Nông dân Hải Dương chế robot, Israel ngả mũ bái phục

    PV,  

    Câu chuyện về anh nông dân mới học hết lớp 7 đã có nhiều sáng chế khiến các nhà khoa học giật mình không còn là điều xa lạ với người dân ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đó là Anh Phạm Văn Hát, sinh năm 1972.

    Sau khi bị vỡ nợ vì trồng rau an toàn anh đã quyết định đặt chân đến đất nước Israel để học hỏi kinh nghiệm. Không ngờ, đất nước mà thu nhập từ trồng rau có thể lên đến 1 tỷ đồng/ha lại là mảnh đất nảy nở duyên chế tạo máy nông cụ của anh.

    Chuyện vỡ nợ và cơ duyên chế tạo máy nông cụ trên đất nước Israel

    Kể lại cơ duyên nổi tiếng trên đất nước Israel, anh Hát cho biết, vì thấy đất nước Israel rất văn minh mà còn phải làm nhiều công đoạn thủ công nên anh nảy ra ý định đề nghị chế tạo cho họ một chiếc máy rải phân. Sau vài tháng, chiếc máy được anh chế tạo thành công, đưa ra các cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả quá tốt, anh được người chủ trang trại thưởng cho hơn 200 triệu đồng. Cùng với đó là vinh dự được Đại sứ quán Việt Nam tại Israel mời đến chia vui, động viên và khen thưởng.

    Sau khi chế tạo thành công máy rải phân, được nhà nước Israel ghi nhận, mua bản quyền để chế tạo hàng loạt trên toàn quốc, anh Hát vẫn tiếp tục chế tạo, cải tiến thêm nhiều loại máy cho ông chủ của mình. Khi người chủ quyết định nâng lương lên cho anh gấp 2,5, từ 1.000 USD (khoảng năm 2010) lên 2.500 USD thì anh quyết định về quê.

     Anh Hát quan sát con robot đặt hạt của mình.

    Anh Hát quan sát con robot đặt hạt của mình.

    Hỏi về quyết định lạ đời này, anh Hát bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng mình có thể đạt đến mức lương 2.500 USD ở xứ người thì chắc cũng có thể làm được khoảng 1.000 USD ở quê nhà. Tôi vẫn muốn ở gần người thân họ hàng hơn. Với lại, khi quyết định đi Israel là tôi chỉ muốn tiếng mình bị vỡ nợ lắng xuống chứ không nghĩ đi xuất khẩu lao động để về trả nợ”.

    Những ký ức về ngày vỡ nợ lại ùa về nhưng bằng một giọng kể sôi nổi, chẳng ai nghĩ rằng, người nông dân này lại có thể thoát khỏi món nợ 3 tỉ một cách dễ dàng đến thế. Anh Hát cho biết, khoảng năm 2007, anh quyết định đầu tư trồng rau an toàn, đã ký được nhiều hợp đồng đầu ra cho trang trại của mình. Nhưng sau 3 năm kỳ cạch làm, anh trắng tay chỉ vì các công ty chỉ ký hợp đồng với anh để dễ bề đưa rau vào siêu thị chứ không đặt mua hàng.

    Để tránh điều tiếng vỡ nợ, anh quyết định vay lãi ngoài đi xuất khẩu lao động ở Israel vì thời kỳ làm rau nhiều đoàn của Israel sang thăm và cho biết ở bên ấy họ trồng năng suất cao, thu nhập cả tỷ đồng trên 1ha rau. Nhưng sang đến nơi mới biết họ lao động còn hạn chế, làm thủ công, anh đặt vấn đề chế tạo máy để người làm đỡ vất vả. Và cơ duyên chế tạo máy nông cụ của anh chính thức nảy nở trên cánh đồng của đất nước Israel.

    Nhưng dù được người chủ tín nhiệm, tăng lương để giữ anh ở lại làm tiếp nhưng anh vẫn quyết định quay về. Tất cả mọi người trong gia đình cũng như những người cùng anh đi xuất khẩu lao động khi biết anh về đều tỏ ra tiếc nuối cho anh. Nhưng anh vẫn tin mình có thể làm lại được, đứng dậy ngay trên quê hương mình.

    Khi vừa đặt chân về đến nhà, người anh trai của anh, cũng là chủ một trang trại rau đặt vấn đề làm thế nào để ra một cái máy gieo hạt để giảm tải ngày công lao động cũng như nâng cao năng suất gieo hạt. Bởi đặc thù lao động phổ thông ở quê nhà rất hiếm, người trẻ thì thoát ly hết, người già thì mắt kém, có thể lóng ngóng làm rơi hạt khi gieo, trong khi hạt giống lại đắt. Được sự động viên của người anh trai, anh Hát bắt tay vào nghiên cứu cùng với lời rào đón “chắc chỉ được khoảng 70% thôi nhưng người anh trai vẫn quả quyết “như thế là được rồi”.

    Chế tạo robot không cần chip, rơ le điện tử…

    Những kỳ vọng của người anh trai đã đặt lên vai Hát một gánh nặng. Anh bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo, sau khoảng hơn 1 năm chiếc máy đặt hạt đầu tiên mới hoàn thành dù còn nhiều thiếu sót và năng suất chỉ đạt được khoảng 50%, nhưng đấy là tín hiệu đầu tiên khiến anh thấy có niềm tin vào công việc chế tạo máy nông cụ của mình. Những chiếc máy sau này được anh cải tiến kỹ càng nhờ vào nhiều lần quan sát trực tiếp máy gieo hạt trên cánh đồng. Anh phát hiện ra vấn đề ở chỗ nào và quyết tâm cải tiến. Khi thành công, độ chính xác đến 100%, anh quyết định đặt tên cho sản phẩm của anh tên gọi robot đặt hạt.

    Anh lý giải, gọi là robot đặt hạt vì nó có thể đặt chính xác khoảng cách mình cần đặt ở khoảng cách 2 hoặc 3cm, tùy vào từng cánh đồng và thay thế cho khoảng 40 người làm việc. Robot đặt hạt sau 2 năm nghiên cứu, cải tiến đã vượt ra khỏi lũy tre làng ở xã Ngọc Kỳ, sang Đức, Mỹ, Singapore, Thái Lan… bằng nhiều cách khác nhau.

    Cách phổ biến nhất là khách hàng tại các nước biết đến qua mạng internet, họ đã tìm đến đại sứ quán của Việt Nam ở các đất nước họ để hỏi thăm về tác giả của robot đặt hạt, xin số liên lạc để đặt mua. Người ở đại sứ quán Việt Nam tại các nước lại tìm cách kết nối về xã, xin địa chỉ, số điện thoại, thậm chí còn giúp phiên dịch để các giao dịch đặt hàng thành công ngay lập tức. Mỗi chiếc máy bán đi nước ngoài anh Hát bán với giá 2.500 USD.

    Còn ở trong nước, các khách hàng miền Nam, miền Trung đặt mua khá nhiều, thậm chí có người còn trực tiếp ra tận xưởng của nhà anh để mục sở thị cách làm việc của anh. Bây giờ, do có kinh nghiệm, anh đặt làm các bộ phận chế tạo robot đặt hạt tại các xưởng gia công, việc duy nhất của anh là lắp ráp nhưng với mỗi một robot, anh cũng mất đến 3 ngày mới lắp ráp xong.

    Anh chia sẻ, anh rất lo lắng chuyện có thể mất bí quyết, mất bản quyền dù anh đã đăng ký bảo hộ ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đó là lý do mà với mỗi một chiếc robot được lắp ráp, anh đều kèm theo một bí quyết, để nếu ai đấy có ý định dỡ ra để tìm cách làm theo sẽ hỏng luôn. Ngay cả bản thân anh, nếu gỡ ra làm lại con robot cũng sẽ mất tác dụng, chỉ còn lại là một đống sắt vụn. Anh cũng muốn liên kết với một doanh nghiệp để sản xuất đại trà nhưng cũng vẫn lo lắng việc có thể mất công nghệ, bí quyết.

    Đến nay, anh là người nông dân điển hình thành công với sự sáng tạo, ham tìm hiểu, học hỏi. Rất nhiều bằng khen, huy chương anh đã nhận được, thậm chí cả Huân chương Độc lập do Nhà nước trao tặng cũng đã nằm trong tủ phần thưởng của anh. Nhưng anh vẫn không ngừng sáng tạo, vẫn tiếp tục, cải tiến và chế tạo thêm nhiều loại máy nông cụ để giúp người lao động nông thôn đảm bảo năng suất, điều kiện lao động với một quan điểm chế tạo là càng đơn giản càng tốt, không cần chip điện tử, rơ le.

    Theo Pháp luật Việt Nam

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ