Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán

    Bình Minh,  

    Sẽ chẳng ai mua Oppo Find X khi giá của nó lên đến 999 EUR. Vậy Oppo bán ra chiếc máy này nhằm mục đích gì?

    Oppo Find X vừa ra mắt là một chiếc máy rất độc đáo với hệ thống camera có thể thò thụt. Nhờ thiết kế này, Find X sở hữu thiết kế mặt trước gần như chiếm trọn bởi màn hình, đặc biệt là không có tai thỏ.

    Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán - Ảnh 1.

    Oppo Find X

    Đẹp và quyến rũ như vậy, tuy nhiên Oppo Find X nhiều khả năng sẽ trở thành “bom xịt”. Oppo cho biết Find X sẽ được bán tại châu Âu, cũng là chiếc máy đầu tiên của hãng này tại đây, với giá 999 EUR (26.3 triệu đồng). Mức giá này khiến cho Oppo Find X đắt ngang iPhone X, nhưng rõ ràng là để thuyết phục người dùng châu Âu bỏ số tiền lớn cho một chiếc máy đến từ thương hiệu Trung Quốc lạ lẫm sẽ khó hơn rất nhiều.

    Nhiều người cho rằng Oppo đang "ảo tưởng" khi đặt mức giá này. Nhưng liệu Oppo - một hãng smartphone thuộc top 5 thế giới, lại có thể đưa ra một quyết định thiếu sáng suốt đến vậy? Không đâu, Oppo có ý đồ của mình cả đấy.

    Sứ mệnh của dòng Find

    Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán. Nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên với nhận định này: một công ty tốn biết bao nhiêu chi phí để nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm, không bán thì để làm gì?

    Trả lời một cách ngắn gọn: Oppo đang muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình để tấn công thị trường Mỹ và châu Âu. Trong trường hợp bạn chưa biết, Oppo đã chính thức xác nhận sẽ gia nhập hai thị trường này trong thời gian tới. Và, Find X đóng một vai trò rất quan trọng trong kế hoạch của Oppo.

    Để hiểu điều này rõ hơn, hãy quay về thời điểm cuối năm 2012 khi hãng ra mắt chiếc Find 5. Lúc này, Oppo mới "chân ướt chân ráo" bước vào lĩnh vực smartphone. Find 5 là một trong số những smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu màn hình Full HD và có cấu hình rất mạnh. Tháng 3/2014, Oppo tiếp tục tung ra chiếc Find 7 với màn hình 2K đầu tiên, khả năng chụp ảnh độ phân giải cao lên đến 50MP và đặc biệt là công nghệ sạc nhanh VOOC.

    Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán - Ảnh 2.

    Oppo Find 7 sở hữu màn hình 2K, công nghệ sạc nhanh VOOC và chụp ảnh 50MP - ba công nghệ rất đột phá thời điểm năm 2014

    Cũng như Find 5, chiếc Find 7 tiếp tục thu hút được rất nhiều sự chú ý nhờ những công nghệ sáng tạo của nó. Dẫu vậy, xét cho cùng, các sản phẩm cao cấp của Oppo cũng đắt ngang các ông lớn như Samsung và Apple và khiến cho người dùng khó có thể tiếp cận. 

    Nhưng, Oppo đâu chỉ có riêng dòng Find, hãng còn rất nhiều sản phẩm giá rẻ hơn cơ mà? Find 5 và Find 7 có thể bán không chạy, nhưng chúng đã hoàn thành nhiệm vụ của Oppo trong việc gây ấn tượng với người dùng và từ đó khuyến khích họ đến với các sản phẩm bình dân khác.

    Find X: Công cụ của Oppo để mở rộng thị trường

    Và, Find X được ra đời để tiếp tục sứ mệnh của dòng Find. Nếu như Find 5 và Find 7 đã giúp Oppo chinh phục thị trường châu Á, thì nay Find X sẽ là "phát súng" đầu tiên của hãng smartphone Trung Quốc tại châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà Oppo lại lựa chọn Bảo tàng Louvre ở Pháp - một kiệt tác trong kiến trúc và cũng là nơi lưu giữ hàng chục ngàn những tác phẩm nghệ thuật vô giá - để giới thiệu Find X.

    Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán - Ảnh 3.

    Oppo Find X được giới thiệu tại Bảo tàng Louvre tại Pháp, cũng là một biểu tượng về nghệ thuật

    Cũng như Find 5 và Find 7, tôi cá rằng Oppo chẳng kỳ vọng nhiều về doanh số của Find X (thế nên hãng mới "dũng cảm" đặt cho nó cái giá 999 EUR). Điều quan trọng là qua những phương tiện thông tin đại chúng, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ đã biết Oppo là ai: một công ty với những ý tưởng độc đáo, mới lạ và có đẳng cấp chẳng kém gì Apple khi dám đặt giá sản phẩm ngang bằng với iPhone X. 

    Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán - Ảnh 4.

    Oppo chẳng hề lo ngại nếu Find X "ế" với giá 999 EUR

    Find X sẽ không phải con át chủ bài về mặt doanh số, mà là về mặt truyền thông. Sau khi tầm ảnh hưởng của Find X đã lan toả đủ rộng, thương hiệu Oppo đã có chỗ đứng, hãng mới bắt đầu tập trung kinh doanh thông qua những mẫu máy với giá rẻ hơn. Đây là chiến lược tương tự đã giúp Oppo thành công tại châu Á.

    Trên thực tế, đây không phải tham vọng của riêng Oppo, mà còn là của Vivo - người anh em "cùng một mẹ" BBK Electronics. Chiếc Vivo NEX với cảm biến vân tay trong màn hình và lối thiết kế camera "thò thụt" tương tự như Find X, cũng đang nhận được sự quan tâm của giới truyền thông phương Tây hơn bất kỳ sản phẩm Vivo nào trước đây. 

    Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán - Ảnh 5.

    Vivo NEX

    Quan trọng hơn, Vivo đã bỏ đến gần 450 triệu USD để làm nhà tài trợ cho World Cup 2018. Đổi lại, banner quảng cáo của Vivo sẽ xuất hiện trong mọi trận đấu, cũng như các tài liệu quảng cáo trong lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh này. Và World Cup năm nay diễn ra ở đâu? Nga, cũng là một đất nước thuộc châu Âu. 

    Oppo Find X là chiếc máy sinh ra không phải để bán - Ảnh 6.

    Vivo là một trong những nhà tài chợ chính tại World Cup 2018

    Sau World Cup 2018, cho dù bạn có là ai, quan tâm đến bóng đá nhiều hay không thì bạn cũng sẽ biết đến Vivo, đặc biệt là nếu bạn sống tại châu Âu - nơi mà mọi nẻo đường đều có sự hiện diện của logo Vivo trên các phương tiện quảng cáo.

    Quảng cáo Vivo trong dịp World Cup 2018

    Với chiến dịch rầm rộ lần này, Oppo, Vivo đã chính thức cùng OnePlus giúp BBK Electronics đặt chân đến nửa bán cầu còn lại của thế giới.

    Đôi khi, một sản phẩm sinh ra không phải để bán

    Đối với các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc như Oppo và Vivo, xây dựng hình ảnh thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt là tại các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Trong tâm trí nhiều người, các sản phẩm Trung Quốc có chất lượng kém và thường ăn cắp ý tưởng của thương hiệu lớn. 

    Oppo Find X và Vivo NEX mang theo sứ mệnh thay đổi suy nghĩ này của người dùng. Với một thiết kế và công nghệ đột phá chẳng giống ai, một mức giá ngang bằng với những chiếc smartphone sừng sỏ nhất trên thị trường, sẽ chẳng ai dám dè bỉu, chê bai hai thương hiệu này nữa. Đương nhiên, để có thể bỏ tiền túi của mình để sở hữu chúng lại yêu cầu một sự "can đảm" lớn hơn rất nhiều, và có lẽ cũng chẳng mấy người dám làm vậy.

    Dù sao qua bài viết này, hy vọng các bạn đã hiểu phần nào về chiến lược sản phẩm của một số công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực smartphone. Nếu như chúng ta có những cái tên như Xiaomi với hàng loạt sản phẩm với giá rẻ như cho, thì chúng ta cũng sẽ có những Oppo hay Vivo với những sản phẩm đắt đến nỗi tưởng chừng như sẽ chẳng ai mua, nhưng vẫn đạt được một số mục tiêu nhất định mà công ty đó đang ngắm đến. Thương trường là chiến trường và ai cũng có chiến lược của riêng mình, chỉ là chúng ta có hiểu được nó hay không mà thôi.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ