Oppo Reno dùng hoàn toàn Snapdragon: khi sự hụt hơi của MediaTek đẩy đối tác vào tay đối thủ Qualcomm

    Nguyễn Hải,  

    Từng là một đối tác ưa chuộng sử dụng bộ xử lý MediaTek, bộ đôi mới ra mắt của Oppo đều sử dụng Snapdragon của Qualcomm.

    Không lâu sau khi được trình làng trên thị trường quốc tế, hôm qua chiếc smartphone "vây cá mập" Oppo Reno đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam. Cùng với việc mang các tính năng cao cấp đến tay người dùng, bộ đôi Oppo Reno đã giáng một đòn đau đớn vào đối tác lâu năm của họ, nhà thiết kế chip MediaTek.

    Là một sản phẩm hướng đến phân khúc cao cấp, bộ đôi Oppo Reno mang trên hàng loạt tính năng độc đáo như thiết kế camera trước dạng vây cá mập để mang lại cho người dùng màn hình trọn vẹn không khiếm khuyết, cùng tính năng sạc nhanh VOOC. Hơn nữa, phiên bản đặc biệt của thiết bị này còn trang bị hệ thống camera zoom 10x với màn hình lớn đến 6,6 inch.

    Oppo Reno dùng hoàn toàn Snapdragon: khi sự hụt hơi của MediaTek đẩy đối tác vào tay đối thủ Qualcomm - Ảnh 1.

    Nhưng Oppo cũng hiểu rằng, đối với một sản phẩm cao cấp, những tính năng hấp dẫn kể trên là chưa đủ, nó còn cần phải có sức mạnh toàn diện với các tác vụ hàng ngày của người dùng. Và điều đáng nói là cả hai phiên bản Oppo Reno mới ra mắt đều sử dụng các bộ xử lý của Qualcomm. Trong khi phiên bản tiêu chuẩn sử dụng Snapdragon 710, phiên bản zoom 10x còn sử dụng bộ xử lý cao cấp nhất hiện nay của Qualcomm, Snapdragon 855.

    Thiếu hụt bộ xử lý cao cấp

    Đây đích thực là một cú đánh đau đớn giáng vào MediaTek khi trước đó, Oppo vẫn là nhà sản xuất trang bị nhiều bộ xử lý của MediaTek. Các smartphone tầm trung của Oppo trước đây như Oppo F11, Oppo F9 và Oppo F7 đều sử dụng các bộ xử lý Helio P70 và Helio P60 của MediaTek.

    Oppo Reno dùng hoàn toàn Snapdragon: khi sự hụt hơi của MediaTek đẩy đối tác vào tay đối thủ Qualcomm - Ảnh 2.

    Màn hình Oppo Reno không khiếm khuyết nhờ camera được giấu kín sau màn hình.

    Tuy nhiên, việc Oppo Reno phiên bản zoom 10x sử dụng Snapdragon 855 là điều hoàn toàn dễ hiểu, khi đây là sản phẩm cao cấp nhất của Oppo trong thời điểm hiện tại và nó được tạo ra với kỳ vọng mang tới các tính năng độc đáo nhất của mình tới người dùng. Vì vậy, chắc chắn họ sẽ muốn trang bị một bộ xử lý flagship với hiệu năng toàn diện trên thiết bị.

    Trong khi đó, các bộ xử lý của MediaTek không chỉ không được đánh giá cao về mặt hiệu năng và tính năng so với các bộ xử lý cùng phân khúc của Qualcomm, mà hiện tại nhà thiết kế chip giá rẻ này cũng không có trong tay chipset cao cấp nào có thể so sánh với Snapdragon 855.

    Điều tương tự cũng đến vào năm ngoái, khi chiếc flagship của Oppo trong năm 2018, Oppo Find X ra mắt. Là sản phẩm tiên phong của Oppo cho việc tiến vào phân khúc cao cấp, ngoài việc được trang bị hệ thống camera trượt giấu sau màn hình để mang lại trải nghiệm màn hình tràn viền hoàn hảo và khả năng sạc tốc độ cao, Find X còn sử dụng bộ xử lý Snapdragon 845, chipset SoC mạnh mẽ nhất thế giới Android vào thời điểm đó.

    Oppo Reno dùng hoàn toàn Snapdragon: khi sự hụt hơi của MediaTek đẩy đối tác vào tay đối thủ Qualcomm - Ảnh 3.

    Oppo Reno phiên bản zoom 10x với hệ thống ống kính tiềm vọng.

    Thua kém ở phân khúc tầm trung

    Đánh mất phân khúc cao cấp là điều dễ hiểu với MediaTek hiện nay, nhưng việc Oppo sử dụng Snapdragon 710 cho chiếc Reno phiên bản tiêu chuẩn mới là cú đánh đau đớn nhất.

    Sản xuất bộ xử lý giá rẻ dành cho các thiết bị tầm trung và phổ thông vẫn là một thị trường mà MediaTek cảm thấy vừa sức. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bộ xử lý của họ tỏ ra có ưu thế ở thị trường này. Ngay cả khi được sản xuất trên tiến trình 12nm, các bộ xử lý Helio P60 và Helio P70 cũng không có được hiệu năng xử lý cũng như sức mạnh đồ họa vượt trội Snapdragon 660, dù đối thủ của họ được xây dựng dựa trên tiến trình 14nm cũ hơn.

    Oppo Reno dùng hoàn toàn Snapdragon: khi sự hụt hơi của MediaTek đẩy đối tác vào tay đối thủ Qualcomm - Ảnh 4.

    Thử nghiệm tốc độ phản hồi khi sử dụng Realme 2 Pro dùng Snapdragon 660.

    Hơn nữa ngay cả ở phân khúc này, ưu thế về giá của MediaTek cũng không còn nổi bật như trước. Điển hình là hai chiếc Realme 2 Pro (sử dụng Snapdragon 660) và Realme U1 (sử dụng Helio P70) đều của Oppo. Chỉ khác nhau về bộ xử lý và có cùng thông số cấu hình, nhưng giá của hai thiết bị này chênh lệch nhau không nhiều, cho thấy giá không còn là ưu thế của MediaTek nữa.

    Sự hụt hơi của MediaTek còn rõ rệt hơn khi Snapdragon 710 ra mắt. Nhờ vào tiến trình 10nm, Snapdragon 710 không chỉ mạnh mẽ hơn đối thủ và người tiền nhiệm 660, mà còn có nhiều tính năng hơn hẳn. Đáng chú ý nhất trong số đó là hỗ trợ chụp ảnh camera đơn với độ phân giải lên tới 192MP.

    Phải vài tháng sau khi Snapdragon 710 ra mắt, vào cuối năm ngoái MediaTek mới mang đến câu trả lời của họ, Helio P90 bộ xử lý 8 nhân vẫn sử dụng tiến trình 12nm, với hy vọng đối đầu ngang ngửa được với Snapdragon 710. Mặc dù vậy, cho đến nay, những thiết bị sử dụng bộ xử lý này vẫn chỉ dừng ở mức tin đồn, khi chưa có thiết bị nào chính thức ra mắt.

    Oppo Reno dùng hoàn toàn Snapdragon: khi sự hụt hơi của MediaTek đẩy đối tác vào tay đối thủ Qualcomm - Ảnh 5.

    Oppo R17 Pro, ra mắt gần như cùng thời điểm với việc MediaTek công bố về Helio P90.

    Chỉ vài ngày sau sự kiện MediaTek giới thiệu về Helio P90, Oppo cũng ra mắt một chiếc điện thoại cận cao cấp của mình, Oppo R17 Pro dùng Snapdragon 710 – một gáo nước lạnh dội vào MediaTek. Nhưng Oppo dường như không còn sự lựa chọn nào khác, năng lực của MediaTek đang không theo kịp tham vọng của Oppo nữa.

    Liên tục ra mắt các sản phẩm mới với những tính năng độc đáo và hấp dẫn, rõ ràng Oppo đang muốn bứt ra khỏi cái bóng của một thương hiệu tầm trung trước đây. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mong muốn một bộ xử lý mạnh mẽ hơn nữa, điều MediaTek dường như không thể đáp ứng được.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ