Quay trở lại thời điểm năm 2011, khi Samsung giới thiệu chiếc điện thoại Galaxy Note với kích thước màn hình 5,3 inch, nhiều người đã gọi đó là hành động “điên rồ”. Chỉ khi doanh số bán hàng của Note lên tới 10 triệu chiếc, chúng ta mới thấy được hướng đi của Samsung là có cơ sở. Chính từ đó, khái niệm “phablet" đã ra đời và mở ra cánh cửa cho một phân khúc điện thoại hoàn toàn mới.
LG có vẻ như là một nhà sản xuất “thức thời” hơn cả, sau khi trình làng smartphone Optimus G với màn hình 4,7 inch, hãng đã mạnh dạn đẩy kích thước màn hình của điện thoại
Optimus G Pro lên tới 5,5 inch.
1. Thiết kếThiết kế của Optimus G Pro có phần giống với Galaxy Note II và nếu nhìn qua thì nhẫm lẫn là chuyện khó tránh khỏi.
Optimus G Pro và
Galaxy Note 2 có rất nhiều điểm chung về ngoại hình và thiết kế. Note 2 vẫn đi theo “cảm hứng" thiết kế truyền thống của Samsung với vỏ nhựa và 4 góc bo tròn mạnh. LG cũng đã lựa chọn hướng đi tương tự trên Optimus G Pro, và có phần trái ngược với kiểu dáng vuông vắn truyền thống trước đây của điện thoại LG.
Mặt sau của Optimus G Pro và Galaxy Note 2.
Mặt sau cùng được làm từ chất liệu nhựa song việc “trang chí” thêm các hình vân phản xạ xen kẽ nhau giúp G Pro trông đỡ đơn điệu hơn so với mặt sau hoàn toàn nhẵn bóng của Note 2. Với kích thước màn hình cùng là 5,5 inch tỷ lệ 16:9 nhưng Optimus G Pro có rìa màn hình cực mỏng nên chiều rộng của máy khá thoáng và tạo nhiều thuận tiện cho cầm nắm.
Phần dưới là phím Home với đèn nền tuỳ chỉnh màu sắc báo khi người dùng có tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ. Tuy nhiên, phím Home này lại hơi nhỏ.
Ở viền phải của Optimus G Pro, LG bố trí phím nguồn và cũng là nút tắt mở màn hình, nhưng không thực sự thuận lợi vì có kích thước nhỏ, hơi chìm và khó thao tác. Cạnh trái là phím tăng giảm âm lượng và ngay phía trên là một phím chức năng, cho phép người dùng có thể gắn nhanh các thao tác hay ứng dụng theo ý thích. Tuy nhiên, cách bố trí phím này cũng không tiện, khiến dễ bị bấm nhầm khi muốn tăng âm lượng. Đáng chú ý là Optimus G Pro còn bổ sung thêm một nút bấm khác gọi là QButton được đặt ở phía trên bên trái của điện thoại cho phép người dùng tùy biến để truy cập nhanh một ứng dụng bất kỳ.
Phần camera của máy hơi nhô lên một chút và được bao quanh bởi một viền kim loại.
Ở cạnh trên, ngoài jack tai nghe 3.5, Optimus G Pro còn được hỗ trợ cổng hồng ngoại “IR Blaster” hỗ trợ điều khiển từ xa giống như Galaxy S4 và HTC One. Ở cạnh đáy, cả hai phablet đều có cổng microUSB và MHL.
2. Màn hìnhMàn hình của Optimus G Pro là một điểm sáng. Với công nghệ màn hình True HD IPS Plus cho độ phân giải 1080p cùng mật độ điểm ảnh lên tới 401 ppi, không có gì phải nghi ngờ về chất lượng hiển thị trên chiếc phablet này: Hình ảnh hiển thị chi tiết, sắc nét và phông chữ thì mịn, rất khó để có thể nhìn thấu điểm ảnh trên màn hình của smartphone này. Ngoài ra, độ sáng của màn hình này cũng khá cao cho phép người dùng có thể sử dụng máy ngoài trời mà không có nhiều bất tiện. Nhưng bạn cũng nên để độ sáng màn hình của Optimus G Pro lên cao một chút bởi màn hình của máy có độ lóa khá cao.
Mặc dù vậy, khả năng hiển thị màu sắc của Optimus G cần có nhiều cải thiện. Tuy rằng màu sắc được hiển thị rõ ràng và nổi bật nhưng màu trắng lại có phần ngả sang màu xanh lá khiến trong những bức ảnh có nhiều tông màu này cho cảm giác không thật. Bên cạnh đó, Optimus G Pro cũng không có được góc nhìn rộng như trên người anh em Optimus G bởi chỉ cần nghiêng máy đi một chút, chúng ta sẽ thấy rõ màu sắc bị biến dạng khá nhiều. Tuy nhiên, khuyết điểm này cũng không ảnh hưởng quá lớn tới quá trình sử dụng máy của người dùng. 3. Giao diện
Giao diện của Optimus G Pro được đánh giá là đẹp, mang tính tùy chỉnh cao và có phần giống với Optimus G. Có thể thấy rõ điều đó trên Optimus G Pro với bộ widget cài sẵn rất đa dạng. Chỉ cần kéo bảng “notification” xuống, chúng ta có thể thấy thanh “shortcut” bật/tắt nhanh các loại kết nối hay một số tính năng được cả LG hỗ trợ rất sâu. Mặc dù có màn hình to nhưng phần hiển thị các thông báo trong thanh Notification của máy giờ đây chỉ còn có một nửa, nửa phía trên là các nút bật tắt nhanh, QSlide và chỉnh độ sáng. Mặt khác, có thể nhận thấy LG còn tích hợp thêm một thanh ứng dụng QSlide ngay phía dưới.
Về cơ bản, QSlide trên Optimus G Pro là một dạng chạy đa nhiệm gần giống Multi-Window của Note 2. Đối với Galaxy Note 2, bạn có thể bật 2 ứng dụng cùng lúc chạy theo chế độ chia đôi màn hình. Còn QSlide của G Pro là tổng hợp một số ứng dụng trong đó người dùng có thể bật tối đa 2 ứng dụng. Điểm mạnh của QSlide là bạn có thể thay đổi vị trí hiển thị của màn hình ứng dụng nhỏ trên nền màn hình chính và có thêm một thanh trượt điều chỉnh độ trong suốt của ứng dụng mở từ QSlide.
Các ứng dụng nhỏ trong tính năng QSlide còn có một thanh kéo chỉnh độ mờ hay đậm khi hiển thị trên màn hình.
Giao diện trên G Pro được bố trí biểu tượng ứng dụng theo kiểu 5 cột, ở cả màn hình chủ lẫn màn hình quản lý ứng dụng nên tạo ra cảm giác không gian làm việc và sử dụng rộng rãi hơn. Nhưng ngược lại khiến người dùng nhiều khi hoa mắt khi tìm kiếm ứng dụng nào đó. Có tới 5 Theme được LG cài sẵn trên Optimus G Pro và mỗi lựa chọn lại có hiệu ứng ứng khi lật trang, bộ icon khác hẳn nhau, khiến cho chiếc điện thoại trông mới mẻ hoàn toàn sau mỗi lần thay đổi. Tuy nhiên, nếu nhận xét kỹ càng thì giao diện Optimus tỏ ra chưa thật hiệu quả, hơi màu mè, tốc độ phản hồi đôi lúc còn bị trễ và mất thời gian.
Kết
Nhìn chung, thay đổi mà LG đem đến cho Optimus G Pro là không nhiều so với Optimus G ngoại trừ màn hình của máy. Dù chưa thật ấn tượng và nổi bật như HTC One, Samsung Galaxy S4 hay Sony Xperia Z, nhưng với mức giá trên thị trường còn khoảng 12 đến 13 triệu đồng, LG Optimus G Pro là một lựa chọn thú vị với người chơi Android. Nhưng bạn cũng cần cân nhắc, việc kích thước màn hình lên tới 5,5 inch khiến cho việc sử dụng smartphone này có nhiều bất tiện. Và rõ ràng, đây không phải là một thiết bị dành cho phái nữ. Nếu không e ngại kích thước "quá khổ" và túi tiền cho phép, bạn hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào "siêu phẩm" lần này của LG.