Nỗi ân hận muộn màng của nữ phóng viên khi viết về trẻ em

    PV,  

    Khá nhiều thông tin được đưa ra, gây sốc cho chính các phóng viên, trong hội thảo "Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo" do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức.

    undefined

    Nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của nhà báo. Ảnh minh họa

    Nhiều trẻ em bị báo chí dồn vào “bước đường cùng”

    Khá nhiều thông tin được đưa ra, gây sốc cho chính các phóng viên, trong hội thảo "Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo" do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức.

    Có một gia đình hạnh phúc, với một cô con gái xinh đẹp nhưng vì yêu quá sớm nên mới chỉ 14 tuổi, T đã có thai với một thanh niên 20 tuổi. Khi chuyện vỡ lở, cha mẹ T tức giận tố cáo bạn trai con gái với công an. Những tưởng mọi chuyện sẽ nguôi ngoai theo thời gian, ai ngờ đến ngày hôm sau, cô gái 14 tuổi đòi tử tự bằng được.

    “Hỏi ra mới biết, trong cuộc xét xử cậu bạn trai, gia đình tôi đã yêu cầu tòa xử kín rồi mà không hiểu sao vẫn có một phóng viên của một tờ báo mạng lớn tới chụp hình và để rõ mặt cậu bạn trai trên báo. Khi đến lớp, bạn bè cháu ai cũng truyền thông tin này với tốc độ chóng mặt. Thế là cả lớp biết, cả trường biết chuyện cháu nó có thai và bạn trai phải đi tù. Người nói ra, người nói vào, không chịu được áp lực, nó đã uống thuốc ngủ tự tử. May mà tôi phát hiện kịp thời nhưng nó cứ đòi nghỉ học và giờ thì nghỉ thật”, mẹ T than thở.

    Cũng trong tình cảnh này là trường hợp của M, 13 tuổi có thai. Sự kiện này nhanh chóng được báo chí đưa tin và lan truyền trên mạng. Từ bài báo này, ai cũng biết được M mấy tuổi, học ở đâu, con ai, có thai ra sao, mặt mũi như thế nào… khiến đời sống của em bị xáo trộn, bà con làng xóm dị nghị. Kết quả cả M và bạn trai đều tự tử nhưng được cứu sống. Báo chí vẫn chưa dừng lại mà “truy sát” đến cùng ngay sau khi M sinh con. Cuối cùng, cả hai đứa trẻ đành dắt díu nhau rời bỏ quê hương.

    Trớ trêu hơn là trường hợp của H, một nữ sinh THPT trên địa bàn TP.HCM. H kể: “Nhóm bạn của em có một quy ước chung đó là trước mỗi bộ đồng phục khi em bọn em đi chơi với nhau đều ghi số điện thoại ở trước ngực. Trong một lần đợi bạn ở trước một quán bar, có một thanh niên đứng chụp hình, lúc đó em cũng không để ý lắm. Nhưng đến mấy ngày sau, cả trường nhao nhao kháo nhau em là đứa hư hỏng, chơi bời.

    Hỏi hết người này, người kia mới biết, hình em bị đăng lên một tờ báo với tựa đề: Sốc với thú ăn chơi thác loạn của giới trẻ. Tuy bài báo đã làm mờ mặt em và logo trường in trên áo nhưng lại không xóa số điện thoại ở trên đó. Song ngay sau đó, cộng đồng mạng xôn xao và tìm ra em bằng mọi cách nhờ số điện thoại in trên đó. Em suy sụp mất một thời gian dài…”

    Nỗi ân hận của nữ nhà báo khiến bé gái rời bỏ quê hương

    Khi viết về trẻ em, thì tôn trọng sự thật thôi chưa đủ. Thay vào đó, nhà báo cần phải ưu tiên lợi ích tốt nhất của mỗi trẻ em trước bất kì lợi ích nào khác. Nhà báo phải luôn biết “sợ” khi cầm ngòi bút. Đó là nỗi sợ về ý thức trách nhiệm, viết cho ai, viết để làm gì để trẻ em không trở thành nạn nhân bị ngược đãi, xâm hại.

    Nhà báo Nguyễn Thị Nga

    Nhà báo Nguyễn Thị Nga là một phóng viên trẻ, phụ trách mảng thanh thiếu nhi của một kênh phát thanh tại bà Rịa – Vũng Tàu. Chị là người dành nhiều tình cảm cho trẻ em, nhất là những trẻ em mồ côi, kém may mắn, trẻ có HIV… và mong muốn viết nhiều hơn để các em nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, chị đã mắc phải một sai lầm khiến một bé gái và mẹ phải rời bỏ quê hương vì bài viết của mình.

    Nga tâm sự: “Còn nhớ cách đây hai năm, đó là khoảng thời gian tôi thực hiện phóng sự về cuộc sống của những đứa trẻ có HIV, những khó khăn của các em để hòa nhập cộng đồng vì sự kì thị, phân biệt đối xử. Sau nhiều lần cân nhắc, lựa chọn nhân vật, tôi quyết định tìm đến xóm lao động nghèo ở một thị trấn vùng biển để gặp một phụ nữ quê An Giang có tấm lòng nhân ái. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chị đã cưu mang một đứa trẻ có H khi em bị mẹ ruột bỏ rơi suốt 9 năm qua.

    Chị tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc sống, về tình cảnh hiện tại của hai mẹ con, về lý do chị che giấu sự thật đứa trẻ có HIV, về cách chị dạy em bảo vệ những người xung quanh… Tất cả mọi câu hỏi của tôi chị đều trả lời, chỉ có một đề nghị duy nhất là không phát băng ghi âm lời nói của chị lên sóng”.

    Bài viết của Nga lên sóng ngay sau đó. Tên đứa trẻ, tên người phụ nữ và cả địa phương nơi em sinh sống, nữ phóng viên cũng giấu đi, chỉ có điều duy nhất, đoạn băng ghi âm vẫn lên sóng chỉ vì theo Nga, đã viết ra điều gì thì không được viết sai sự thật. Thế nhưng, hơn 1 tháng sau, Nga gọi điện hỏi thăm tình hình hai mẹ con thì bàng hoàng khi nghe chị than thở: “Em ơi, cả xóm họ biết hết việc con chị có HIV rồi, chị phải làm sao đây?”. Một thời gian sau thì hai mẹ con phải chuyển chỗ ở.

    “Điều đó làm tôi day dứt đến tận giờ, bởi khi câu chuyện đăng tải khiến cuộc sống của đứa trẻ có H càng thêm khó khăn. Và điều làm tôi nặng lòng hơn cả là lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn nhắc đi nhắc lại việc không kì thị với người có H nhưng sự kì thị ấy lại xuất hiện từ những người lắng nghe những câu chuyện có thật mà chúng tôi những người làm báo muốn chung tay xóa bỏ”, Nga chia sẻ.

    Cũng theo chị Nga, khi viết về trẻ em, thì tôn trọng sự thật thôi chưa đủ. Thay vào đó, nhà báo cần phải ưu tiên lợi ích tốt nhất của mỗi trẻ em trước bất kì lợi ích nào khác. Nhà báo phải luôn biết “sợ” khi cầm ngòi bút. Đó là nỗi sợ về ý thức trách nhiệm, viết cho ai, viết để làm gì để trẻ em không trở thành nạn nhân bị ngược đãi, xâm hại.

    Theo Infonet

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày