Nuôi thành công bào thai cừu trong túi dịch, trẻ em có thể phát triển bên ngoài cơ thể mẹ trong vòng 3-5 năm nữa
Toàn bộ môi trường tử cung thật được sao chép đầy đủ bên trong túi dịch này.
Đoạn video ngắn mà bạn sẽ xem dưới đây là một đoạn video hoàn toàn có thật: Một con cừu non đang lơ lửng và cựa quậy bên trong một túi nhựa. Con cừu chưa phát triển đủ để chào đời, và được nuôi bên trong chất dịch lỏng. Theo lẽ tự nhiên thì nó phải còn trong tử cung một con cừu mẹ.
Bất kể ai xem xong video này đều tưởng tượng ra kịch bản tương tự cho một đứa bé, một con người sẽ được tạo ra và sống bên ngoài cơ thể người mẹ. Theo lời các nhà khoa học thì đó không còn là tương lai viễn tưởng. Chỉ trong vòng 3 đến 5 năm nữa, họ sẽ hoàn thành một “tử cung nhân tạo” thế này, nhưng là cho con người.
Các nhà khoa học chế tạo thành công một tử cung nhân tạo dành cho cừu
Hệ thống được gọi là tử cung nhân tạo này không giống như những lồng kính cho trẻ sơ sinh hiện tại. Nó là một bước tiến đột phá, khi các nhà khoa học cố gắng sao chép đầy đủ các điều kiện như bên trong một tử cung thật.
Một em bé được sống trong một môi trường dịch lỏng, tương tự như nước ối của người mẹ. Nó cũng cho đứa trẻ được hô hấp và hít thở qua dây rốn.
Điều này khác với một lồng ấp kính hiện nay, khi trẻ sơ sinh phải tự thở bằng hai lá phổi bé bỏng, nhiều khi còn chưa phát triển đủ trong trường hợp sinh non.
Những đứa trẻ thở bằng phổi thường mắc bệnh hô hấp, và đó cũng là một lý do thường xuyên dẫn đến tử vong cho trẻ sơ sinh sống trong lồng kính. Môi trường dịch lỏng của tử cung nhân tạo cũng giúp cho trẻ được giữ vô trùng tốt hơn.
Cuối cùng, mục đích mà chúng ta nhận ra ở đây là gì?
Các nhà khoa học không hề muốn chấm dứt việc phụ nữ mang thai tự nhiên trên cơ thể. Và họ cũng không muốn mở ra một tương lai gây tranh cãi về đạo đức, với cả một thế hệ trẻ nhân bản như trong phim viễn tưởng.
Những tử cung nhân tạo này nhằm cung cấp một môi trường an toàn hơn cho những đứa trẻ không may bị sinh non. Hiện tại thì những đứa bé chỉ có lựa chọn duy nhất là sống trong một lồng ấp kính. Trẻ sinh non được cung cấp thực phẩm qua ống nhựa, thuốc men qua đường truyền tĩnh mạch và thở không khí trong lồng ấp bằng phổi.
Với một lồng ấp kính thông thường ấy, chỉ một nửa số em bé sinh trước 24 tuần tuổi có khả năng sống tới khi sẵn sàng “chào đời” một lần nữa. Những đứa trẻ may mắn sống sót cũng gặp nhiều biến chứng tai hại. Có tới 90% sẽ giữ lại di chứng như bệnh phổi mạn tính khi sinh ra với cơ thể chưa hoàn thiện.
Bây giờ, với một tử cung nhân tạo, các con số mang tính may rủi như 50%, 90% trên có thể được cải thiện đáng kể.
“Hệ thống [tử cung nhân tạo] của chúng tôi có thể ngăn ngừa những bệnh nặng nguy hiểm mà trẻ sinh non phải đối mặt. Đây là một công nghệ y tế chưa có mặt ở thời điểm hiện tại”, Tiến sĩ Alan Flake, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bào thai tại Viện nhi Philadelphia cho biết.
“Những em bé sinh non hiện nay rất cần một thiết bị, có vai trò trung gian giữa tử cung của người mẹ và thế giới bên ngoài. Nếu có thể phát triển một hệ thống tử cung nhân tạo, giúp hỗ trợ các bé sinh trưởng trong vài tuần nữa để hoàn thiện nốt các cơ quan, chúng ta có thể cải thiện đáng kể tương lai cho trẻ sinh quá sớm”.
Trẻ sinh non hiện tại được nuôi trong lồng ấp, với một tỷ lệ sống thấp
Thực ra, các tử cung nhân tạo đã được phát triển từ cách đây 3 năm. Mới đầu, các nhà khoa học có ý tưởng làm ra những chiếc lồng kính. Nhưng phát triển đến hiện tại, phiên bản mới nhất là một chiếc túi làm từ vật liệu sinh học.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm chiếc túi này với 6 con cừu sinh non. Kết quả mới được đăng tải trên tạp chí Nature Communications. Những con cừu sống trong tử cung nhân tạo có thể “thở”, nuốt và cử động bình thường. Chúng cũng mở mắt, mọc lông, phát triển hệ thần kinh và hoàn thiện các cơ quan nội tạng.
Trong thử nghiệm, các con cừu này được sống trong tử cung nhân tạo suốt 1 tháng. Sau đó, các nhà khoa học sử dụng biện pháp nhân đạo gây tử vong có chủ ý cho một số con cừu. Họ làm vậy để thu thập lại mẫu não bộ, phổi và các cơ quan khác phục vụ phân tích khoa học.
Một số ít cừu tiếp tục được “sinh ra” và sống. Chúng được bú bình và một trong số đó đã sống qua 1 năm tuổi. Tiến sĩ Flake cho biết: “Chúng phát triển bình thường trên mọi khía cạnh”.
Một tử cung nhân tạo như thế này được tiến sĩ Flake gọi là công nghệ độc nhất vô nhị. Chưa từng có một công nghệ nào thay thế được tử cung người mẹ trong giai đoạn sớm đến vậy của thai kỳ. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn sống tuyệt vời cho những đứa trẻ dưới 23 tuần tuổi.
Và như thường lệ, công nghệ khiến cho các vấn đề pháp lý phải được thay đổi. Tại một số nước, nạo phá thai chỉ được pháp luật cho phép thực hiện, khi đứa bé chưa chạm đến mốc 50% cơ hội sống ngoài tử cung.
Hiện nay, điểm mốc thường được xác định là 24 tuần tuổi. Nhưng với sự xuất hiện của tử cung nhân tạo cho con người trong tương lai, cơ hội sống của trẻ sinh non được cải thiện. Nghĩa giới hạn cho phép phá thai cũng phải được rút ngắn lại.
Tử cung nhân tạo sẽ được thử nghiệm thêm 2 năm trên động vật, sau đó sẽ đến lượt con người
Tiến sĩ Flake cho biết giai đoạn nghiên cứu tử cung nhân tạo trên động vật sẽ được hoàn thành trong vòng 2 năm. Nếu được chấp thuận, thử nghiệm trên người sẽ được thực hiện trong vòng 3-5 năm tới.
Có một sự khác biệt đáng kể giữa thai kỳ ở con người và động vật như cừu. Đối với một con cừu, cơ thể chúng phát triển nhanh hơn và chỉ mất 5 tháng để các cơ quan hoàn thiện. Trong khi đó, thời gian ở con người là khoảng 8-9 tháng. Ngoài ra, trong so sánh tương quan kích thước, cừu non thường lớn gấp 3 trẻ sơ sinh.
Mặc dù vậy, nghiên cứu thành công tử cung nhân tạo trên cừu đã là một bước tiến rất quan trọng. Neil Marlow, một giáo sư y học tại University of College London cho biết: “Đây là một công nghệ thực sự của tương lai”.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều thách thức phải vượt qua nếu muốn áp dụng được kỹ thuật này trên người, các tác giả nghiên cứu tin rằng khoảng thời gian từ 3-5 năm là đủ để họ giải quyết những vấn đề đó.
Tham khảo Dailymail, ScienceAlert, Theatlantic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời