Ông Trần Kinh Doanh lý giải nguyên nhân Trần Anh lỗ nặng sau khi Thế giới Di động tiếp quản

    Mai Linh, Trí Thức Trẻ 

    "Điều đó rõ ràng là mất mát và chúng tôi phải rút kinh nghiệm. Mình làm gì thì làm với nhau nhưng khách hàng phải được phục vụ tốt, phục vụ chu đáo" – Tổng giám đốc của Thế giới Di động chia sẻ.

    Tháng 8/2017, thông tin CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) quyết định mua lại đối thủ trong ngành điện máy là CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG) cuối cùng cũng được công bố sau một thời gian đồn đoán. Đây có lẽ là thương vụ M&A gây chú ý nhất thời gian này khi bên mua là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam, vốn nổi tiếng với tham vọng rất lớn, còn bên bị thâu tóm là doanh nghiệp điện máy từng chiếm thị phần lớn nhất tại miền Bắc.

    Ông Trần Kinh Doanh lý giải nguyên nhân Trần Anh lỗ nặng sau khi Thế giới Di động tiếp quản - Ảnh 1.

    Vào tháng 9, đại diện của Thế giới di động đã bắt đầu tiếp quản Trần Anh. Và ngay sau đó, khi công bố báo cáo tài chính quý 3/2017 (quý 2 theo niên độ tài chính của Trần Anh - do công ty bắt đầu năm tài chính từ 1/4 và kết thúc vào 31/3 năm sau), Trần Anh báo lỗ 7,5 tỷ đồng mặc dù trước đó luôn có lãi.

    Tiếp tục, báo cáo tài chính quý 4/2017 (quý 3 theo niên độ tài chính của Trần Anh) vừa công bố cho biết doanh nghiệp lỗ sau thuế tới 44 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là doanh thu quý vừa qua chỉ đạt 645 tỷ đồng, bằng 2/3 so với cùng kỳ năm 2016.

    Trả lời về vấn đề trên, ông Trần Kinh Doanh – Tổng Giám đốc của Thế giới di động vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của Trần Anh cho biết, thực tế mọi quy trình vận hành của Trần Anh vẫn được giữ nguyên và nhân sự của Thế giới di động "chưa làm gì" với Trần Anh cho đến khi mọi thủ tục của thương vụ M&A này hoàn tất vào đầu tháng 1/2018.

    Một nguyên nhân khiến cho doanh thu quý 4/2017 của Trần Anh sụt giảm so với cùng kỳ năm trước là do quý 4 năm 2017 khá xa Tết còn quý 4/2016 rất gần tết. Thời gian cận Tết nguyên đán là lúc người tiêu dùng đi mua sắm hàng điện máy nhiều nhất và đẩy doanh thu của doanh nghiệp điện máy lên cao.

    Đó là yếu tố khách quan nhưng ông Trần Kinh Doanh phải thừa nhận một vấn đề, đó là trong quá trình chuyển giao của 2 doanh nghiệp, các siêu thị điện máy Trần Anh đã rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa một khoảng thời gian không ngắn.

    Cũng không khó hiểu khi lãnh đạo cũ của Trần Anh – trong vị trí là người đã bán đi doanh nghiệp - sẽ không còn quan tâm đến việc vận hành, từ khâu nhập hàng hóa để trưng bày bán hàng cho đến khâu quản lý và áp doanh số với nhân viên bán hàng. Điều này được nhiều khách hàng xác nhận khi đến mua tại Trần Anh trong giai đoạn này. Lượng hàng hóa trưng bày ít, nhân viên cho biết đang chờ ngày "thay logo" nên chỉ bán cầm chừng.

    Trong khi đó, Thế giới di động còn đang tập trung vào các thủ tục hành chính của thương vụ M&A này.

    "Điều đó rõ ràng là mất mát và chúng tôi phải rút kinh nghiệm. Mình làm gì thì làm với nhau nhưng khách hàng phải được phục vụ tốt, phục vụ chu đáo" – ông Trần Kinh Doanh chia sẻ.

    Trong một buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT của Thế giới di động từng cho biết, bài toán lớn nhất của công ty này sau vụ M&A là làm thế nào để "đồng nhất" Trần Anh.

    Ông Tài tiết lộ, công ty cam kết giữ lại 100% nhân viên ở khối siêu thị nhưng không đưa ra lời hứa nào với khối quản lý trở lên. Kết quả sau phỏng vấn thì 99,9% không giữ lại đội ngũ quản lý nhưng giữ lại 99,9% đội ngũ nhân viên, dù cũng bị hao hụt sau đó vì văn hoá khác biệt.

    Mặc dù đã có những động thái tiếp quản trong những tháng cuối của năm 2017 nhưng đến đầu tháng 1/2018, Thế giới Di động mới hoàn tất việc mua lại cổ phần chi phối đối với Trần Anh. Theo đó, kết quả kinh doanh của Trần Anh sẽ được hợp nhất vào Thế giới Di động từ quý 1/2018.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ