Nút Back trên Android cần phải chết: Apple đã chứng minh, và Google đã công nhận
Bất kỳ một người dùng iOS nào cũng đều hiểu rằng một trải nghiệm di động tốt không cần có nút Back. Với Android Pie, Google đã chính thức công nhận rằng tương lai của nút bấm này là... trong sọt rác.
Người dùng smartphone của năm 2018 có lẽ sẽ rất khó có thể hiểu được cú sốc lớn mà iPhone đã tạo ra. Trong thời đại của những chiếc điện thoại không thể loại bỏ bàn phím, Steve Jobs đã loại bỏ gần hết các nút bấm để tạo ra trải nghiệm có trọng tâm là cảm ứng. Các đối thủ của Apple, hoặc vụng về chống chế rằng người dùng cần có bàn phím, hoặc chưa dám đặt cược và tìm cách dung hòa giữa quá khứ và hiện tại.
Google thuộc vào nhóm thứ 2. Trước khi Steve Jobs công bố iPhone, Google đã đang tự phát triển chiếc Android đầu tiên với bàn phím QWERTY theo kiểu BlackBerry. Chính iPhone đã buộc Google phải nghĩ lại, và vì chưa dám dũng cảm loại bỏ hoàn toàn bàn phím, HTC Dream đã ra mắt cả với màn hình cảm ứng bên trên và bàn phím trượt phía dưới.
Cú sốc thứ hai
Không có nút Home (hay nút Back) nhưng vẫn bán ra 60 triệu máy ở mức giá nghìn đô.
10 năm kỷ niệm iPhone, Apple lại đem đến cho Google một cú sốc nữa. Khi nhiệm vụ bảo mật được chuyển giao cho bộ camera 3D và thuật toán AI, Apple thẳng tay loại bỏ nút Home. Trải nghiệm iOS vốn đã ít nút, nay lại càng ít hơn.
Có lần 1 thì sẽ có lần thứ 2. Tháng 6/2018, tại sự kiện phần mềm lớn nhất trong năm, Google vén màn Android P với một tính năng rất đặc biệt: cơ chế điều hướng gần như giống hệt iPhone X. Trải nghiệm Android kể từ nay không nên có thanh điều hướng nữa, bởi các nhà sản xuất Android cũng cần đua "toàn màn hình" với Apple.
Tháng 10, Pixel 3 ra mắt. Cơ chế 3 nút bấm quen thuộc từng được Google ra mắt trên Ice Cream Sandwich vào năm 2011 bị "ẩn" đi dưới nhiều lớp cài đặt. Theo mặc định, Pixel 3 sử dụng cơ chế điều hướng cảm ứng mới của... Apple. Nói về trải nghiệm mới, nhà thiết kế trưởng của bộ phận UX tại hãng này, EK Chung còn tự hào khoe: "Người dùng tham gia thử nghiệm rất thích tính năng kéo chuyển giữa các ứng dụng ở khu vực cử chỉ. Họ nghĩ rằng đó là một tính năng siêu tiện dụng, siêu nhanh, dễ sử dụng và mạnh mẽ...".
Android P và iOS trên iPhone X khác nhau ra sao?
Tất cả những lời khen này có thể coi là lời khen cho... Apple. Bởi Apple mới là tác giả thực sự của cơ chế chuyển ứng dụng siêu tiện, siêu nhanh nói trên.
iPhone có "nút Back"
Trải nghiệm của Apple thậm chí còn hơn hẳn Android vì loại bỏ được cả nút Home lẫn nút Back: dùng các ngón tay một cách tự nhiên, người dùng không cần phải nhìn xuống dưới màn hình và tìm một nút bấm với công năng y hệt như một nút bấm khác ở... phía trên màn hình.
Sự ngớ ngẩn đó không tồn tại trên iOS. Hãy hỏi một người dùng iOS bất kỳ và họ sẽ nói với bạn rằng nút Back lẽ ra đã không nên tồn tại trên Android ngay từ đầu. Bởi iOS không có nút Back, và trong suốt nhiều năm qua, người dùng iOS đã sống tốt mà không cần nút Back "luôn luôn hiện diện" theo kiểu Android. Nhiệm vụ tạo ra tính năng "trở lại" sẽ do nhà phát triển ứng dụng cung cấp: màn hình nào cần, nút đặt ở đâu, đưa về màn hình nào... đều do nhà phát triển quyết định.
"Back" ở đâu là do nhà phát triển tự quyết, chứ không phải bị phần cứng/hệ điều hành áp đặt.
Bởi không phải màn hình nào cũng có thể "Back" được. Ví dụ, đang trên màn hình News Feed rồi, nhấn nút Back sẽ đưa bạn về đâu? Đang ở trang web đầu tiên mở trong tab Safari, nút Back sẽ đưa bạn "trở lại" thứ gì?
Tư duy vượt trội
Chính bằng cách này, Apple thể hiện tư duy thiết kế UX/UI chuẩn mực hơn Google. Trên phần lớn các thiết bị Android, nút Back vẫn luôn luôn hiện diện. Trong rất nhiều tình huống, người dùng Android được cung cấp một nút bấm vô nghĩa, chiếm một phần diện tích dưới màn hình.
Nhưng, một lần nữa, trên màn hình News Feed, chạm tay xuống phía dưới màn hình Android và nhấn vào nút Back sẽ đưa người dùng đi đâu???
Vẫn cứ là vấn đề chiếm diện tích vô nghĩa và trải nghiệm có phần áp đặt.
Sự tồn tại của nút Back bởi thế trở thành một trở ngại trong cuộc đấu của Google và AppleChính bản thân EK Chung, quản lý bộ phận Pixel và trưởng thiết kế UX (trải nghiệm người dùng) tại Google đã phải thừa nhận: "Người dùng Android quen với các nút bấm điều hướng này, nhưng những người mới dùng Android thì cảm thấy chúng gây rối".
Nếu đã không hợp lý, làm sao người ta có thể bỏ iOS chuyển sang Android?
Đẩy dần vào quá khứ
Rõ ràng là để hút thêm iFan, Google sẽ lại phải "học hỏi" Apple lần thứ 3: bỏ nốt nút Back và nút Home. Nhưng đáng tiếc rằng cách hiểu đi chậm... 7 năm sẽ mang đến nhiều vấn đề: nhiều người dùng Android sẽ bị rối khi không còn nút Back. Cứ cho rằng Google bỏ nút Back thật, nhiều nhà phát triển sẽ... lười biếng không chịu cập nhật ứng dụng cho phù hợp với trải nghiệm mới. Chưa kể, một hệ điều hành phân mảnh liệu có thể thực hiện một bước chuyển mang tính bước ngoặt như vậy được không?
Sẽ luôn có hàng chục triệu smartphone Android bị kẹt lại với phiên bản cũ.
Kết quả là Google không dám loại bỏ thanh điều hướng cũ. Trên Android Pie, thanh điều hướng ấy được điều chỉnh để xuất hiện khi.. ứng dụng cần Back. Tức là, thay vì chỉ cần 1 nút bấm do nhà phát triển ứng dụng tự kiểm soát, Google nay lần cần cung cấp cơ chế để thanh điều hướng xuất hiện bất chợt và chiếm chỗ trên màn hình một cách... không cần thiết.
Tốn công sức để tạo ra một trải nghiệm chẳng tối ưu, các nhà thiết kế UI của Google giờ này có lẽ đang hối tiếc: nếu Google học hỏi sát sao hơn trải nghiệm iOS của 7 năm trước và không tạo ra nút Back ngay từ đầu, giờ này mọi người dùng Android đều đã được tận hưởng cơ chế điều hướng siêu tiện, siêu nhanh giống như.. iPhone.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4