Nữ giám đốc Microsoft: Phụ nữ thành công, không thể cân bằng công việc và gia đình
Không thể có chuyện vừa thành công trong công việc lại vừa chu toàn gia đình, Giám đốc khu vực Đông Nam Á phụ trách các vấn đề về tập đoàn, đối ngoại và pháp lý của Microsoft cho biết.
Trong buổi hội thảo “Phụ nữ với công nghệ” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng Intel Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác tổ chức, tiến sĩ Astrid S. Tuminez - Giám đốc khu vực Đông Nam Á phụ trách các vấn đề về tập đoàn, đối ngoại và pháp lý của Microsoft – cho rằng không thể có sự cân bằng giữa công việc và gia đình đối với một phụ nữ thành công.
Trả lời thắc mắc của một sinh viên về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, bà Astrid nói tiếp, không ai có thể có một cuộc sống hoàn hảo, do đó người phụ nữ thành công thực sự không thể chu toàn hết công việc gia đình trong khi vẫn tập trung phát triển sự nghiệp.
Nói trước khán giả là gần 30 nữ sinh viên đến từ các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, bà Astrid S. Tuminez nhấn mạnh việc phải loại bỏ cảm giác tội lỗi (guilt) để có thể thăng tiến trong công việc, do phụ nữ thường hay có cảm giác này khi không chu toàn được công việc gia đình.
Tuy nhiên, bà Astrid S. Tuminez cũng cho rằng bà may mắn sinh ra ở một nơi mà việc chăm sóc con cái được hỗ trợ tốt từ gia đình, do đó bà có thời gian hoàn thành tốt công việc. Nữ giám đốc của Microsoft - mẹ của 3 người con – cho rằng bà không thể trở nên hoàn hảo, nhưng việc bà đạt được những thành công nhất định như hiện nay là niềm tự hào của các con.
Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam - Ảnh: H.Đ
Hội thảo “Phụ nữ với công nghệ” được khai mạc sáng 11/1, kéo dài trong hai ngày, dành cho các nữ sinh viên ưu tú đại diện cho các nước vùng hạ lưu sông Mê Kông, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. Buổi hội thảo sẽ có những chia sẻ của các nữ giám đốc, nữ chuyên gia đến từ các tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, Cisco… về các khó khăn và cách họ vượt qua trong vai trò là lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp công nghệ. Sau đó, sẽ có các chương trình huấn luyện trong hai ngày, nhằm đào tạo cho các nữ sinh khả năng làm việc và lãnh đạo trong môi trường công việc.
Trước đó, phát biểu mở màn hội thảo, bà Sherry Boger – Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam – cho biết hế giới đang rất cần lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật và sáng tạo, nhằm đối phó với hàng loạt thách thức đang tạo ra. Trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông, các nước như Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar - nơi nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc xây dựng một lực lượng lao động kỹ thuật mạnh mẽ và đa dạng - lại có tỷ lệ lao động nữ rất thấp. Điều này cho thấy khả năng của lao động nữ đang không được đánh giá đúng mực.
Bà Sherry cho biết Intel đã dành mỗi năm 100 triệu USD đầu tư vào giáo dục, với nhiều dự án khác nhau bao gồm các dự án nhằm phát triển cân bằng lực lượng lao động cũng như đẩy mạnh giáo dục nữ giới. Ở Tập đoàn Intel, có 67 chủ tịch và phó chủ tịch là nữ, 17,7% lực lượng lãnh đạo trên toàn cầu là nữ. Riêng tại Intel Products Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ chiếm đến 37%. Bà Sherry khuyên giới nữ nên tự tin vào khả năng của mình, đồng thời kêu gọi mọi người đầu tư cho phụ nữ.
Bà Rena Bitter – Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, trong bài phát biểu sau đó cũng nói rằng nữ giới đang đứng trước cơ hội quan trọng ở thời điểm này, do là nhân tố đặc biệt (unique) trong môi trường làm việc về công nghệ vốn chủ yếu là đàn ông. Thêm vào đó, phụ nữ lại chiếm một nửa của thế giới, nên lực lượng lao động là đồng đều so với phái nam.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4