. Cơ quan này cũng cung cấp đường dây nóng 0947.369.621 hỗ trợ du khách xử lý các trường hợp có dấu hiệu bị lừa.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ