Nữ doanh nhân Việt gần 20 năm sản xuất nồi cơm điện, nội địa hóa 80%, các gia đình khắp miền Tây không ai không dùng
“Vô trung tâm điện máy có thể không thấy nồi của Kim Cương nhưng nếu đến các nhà trọ hay các gia đình ở miền Tây thì đến 10 nhà cả 10 nhà đều có nồi Kim Cương”, bà Khổng Thị Minh, chủ thương hiệu nồi cơm điện Kim Cương tự hào.
- Ông chủ hãng tivi Việt ‘làm mưa làm gió’ thị trường nông thôn chi 250 tỷ thâu tóm startup sản xuất tivi cận cao cấp
- Ông chủ hãng tivi Việt làm mưa làm gió thị trường nông thôn: Khi khởi nghiệp, hãy tập trung vào một sản phẩm, một thị trường duy nhất!
- Trong khi FPTShop loay hoay với bài toán tăng trưởng, TGDĐ đã bán tivi, tủ lạnh, rau củ từ lâu, nay còn sang tận Campuchia bán điện thoại
Giữa mê hồn trận đủ loại nồi cơm điện với những cái tên Tây Tây, có một thương hiệu với cái tên thuần Việt quen thuộc trong suốt gần 20 năm qua với người tiêu dùng với những chiếc nồi giá chỉ 130.000 đồng nhưng xài 10 năm không hỏng - nồi cơm điện Kim Cương.
Cô thôn nữ nghèo đất Bắc trở thành bà chủ phương Nam
Sinh ra trong gia đình thuần nông có 8 anh chị em ở Vĩnh Phúc, nhà nghèo, bà Khổng Thị Minh phải nghỉ học từ năm lớp 7 để làm thuê phụ gia đình. Cuộc đời cô thôn nữ tưởng chừng sẽ phẳng lặng nơi làng quê nghèo thì một bước ngoặt đến. Năm 1978, bà Minh khăn gói vào TP.HCM học ngành công an vì có người quen giúp đỡ. Mối duyên lành đến, bà kết hôn với một đồng nghiệp cùng cơ quan.
Cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi, cộng với máu kinh doanh từ nhỏ, năm 1994, với số vốn 2 triệu đồng vay từ một người bạn, bà Minh quyết định mở cửa hàng kinh doanh điện gia dụng với sản phẩm chủ đạo là máy bơm nước.
Việc kinh doanh ban đầu diễn ra thuận lợi nhưng sau đó nhiều cửa hàng tương tự mọc lên, việc cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu, bà Minh lại chuyển từ bán máy bơm sang bán nồi cơm điện.
Cũng được một thời gian suôn sẻ thì nhà nước chủ trương đánh thuế cao với hàng nhập khẩu. Tiền lời không đủ bù tiền thuế, bà Minh nản định bỏ cuộc. “Hàng nhập bị đánh thuế cao, sao mình không sản xuất trong nước để cạnh tranh với hàng nhập”. Nghĩ là làm, bà Minh quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực sản xuất nồi cơm điện.
“Lúc đó vợ chồng tôi được cấp một căn nhà, tôi đem thế chấp ngân hàng vay được 90 triệu đồng, bỏ tất cả vào làm vốn mở công ty”, bà Minh nhớ lại. Đó là ngày cuối cùng của năm 1999.
Bà Minh khởi động việc sản xuất bằng việc ra chợ Kim Biên mua một cái nồi cơm điện. Về nhà, tự tay bà mày mò tháo lắp cái nồi xem “ở trong nó có những cái gì”. Hì hục tháo ra lại hì hục ráp lại, những kiến thức cơ bản nhất về một cái nồi cơm điện, bà Minh học được từ đó.
Mất một năm mới ra cái nồi đầu tiên, sản phẩm ra lò không bán mà để…. ngắm
Suốt một năm trời mày mò nghiên cứu và tự tìm hiểu công nghệ, tự tay mua máy móc, những chiếc nồi đầu tiên mang thương hiệu Kim Cương mới ra lò. Đó là mẫu nồi 1,8 lít. Nhưng những ngày đầu, máy móc công nghệ hạn chế, xưởng của bà Minh chỉ tự sản xuất được 40% linh phụ kiện, 60% còn lại phải nhập khẩu.
“Đến bây giờ, tỷ lệ nội địa hóa tại công ty tôi đã lên 80%. Công ty chỉ phải nhập một vài linh kiện như mâm điện, rơ-le, vì các doanh nghiệp trong nước sản xuất được nhưng giá cao. Tôi tự hào là một trong số rất ít doanh nghiệp điện tử gia dụng trong nước nội địa hóa được 80%”, bà Minh chia sẻ.
Những ngày đầu, với 30 công nhân, mỗi ngày xưởng của Kim Cương sản xuất được khoảng 100 cái nồi. Ấp ủ mãi mới ra được thành quả, nhưng bà Minh không đem hàng đi bán mà cất hết vào buồng, ngày ngày lôi ra… ngắm. “Bao nhiêu tâm huyết và công sức mới sản xuất ra được cái nồi. Làm xong tôi thấy cái nồi đẹp quá nên tiếc không dám bán, suốt ngày lôi ra ngắm nghía, lau chùi”, bà Minh nhớ lại.
Khi đưa sản phẩm ra thị trường, bà Minh cũng khá lo lắng vì phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu ngoại nhập. Đầu những năm 2000, những cái nồi cơm điện Kim Cương 1,8 lít được bà Minh bán ra thị trường với giá 40.000 đồng/cái, đắt hơn hẳn hàng Trung Quốc cùng loại nhưng vẫn được thị trường đón nhận vì mẫu mã đẹp và chắc chắn hơn. Hơn nữa, khách hàng mua nồi Trung Quốc bấy lâu lo lắng mua xong không biết bảo hành sửa chữa ở đâu thì nay những băn khoăn đó được bà Minh giải quyết hết. Ngay từ những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, bà Minh đã lập đường dây nóng điện thoại 24/24 để bất cứ khi nào khách hàng cần tư vấn đều được tư vấn chăm sóc.
“Tôi đích thân đem nồi đi bán, không gặp phải bất cứ khó khăn nào từ người tiêu dùng. Nhưng khó khăn nhất là sản phẩm của chúng tôi mới quá, lại khá giống hàng Trung Quốc nên bị quản lý thị trường để ý, nhiều lần đến công ty xác minh”, bà Minh nhớ lại. Ngay cả trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, doanh số bán hàng của Kim Cương vẫn không hề bị ảnh hưởng mà ngày càng gia tăng.
Quan trọng nhất là cải tiến mẫu mã liên tục
Với những doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử gia dụng như Kim Cương, việc cải tiến mẫu mã là đòi hỏi bức thiết nhưng không dễ thực hiện. Bởi, một lần đổi mẫu là một lần phải đổi khuôn mẫu và kéo theo dây chuyền sản xuất cũng cần nhiều thay đổi tương ứng.
Bà Minh cho biết, để ra một cái nồi cơm điện gần 50 chi tiết cần tới 40 cái máy. Một khuôn mẫu mới trung bình khoảng 3 tỷ đồng. Tính riêng, tiền khuôn mẫu mới mỗi năm cũng phải đầu tư cả hơn 30 tỷ đồng. Nhưng nếu không thay đổi mẫu mã liên tục, những sản phẩm như Kim Cương dễ bị hàng Trung Quốc với màu sắc, mẫu mã đa dạng dìm chết.
“Tôi thường đi nước ngoài, đặc biệt một năm vài ba lần đi Trung Quốc, tôi thấy các nhà máy lớn ở đây đổi mẫu mã liên tục để kích thích người tiêu dùng. Mình không theo kịp sẽ bị đào thải”, bà Minh nói. Tại Kim Cương, 1 năm ít nhất có 10 mẫu mới ra lò, trung bình 1 tháng có 1 sản phẩm mới.
Để kịp đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, bà Minh đã cho đầu tư phòng R&D từ 5 năm trước. Phòng có 4 người, tuy nhiên chính bà Minh là người trực tiếp đi kiếm tìm mẫu mới và lên ý tưởng thiết kế, thay đổi.
Hàng không đủ bán nên không cần làm marketing
Bà Minh cho biết, tại Kim Cương, nồi cao cấp nhất, đắt nhất cũng chỉ 950 nghìn đồng/cái, còn lại nồi bình dân có sản phẩm chỉ hơn 130 nghìn đồng, bảo hành từ 1-2 năm. Chọn phân khúc bình dân, bà Minh chủ trương đưa hàng về các vùng nông thôn để bán cho người nông dân hay công nhân tại các khu công nghiệp và tầng lớp sinh viên.
“Vô trung tâm điện máy có thể không thấy nồi của Kim Cương nhưng nếu đến các nhà trọ hay các gia đình ở miền Tây thì đến 10 nhà cả 10 nhà đều có nồi Kim Cương”, bà Minh tự hào kể.
Bà cho biết, cũng nhiều người thắc mắc sao bà không tổ chức các hoạt động marketing hay đội ngũ bán hàng. Nhưng bà bảo, chính bà là người bán hàng và marketing cho sản phẩm.
“Mình bán cho người lao động nghèo, họ cần sản phẩm chất lượng, thiết thực với nhu cầu tiêu dùng, họ không cần hào nhoáng bên ngoài. Nếu tôi đầu tư marketing tốn kém, sẽ đẩy giá thành lên cao, và người lao động nghèo là người chịu thiệt thòi. Hơn nữa, hàng của Kim Cương làm ra không đủ bán, công nhân phải tăng ca liên tục thì còn làm marketing gì nữa”, bà Minh phân trần.
Thay vì thực hiện các chiến dịch marketing rầm rộ, từ gần 20 năm qua, bà Minh vẫn chỉ trung thành với hình thức bán sỉ qua các đại lý. Cả nước, Kim Cương có 12 đại lý và bà Minh chỉ tập trung chăm sóc những đại lý này. “Tôi coi họ như anh chị em, chăm sóc, yêu thương họ như người trong gia đình. Đổi lại, tôi ra sản phẩm nào, đại lý cũng bán hết”, bà Minh cho biết.
Hiện sản phẩm của Kim Cương không chỉ được bán tại thị trường trong nước mà còn xuất đi Myanmar. Nhưng bà Minh không chủ trương làm thị trường xuất khẩu bởi thủ tục giấy tờ nhiêu khê, trong khi năng lực sản xuất để đáp ứng trong nước còn chưa đủ.
Thương công nhân hơn con ruột
Ở tuổi 60, một ngày làm việc của bà Minh vẫn bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc tối khuya, khi đã xong mọi việc. Sáng bà Minh dậy sớm, tự tay đi chợ mua đồ về bán rẻ cho 300 công nhân lao động tại nhà máy. Không chỉ bán rẻ cho công nhân của mình hơn giá thị trường, tất cả tiền thu được bà Minh để dành hết làm từ thiện.
“Tôi thường nấu cơm, nấu cháo cho công nhân ăn. Tôi để cái rổ ngay ở đó, họ ăn xong thì tự bỏ tiền vào. Tiền đó, cuối năm tôi lại đem chia cho công nhân và đem làm từ thiện hết. Nhiều người thấy tôi làm vậy thì hỏi sao phải làm công việc cực nhọc vậy. Nhưng khi mình đam mê, mình làm cho họ ăn mà họ ăn ngon thì mình thích lắm”, bà Minh cười.
Coi công nhân như ruột thịt, quý mến công nhân như một tài sản vô giá, bà Minh đối đãi với họ bằng tấm lòng của một người mẹ. Bà chia sẻ, bà quý mến công nhân hơn cả con cái ruột thịt của mình nên ở tuổi 60 vẫn mong có thêm nhiều sức khỏe, tiếp tục lao động để giúp được thêm nhiều công nhân hơn nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín