Nói không với sản phẩm truyền thông số “lưỡi bò”

    PV,  

    Đừng tiếp tay cho sự xâm phạm chủ quyền.

    Không chỉ tranh chấp trên trường chính trị, ngoại giao, Trung Quốc còn chủ trương cho đường “lưỡi bò” liếm qua các sản phẩm truyền thông số như một thứ bẫy đối với người dùng Việt Nam và các nước nhằm qua đó hợp thức hóa tư tưởng bành trướng của mình trong dư luận thế giới.


    Cách đây hơn một tháng, báo Lao Động cuối tuần số 51 (ra ngày 28.12.2012) đã có bài cảnh báo “Cảnh giác với ẩn họa mới trong sản phẩm truyền thông số” trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc lợi dụng các sản phẩm truyền thông số của các DN nước này để âm thầm hợp thức hóa một cách phi pháp ý đồ thôn tính lãnh thổ biển đảo của Việt Nam.


    Dạo đó, tiếng chuông cảnh báo được gióng lên khi bản cập nhật game Chinh Đồ do Cty VNG phát hành đã bị dính bản đồ “đường lưỡi bò” do DN phía Trung Quốc âm thầm đưa vào. Các DN công nghệ cao của Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, vì thế họ cũng nhận nhiệm vụ truyền bá vấn đề lãnh thổ của nước này, trong đó có việc thôn tính hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng với bản đồ đường “lưỡi bò” phi pháp.


    Lời cảnh báo trên đã không phải chờ đợi lâu khi mới đây cư dân mạng lại phát hiện trong sản phẩm truyền thông số WeChat của Tập đoàn Tencent của Trung Quốc đang được đẩy mạnh phát hành tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng đã mang sứ mệnh bành trướng của chính phủ của họ bằng cách xóa trắng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Việt Nam trong phiên bản bản đồ tiếng Anh, đồng thời trong phiên bản tiếng Hoa còn trắng trợn thể hiện bản đồ đường “lưỡi bò”.


    Nói không với sản phẩm truyền thông số “lưỡi bò” 1
    Bản đồ tiếng Anh trong WeChat không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

    Tất nhiên những người dùng bình thường ở Việt Nam, một khi chấp nhận dịch vụ WeChat cũng đồng nghĩa chấp nhận đường “lưỡi bò” và tư tưởng bành trướng được ngầm đưa vào sản phẩm truyền thông số WeChat. Và những người Việt ấy bị đánh lừa để trở thành những người không yêu nước, và thậm chí họ có thể trở thành “tấm bia” để phía Trung Quốc lập luận cho hành vi thôn tính ngang ngược của mình.


    Từ bản cập nhật game Chinh Đồ tới WeChat, đã có thể hệ thống được chuỗi âm mưu trong việc truyền bá tư tưởng bành trướng và thôn tính. Chính vì thế, không chỉ có các DN đối tác ở phía Việt Nam mà cả những người dùng Việt Nam cần cảnh giác và tỉnh táo đối với các sản phẩm này. VNG đã nhanh chóng và dứt khoát xử lý bằng cách kết liễu game Chinh Đồ dù phải bị thiệt hại về kinh tế hàng chục tỉ đồng. Song đối với WeChat, người dùng Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng, mà nói thẳng rằng là phải tẩy chay. Bởi nếu tiếp tục sử dụng, những người dùng ấy sẽ tiếp tục bị lợi dụng, và bị biến thành những kẻ đồng lõa, không có tinh thần yêu nước.


    WeChat đã đạt mức 300 triệu người dùng và đang lan tỏa ở nhiều nước. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chấp nhận để WeChat tự tung tự tác truyền bá sự chiếm đoạt lãnh thổ trắng trợn và phi pháp tại Việt Nam. Một số Cty truyền thông Việt Nam đang làm đại lý truyền thông quảng bá sản phẩm WeChat cho Tencent cũng nên ý thức rằng, công việc ban đầu chỉ mang tính kinh doanh của họ cũng đang dần trở thành phi nghĩa và phạm pháp, và cần chấm dứt ngay sự tiếp tay cho kẻ xâm chiếm.


    Theo Lao Động

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ