Có thể nói ngày 29/10 là ngày nhiều biến động của cộng đồng những người đam mê công nghệ nói chung. Ngay sau màn ra mắt có thể coi là tương đối thành công của Windows Phone 8, thì chỉ vài tiếng sau, cả thế giới công nghệ lại được một phen rúng động và không khỏi bàng hoàng khi tin tức Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng iOS, Scott Forstall cùng trưởng bộ phận bán hàng John Browett sẽ
rời vị trí vào cuối năm nay.
Thêm vào đó, Apple dường như đã tạo ra một cuộc thay đổi nhân sự (không hẳn là thay máu) khi trưởng bộ phận thiết kế Jony Ive từ nay sẽ đảm trách cả nhiệm vụ thiết kế giao diện, và Eddy Cue, thành viên chịu trách nhiệm cửa hàng trực tuyến nay sẽ nhận nhiệm vụ phụ trách cả hai chức năng của iOS là Siri và Map. Trong khi đó, Craig Federghini, phó chủ tịch phụ trách phần mềm trên Mac sẽ đảm trách cả iOS lẫn OS X.
Vậy chưa bàn tới chuyện thôi việc của John Browett, lý do gì đã khiến một trong những “đại công thần” có những đóng góp hết sức to lớn cho Apple ngay từ những ngày đầu lại quyết định rũ áo ra đi như vậy? Phải chăng lý do chỉ là chuyện “từ chối” ký vào bức thư xin lỗi người sử dụng sau cú phốt của ứng dụng Apple Maps trên iOS 6, hay đằng sau đó còn là cả một câu chuyện “thâm cung bí sử” mà không phải fan Táo nào cũng biết?
“Đại công thần”
Ngay sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Forstall gia nhập NeXT, công ty được thành lập bởi chính đôi bàn tay của Steve Jobs. Đến năm 1996, Apple mua lại NeXT, và như vậy Jobs đã đưa cả ê kíp của mình, trong đó có Forstall trở về và tiếp tục theo đuổi những dự án, trong đó có Mac OS X. Có thể nói, Scott Forstall vào thời điểm này chính là một trong số những lập trình viên tạo nên cái khung cho hệ điều hành Mac OS X cũng như giao diện người dùng Aqua của hệ điều hành này, ra mắt lần đầu vào năm 2000.
Quay trở lại thời điểm đúng 1 năm về trước, hẳn các bạn độc giả vẫn còn nhớ cái đêm Tim Cook đăng đàn giới thiệu về chiếc điện thoại iPhone 4S, ngay trước khi Steve Jobs ra đi chỉ một ngày. Ngay sau sự kiện, cũng như về sau này, rất nhiều người công nhận Forstall chính là người đã truyền nhiều lửa nhất đến cả khán phòng, vốn đang một phần thất vọng vì sự hiện diện của Steve Jobs giờ chỉ còn là một chiếc ghế trống với dòng chữ “reserved” (tạm dịch đã có người ngồi).
Tân CEO của Apple vào lúc đó, cũng như Phil Schiller, “ông trùm” mảng Marketing, người chịu trách nhiệm “kéo rèm” giới thiệu iPhone 4S, Eddy Cue, trưởng bộ phận ứng dụng mạng và dịch vụ đều không mảy may đề cập tới tượng đài vừa rời nhiệm sở không lâu. Thế nhưng, ở một chừng mực nhất định, nhiều người sau khi nhìn Scott đã liên tưởng đến Steve, cả ở tác phong lẫn phong cách làm việc. Nhận định này hoàn toàn không hề viển vông và vô căn cứ.
'Phù thủy tập sự'
Ngay từ trước sự ra đi bất ngờ của Steve Jobs rất lâu, nhiều người đã nhận thấy tiềm năng của Forstall trong việc lèo lái con tàu Apple sau khi Steve Jobs rời vị trí. Thậm chí người ta còn gọi Scott Forstall bằng biệt danh “The Sorcerer’s Apprentice” (tạm dịch Phù thủy tập sự), tất cả là nhờ những cá tính được cho là khá khắc nghiệt của Forstall, không khác biệt so với Jobs là mấy: Khó tính, cương quyết và yêu cầu cực cao trong công việc. Không chỉ có vậy, những yếu tố mỹ thuật cũng được Scott hết sức chú trọng.
Rất nhiều người cho rằng Scott Forstall sẽ trở thành CEO Apple trong tương lai, trở thành bản sao hoàn hảo của Steve Jobs, thứ đặc biệt cần thiết để điều khiển một Apple đã trở thành một “giáo phái công nghệ” theo nghĩa đen với hàng trăm triệu tín đồ, tất cả đều nhờ một tay Steve Jobs cùng cộng sự gây dựng nên.
Thế nhưng, thật không may, chính cái bản ngã đầy cá tính ấy lại khiến Scott Forstall phải rời vị trí của mình, đơn giản vì cách anh muốn công việc được hoàn thành không hề giống với cách mà Tim Cook cùng phần còn lại của Apple muốn.
Với quyết tâm “nói không” với những sản phẩm của Google, Apple đã quyết định tạo ra ứng dụng bản đồ thông qua dữ liệu riêng của mình và đưa nó lên iOS6. Và kết quả thì ai cũng đã biết, ứng dụng bản đồ của Apple đầy rẫy những lỗi vừa kỳ dị vừa nực cười. Không hứng chịu được sóng gió dư luận, Tim Cook đã phải tung ra một bức thư xin lỗi người sử dụng vì ứng dụng quá đỗi nghèo nàn của mình. Với cá tính của Forstall, có lẽ thật dễ hiểu khi ông ngay lập tức từ chối ký tên vào bức thư kể trên. Thay vào đó, Forstall muốn giải quyết sự việc này giống như cách mà trước đây Steve Jobs đã làm để vụ tai tiếng mất sóng trên iPhone 4 “chìm xuồng” không một dấu vết.
Lá thư? Chỉ là giọt nước làm tràn ly
Tuy nhiên sẽ là khá khó hiểu nếu như lý do Forstall rời ghế phó chủ tịch chỉ vì bức thư cỏn con kia. Trong quá khứ, Scott Forstall đã khiến không ít lãnh đạo đồng cấp ‘ghét’ vì sự khó tính quá mức và hay đổ lỗi cho đồng nghiệp, theo một số nguồn tin cho biết. Không chỉ có vậy, ngay cả giao diện người dùng của iOS cũng đã dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Forstall với Jony Ive, đến mức cả hai người này không chịu nhìn mặt nhau, không chịu ngồi chung phòng họp. Trong khi Forstall theo đuổi tư duy thiết kế giao diện theo hướng mô phỏng những công cụ ngoài đời thực (skeuomorphic design), thì Ive lại cương quyết phản đối hướng khai thác này.
Bỏ qua những phương án chưa có câu trả lời thỏa đáng, có lẽ chúng ta cũng nên bàn luận chút xíu về tương lai của cả Apple lẫn Forstall sau sự ra đi này. Sau cú phốt Apple Map trên iOS 6, Apple với mô hình DRI (Trách nhiệm cá nhân trực tiếp) cần có người chịu trách nhiệm chính, ở đây chính là Scott. Về phần Scott, vào cuối tháng 4 vừa rồi, anh vừa bán ra khoảng 38 triệu USD cổ phần của mình, vì thế sau khi Scott rời nhiệm sở vào đầu năm sau, chắc hẳn Scott sẽ vẫn “sống khỏe” trước khi theo đuổi dự án mới của mình, nếu không có gì thay đổi.