Trước làn sóng "đánh đập" Huawei, một cơ hội khác mở ra cho các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Oppo hay Oneplus khi muốn thế chân gã khổng lồ ở thị trường smartphone cao cấp.
Huawei đang phải hứng chịu các đòn tấn công liên hoàn, dồn dập và không có điểm dừng của hàng loạt các công ty, đối tác đến từ khắp nơi trên thế giới. Mọi khía cạnh trong quá trình sản xuất smartphone từ chip xử lý, hệ điều hành, bộ nhớ, Bluetooth, 5G… đều đang bị gây khó khăn. Tất nhiên, với tiềm lực khổng lồ tích lũy qua nhiều năm cũng như sự hậu thuẫn phần nào từ chính quyền Trung Quốc, rất khó để nói rằng gã khổng lồ này sẽ ngã xuống. Tuy nhiên, việc bị thương, thậm chí thương nặng, là khó có thể tránh khỏi.
Đây cũng bất ngờ trở thành cơ hội hiếm hoi để các nhà sản xuất smartphone khác có thể tận dụng để chiếm lấy thị phần smartphone cao cấp, vốn từ lâu đã bị Apple, Samsung và Huawei khống chế. Trong đó, ba cái tên nổi bật nhất, có cơ hội tranh giành thị phần ở thời điểm hiện tại là Xiaomi, Oppo và OnePlus.
Xiaomi đã có kinh nghiệm phát triển smartphone tầm trung với cấu hình không thua kém các sản phẩm cao cấp của đối thủ, tuy nhiên việc bị định hình là một hãng điện thoại giá rẻ sẽ là rào cản lớn để thành công ở phân khúc cao cấp. Oppo cũng có hướng đi tương tự với Xiaomi, khi hai nhà sản xuất này đều đang tập trung gây dựng danh tiếng ở phân khúc giá từ 500-600 USD. OnePlus nổi bật hơn khi đã định vị ở mức sản phẩm khoảng 700 USD, cùng danh phận "kẻ hủy diệt iPhone" với các cấu hình và tính năng hấp dẫn.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019, bất chấp việc Apple bị sụt giảm mạnh về doanh thu và số lượng thiết bị bán ra hay Samsung lao đao ở mảng di động, cả ba nhà sản xuất Xiaomi, Oppo và OnePlus đều âm thầm có được thành công đáng kể.
Xiaomi có doanh thu tăng 27%, chủ yếu nhờ vào thị trường quốc tế . Công ty này đã bán ra được 27,9 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu, đứng ở vị trí thứ 4, đạt doanh thu khoảng 3,9 tỷ USD. Người dùng MIUI toàn cầu hiện ước tính khoảng 260 triệu người, tăng 37% so với năm trước.
Series Redmi Note 7 của Xiaomi bán được hơn 4 triệu máy trong quý 1/2019. Series Xiaomi Mi 9 ra mắt vào ngày 20/2/2019, và đến 31/3/2019 đã bán được hơn 1,5 triệu máy, đến đầu tháng 4/2019, doanh số đã vượt 1,5 triệu. Đáng ngạc nhiên là giá bán trung bình của smartphone Xiaomi tại thị trường Trung Quốc và các thị trường nước ngoài tăng lần lượt 30% và 12% nhưng vẫn được kết quả tốt. Đây là tiền đề tốt để nhà sản xuất này có thể hướng ánh mắt lên phân khúc cao cấp trong tương lai.
Oppo năm ngoái cũng đạt được thành công đáng kể, cả về doanh số lẫn thị phần. Sự ra mắt chiếc điện thoại Find X có camera pop-up đã khiến người dùng có một cái nhìn khác hơn về nhà sản xuất này. Công ty này cũng đã phần nào chuẩn bị cho việc tiến lên phân khúc smartphone cao cấp với những chuẩn bị và thử nghiệm một loạt các tính năng, công nghệ mới như ba camera với khả năng thay đổi khẩu độ, mở khóa Face Unlock, AI, sạc siêu nhanh SuperVOOC… Ngoài ra, Oppo còn kí hợp đồng chính thức hợp tác với Qualcomm cho các giải pháp 5G hồi đầu năm nay. Và tháng 3/2018, công ty thành lập viện nghiên cứu dành riêng cho công nghệ 5G và trí tuệ AI. Vì vậy, giới phân tích công nghệ nhận định Oppo đang được xem là công ty đầu tiên tại Trung Quốc chạm vào giấc mơ số hóa 5G.
Còn OnePlus, dù ra đời sau nhưng đã định vị đi theo con đường smartphone cao cấp. Công ty đã xây dựng tốt hình ảnh của mình ở thị trường quốc tế, với bằng chứng là tốc độ bán hết hàng có thể tính bằng giây. Không phải hãng điện thoại Trung Quốc nào cũng có thể khiến người dân Mỹ hay châu Âu xếp hàng dài trên phố để đợi mua sản phẩm mới. OnePlus 7 Pro mới đây đã đạt được doanh thu 144 triệu USD chỉ trong vòng 60 giây tại Trung Quốc. Trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc – JingDong cho biết đây là "sản phẩm bán chạy nhất trên toàn bộ nền tảng".
Trong bối cảnh cư dân mạng Trung Quốc đang kêu gọi tẩy chay iPhone, ủng hộ Huawei mà OnePlus vẫn bán được hàng, có thể thấy danh tiếng và nền tảng tốt đến như thế nào của thương hiệu này.
Tuy nhiên, con đường tiến lên phân khúc cao cấp trên thị trường smartphone chưa bao giờ là dễ dàng. Với khởi đầu thấp và thời gian hoạt động chưa quá lâu, các công ty như Xiaomi, Oppo hay OnePlus buộc phải tìm cách tiếp cận khác với Huawei hay Samsung.
Việc ngay lập tức tung ra sản phẩm mới cho phân khúc smartphone 1.000 USD ở thời điểm hiện tại gần như là bất khả thi. Lựa chọn đúng đắn nhất là tiến đánh một cách từ tốn và bài bản, từ phân khúc 700 USD lên 800 USD, sau đó mới tới 1.000 USD. Khi người tiêu dùng đã có lòng tin ở các sản phẩm thuộc phân khúc cận cao cấp, cơ hội chen chân vào phân khúc cao cấp mới thực sự mở ra cho các thương hiệu này. Tất nhiên trong quá trình đó, cần song hành việc cải thiện hình ảnh, địa vị cũng như danh tiếng của nhà sản xuất. Một chiếc smartphone giá 1.000 USD không chỉ đòi hỏi về cấu hình, thiết kế còn phải mang tới cho người sử dụng sự an tâm, tin cậy khi sử dụng, đặc biệt là vấn đề bảo mật cũng như an toàn về quyền riêng tư.
Trong khi đó, với Samsung, cú "ngã ngựa" của Huawei cũng là một cơ hội tốt để gia tăng thị phần ở phân khúc này. Trong khi các đối thủ tầm thấp chưa tích lũy đủ kinh nghiệm để tranh giành, Apple còn đang lo lắng về các đòn đáp trả của Trung Quốc thì Samsung hoàn toàn có thể rảnh tay để chiếm lấy miếng bánh thị phần đang bỏ ngỏ. Tất nhiên, trước mắt nhà sản xuất Hàn Quốc này vẫn phải cố gắng để xóa đi danh tiếng xấu mới lập liên quan tới mẫu smartphone màn hình gập Galaxy Fold.
Có thể nói, cơ hội đang mở ra cho tất cả các nhà sản xuất từ Samsung, Apple cho tới Xiaomi, Oppo hay OnePlus. Thị phần bị bỏ trống tới đây của Huawei sẽ lọt vào tay ai hay bị chia đều cho tất cả các bên. Báo cáo thị trường smartphone giai đoạn nửa cuối năm 2019 sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín