Nokia, đã lặng lẽ ra đi thôi xin đừng quay lại

    Nguyễn Hải,  

    Dù đã từng là một ông vua của điện thoại di động, dù vẫn còn nhiều người luyến tiếc quá khứ, nhưng rõ ràng Nokia không còn lý do gì để quay lại sân chơi smartphone này.

    Khi bạn nghĩ về smartphone, sẽ có một vài cái tên nảy ra ngay trong đầu của bạn, đó là những cái tên hàng đầu hiện nay: Apple, Samsung, Motorola, LG và HTC. Nhưng một cái tên sẽ không nẩy ra trong đầu bạn: Nokia. Cho dù từng là một trong những vị vua vĩ đại nhất của thế giới di động, Nokia đã lặng lẽ rời khỏi sân chơi này khi bán đi mảng smartphone cho Microsoft.

    Tuy nhiên, vẫn còn một tia hy vọng mong manh cho sự quay trở lại của Nokia trên sân chơi di động: các điều khoản khi bán mình cho Microsoft chỉ cấm Nokia làm các điện thoại mới trong một thời gian giới hạn, và hợp đồng này sẽ hết hạn vào Quý IV năm 2016. Điều này cho phép Nokia có cơ hội gia nhập lại vào đấu trường smartphone. Nhưng liệu đó có thực sự là bước đi khôn ngoan cho Nokia?

    Nhìn lại Nokia một vài năm trước, dòng sản phẩm Lumia đã có tất cả mọi thứ trừ thành công cho hãng điện thoại Phần Lan này. Phần cứng tốt, đi kèm với phần mềm kém cỏi của Windows Phone, cuối cùng đã thất bại trong việc giúp Nokia có được miếng bánh to hơn trên thị trường smartphone. Ngay cả tính năng camera xuất sắc trên một số dòng Lumia cao cấp cũng không đủ để dòng smartphone này trở nên phổ biến hơn, buộc Nokia cuối cùng phải nhường lại ngôi vương một thời của mình cho người khác. Trong khi đó, Samsung và Apple, đang ngày càng hoàn thiện hơn những sản phẩm của riêng mình, để có được thị phần lớn hơn.

    Nokia đã từng có một quãng thời gian khó khăn trước khi phải bán đi bộ phận smartphone của mình và mất đi nhiều nhân sự chủ chốt. Không những thế, khó khăn giờ càng chồng chất hơn do sự bão hòa trên thị trường smartphone. Nhiều công ty đã gần chạm đến ngưỡng doanh số, vì vậy giờ là lúc họ tập trung hơn vào hoàn thiện sản phẩm. Cố gắng tung một sản phẩm mới vào thời điểm nay sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, ngay cả đối với những nhà sản xuất giàu tiềm lực.

    Một chặng đường khó khăn phía trước

    Tin đồn về việc Nokia quay lại đã được tiếp sức bởi những cuộc thảo luận xoay quanh một thiết bị bí ẩn, thường được nhắc đến với cái tên Nokia C1. Vẫn chưa rõ những lời đồn đoán có thật hay không, hay chỉ là do những người luyến tiếc quá khứ tưởng tượng ra, nhưng khó mà chối bỏ rằng có rất nhiều trở ngại cho Nokia khi bước chân vào thị trường Android hiện tại.

    Android không phải là Windows Phone. Trong khi chỉ có Samsung và HTC có một số thiết bị chạy Windows Phone vài năm trước đây, rõ ràng rằng Nokia đã là người đứng đầu hệ điều hành di động này trong một thời gian. Còn Android thì khác, với những kinh nghiệm họ có từ hệ điều hành này, họ sẽ phải đối mặt với những thách thức hoàn toàn mới trên mặt trận này.

    Nokia sẽ phải đưa ra ý tưởng về thiết kế phần mềm và tính năng cho thiết bị mới của họ. Một việc sẽ tạo ra thêm gánh nặng chi phí cho việc sản xuất một thiết bị mới. Mặc dù sự tiện dụng của Android nằm ở chỗ nền tảng này là mã nguồn mở, nhưng đã có rất nhiều nhà sản xuất khai thác triệt để ưu điểm này. Nếu Nokia muốn C1 thành công, họ cần đầu tư vào phần mềm, như tạo một skin tùy chỉnh hay mang đến những tính năng phần mềm có giá trị lớn hơn cho người sử dụng.

    Samsung là một ví dụ thích hợp cho Nokia. Dù yêu hay ghét nó, giao diện TouchWiz của Samsung đã tạo ra một lối riêng vào cuộc sống của chúng ta, và nó sẽ không dễ dàng biến mất. Những điều làm Samsung nổi bật, dù tốt hay xấu, chính là những tính năng rất riêng biệt được cài đặt lên trên mỗi điện thoại. Samsung đã cải thiện Android theo nhiều cách khác nhau, những điều Nokia cần làm để trở nên khác biệt với bộ skin Android của riêng mình.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như Samsung. HTC với HTC Sense và LG với giao diện UX, dù đã dành nhiều thời gian để hoàn thiện bộ skin của họ, nhưng các sản phẩm của họ không đạt được kỳ vọng của không ít người tiêu dùng. Nỗ lực khác biệt của Nokia C1 phải tạo ra điểm nhấn vào đúng thị trường nếu muốn thành công trên sân chơi này.

    Cuộc cạnh tranh khốn khổ

    Một thách thức khác mà Nokia phải đối mặt đến từ những công ty như Huawei và Motorola. Đây đều là những công ty đã tạo ra thị trường cho mình bằng các thiết bị giá rẻ, nhưng cấu hình cao. Huawei đã bắt đầu đưa sản phẩm của mình đến Mỹ, phần lớn nhờ vào sản phẩm được đánh giá cao, Nexus 6P, kết quả của sự hợp tác với Google. Bên cạnh Huawei, Motorola cũng giới thiệu những điện thoại giá mềm, nhưng vẫn rất chất lượng, như các dòng Moto X, G và E.

    Để Nokia C1 có thể tạo nên dấu ấn trong thế giới smartphone hay ngăn cản bước tiến của Huawei và Motorola, Nokia sẽ phải học tập họ. Phải sẵn sàng chi ra rất nhiều tiền, để tạo ra một thiết bị với cấu hình tốt, nhưng vẫn phải có cái giá hợp túi tiền. Trong khi nhiều nhà sản xuất điện thoại khác có nguồn tài chính dồi dào để tung một thiết bị có mức giá rẻ hơn ra thị trường, sẽ rất khó khăn cho Nokia có thể cắt giảm chi phí mà vẫn có lợi nhuận với C1.

    Tất nhiên, họ có thể đi theo con đường “hoàn toàn cao cấp” khi tạo ra một sản phẩm chất lượng hơn với mức giá cao, nhưng tiến vào thị trường đó giờ đã khó khăn hơn nhiều so với phân khúc giá rẻ. Hãy nhìn sang Samsung, trong năm 2015, họ đã đưa ra hàng loạt sản phẩm cao cấp như S6, S6 Edge, Note 5 và S6 Edge , với mức giá cao cho từng sản phẩm. Nhưng phải đến 2016, những sản phẩm cao cấp của Samsung mới thực sự thành công với S7 và S7 Edge, và dường như họ là một trong số ít các nhà sản xuất có được thành công này. Nếu một người khổng lồ như Samsung vẫn gặp khó khăn trong việc thu được lợi nhuận hàng năm từ ngành này, liệu một công ty như Nokia có thể thành công hay không.

    Chắc chắn Nokia vẫn còn một thứ để hy vọng: tên tuổi của họ khi có thể vẫn còn nhiều người nuối tiếc quá khứ. Nhưng nếu vậy, hãy nhìn sang BlackBerry, công ty cũng đang gặp khó khăn tương tự như Nokia trước đây. Và sản phẩm cao cấp gần đây của họ, BlackBerry Priv có doanh số èo uột với mức giá cao ngất ngưởng của mình.

    Một con đường khác cho Nokia?

    Có lẽ Nokia thực sự nên tập trung thời gian và chú ý của mình vào phần mềm và những lĩnh vực khác, và bỏ qua mảng phần cứng của điện thoại. Hay họ có thể cấp phép cho thương hiệu Nokia của họ như đã làm với chiếc tablet N1, hơn là tham gia vào một liên doanh nào đó có thể đẩy họ vào tình huống tồi tệ hơn so với hiện tại.

     Chiếc tablet N1 với thương hiệu Nokia được cấp phép.

    Chiếc tablet N1 với thương hiệu Nokia được cấp phép.

    Có một lý do khiến công ty quyết định bán toàn bộ mảng smartphone cho Microsoft trong năm 2013, và không có lý do nào để Nokia nên thu hồi quyết định đó bây giờ. Đó là quyết định giúp Nokia có được tình hình tài chính tốt hơn, cho họ thêm thời gian và nguồn lực để cải thiện những sản phẩm hiện tại của mình. Đó là những lợi ích tốt nhất mà công ty hiện có thể mang lại, để đứng ngoài đấu trường smartphone nóng bỏng này, nhìn các công ty khác giành giật vị trí dẫn đầu và tiết kiệm tài chính cho những lúc cần thiết.

    Tham khảo Androidauthority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ