Nỗi lòng startup y tế: Tại sao một startup công nghệ đầu tư hàng trăm tỷ đồng không bằng bỏ ra vài chục tỷ thầu một mảnh đất gửi xe máy?
Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Việt Nam - Viet Solutions do Bộ Thông tin Truyền thông và Viettel đồng tổ chức, bà Tạ Thị Vân Anh - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của iSofH chia sẻ nỗi lòng khi startup của mình đang "tự ăn thịt mình" và không thể sống được.
iSofH khởi nghiệp đã 5 năm và hiện nay đang phục vụ hơn 10 bệnh viện công lớn nhất tại Hà Nội, phục vụ hơn 15.000 người bệnh mỗi ngày và khoảng 10.000 cán bộ y tế. Bà Vân Anh chia sẻ, sau 5 năm đó, công ty bà đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để "nuôi" hơn 100 kỹ sư. Trong ngành y tế, bên cạnh nhân lực, hạ tầng, trang thiết bị thì công nghệ thông tin lại không được xét như là một chiếc "chân bàn" thứ tư, tương xứng với mức đầu tư cho ba yếu tố kia. Yếu tố công nghệ thông tin trong y tế, theo bà Vân Anh đang không có mức định giá, không có mức đầu tư và không biết phải thu như thế nào.
Bà Vân Anh chia sẻ, mặc dù phía công ty bà đã tiếp cận theo cách thức phát triển công nghệ nền tảng, muốn được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, là biến giải pháp trở thành một sản phẩm cho thuê, nhưng việc thu với giá như thế nào vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Bà đặt câu hỏi: "Một nền tảng như iSofH đang phát triển, phục vụ một người bệnh từ lúc họ được tiếp đón vào bệnh viện, cho đến khi được điều hướng, phân luồng, khám, quản lý hồ sơ, ra được đơn thuốc, kết nối toàn bộ hệ thống lâm sàng. Chúng tôi muốn thu 5.000 đồng cho một lượt phục vụ, không bằng một sổ khám bệnh bằng giấy - phương pháp truyền thống, lại không có cơ chế".
"Một người bệnh đi vào bệnh viện, vé gửi xe máy đã 5.000 đồng. Tại sao một startup công nghệ đầu tư hàng trăm tỷ đồng không bằng bỏ ra vài chục tỷ thầu một mảnh đất gửi xe máy?" - bà Vân Anh trăn trở.
"Tôi mong muốn chương trình quốc gia như chương trình này, ngoài việc tìm ra đơn vị có giải pháp, tối ưu được giải pháp đó thì có thể là nơi cải cách được về chính sách, về thủ tục hành chính để các mô hình mới về chuyển đổi số có thể sống được. Có thể có được mô hình đầu ra và có nguồn thu" - bà Vân Anh bày tỏ nguyện vọng.
Chia sẻ về góc nhìn của mình, ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin Truyền thông cho hay: "Tôi rất tâm đắc một câu nói của Bill Gates: Cuộc sống vốn không công bằng, và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Vậy nên với vai trò của một startup, hãy coi sự không công bằng đó, hay lợi thế cạnh tranh là chuyện tất yếu, và mình phải chấp nhận vượt qua câu chuyện đó mới có thể thành công".
Về câu chuyện coi phần mềm như một dịch vụ, ông Dũng chia sẻ, có rất nhiều ví dụ trong các ngành, các lĩnh vực, hành lang pháp lý cũng đã đầy đủ, vấn đề là triển khai như thế nào. Ông Dũng nêu ví dụ trong lĩnh vực phần mềm quản trị tổng thể đã có nền tảng cung cấp dịch vụ cho các cơ quan tổ chức với giá thuê 30.000 đồng/tháng/thuê bao, hoàn toàn dưới hình thức dịch vụ không đầu tư.
"Với Nghị định 73 và những thông tin mới đây mà Bộ Thông tin Truyền thông ban hành đã cho phép chúng ta làm điều đó rồi" - ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hổ - CEO Viettel Solutions tiếp nối: "Các chính sách có lẽ cùng cần ban hành đồng bộ vì đây là những việc mới. Tôi cũng giống như chị Vân Anh, Viettel cũng có triển khai hệ thống nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa trong thời gian vừa rồi. Cách làm cũng không dễ dàng, vì đây là việc phải sửa lại quy định, thậm chí là luật. Viettel cũng là đơn vị đi đầu, nhận được sự tin tưởng của bộ ngành, nên chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bộ.
Tôi đã trao đổi với anh Long (Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long) và một trong số những ý đề xuất là khép kín hệ sinh thái. Làm sao để người dân có thể sử dụng dịch vụ và trả tiền một cách hợp pháp với chất lượng dịch vụ như vậy. Tôi nghĩ là chuyển đổi số có việc dễ, việc khó và chúng ta cần bền bỉ, kiên trì, đi cùng nhau. Viettel nếu như gỡ được chính sách về khám chữa bệnh từ xa thì có lẽ iSofH cũng có thể báo cáo với anh Long".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming