Overwatch không nặng như bạn nghĩ, máy tính 4 triệu cũng có thể chiến ngon

    Dee Tee,  

    Đây không phải một tựa game yêu cầu cấu hình quá cao.

    Blizzard ra mắt Overwatch đã tạo nên một cơn bão, sức hút của trò chơi này khiến người ta bàn luận về nó nhiều hơn bao giờ hết. Thậm chí, tựa game này còn làm thay đổi một phần văn hóa chơi game của đại bộ phận game thủ Việt Nam, khi nhiều người sẵn sàng bỏ ra gần một triệu đồng để mua trò chơi trên hệ thống Battlenet.

    Tuy nhiên, ngoài vấn đề mua key game, câu hỏi về việc liệu dàn máy tính cũ của bạn có thể chơi được trò chơi này hay không cũng là vấn đề khiến không ít người phải suy nghĩ. Điều này thậm chí còn gây ra không ít câu chuyện hài hước trong cộng đồng game thủ Việt Nam.

    Để giải đáp vấn đề nói trên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đưa ra những lời khuyên liên quan tới thiết lập đồ họa cũng như dựng một dàn máy rẻ nhất có thể mà vẫn chơi mượt Overwatch.

    Các mức thiết lập đồ họa

    So với các tựa game offline, những trò chơi online thường không đưa ra nhiều các mức tùy chỉnh đồ họa, nhưng với một tựa game bom tấn như Overwatch, điều này lại không đúng.

    Có tới 5 mức thiết lập đồ họa cơ bản và nhiều tùy biến khác để phù hợp với các mức cáu hình phần cứng, Overwatch tỏ ra rất "thân thiện", hướng tới cái đích giúp tiếp cận càng nhiều người chơi càng tốt.

    - Low: 50% độ phân giải | Không có khử răng cưa
    - Medium: 75% độ phân giải | Khử răng cưa SMAA 2x
    - High: Giữ nguyên độ phân giải | Khử răng cưa SMAA 4x
    - Ultra: 150% độ phân giải (2K) | Khử răng cưa SMAA 8x
    - Epic: 200% độ phân giải (4K) | Khử răng cưa 16x

    Tại sao 2 thành phần nói trên được đem ra để so sánh ở các mức thiết lập đồ hoa? Có thể thấy được sự khác biệt về hiệu ứng súng đạn, cháy nổ và các skill trong game khi thiết lập ở mức đồ họa khác nhau là rất khó nhận ra. Ngay cả khi để ở Low, các hiệu ứng này gần như không hề thay đổi.

    Độ phân giải (độ nét) và khả năng khử răng cưa có lẽ là khác biệt lớn nhất trong các mức nói trên. Đây cũng là 2 thành phần tốn nhiều tài nguyên phần cứng nhất. Dưới đây là hình ảnh so sánh 3 mức Low - Epic - Medium để có thể thấy được sự khác biệt về độ sắc nét giữa chúng.

    Qua những bức ảnh cắt từ video so sánh, tôi nhận thấy sự khác biệt giữa mức cao nhất là Epic và mức thấp nhất Low là không nhiều. Một số chi tiết bị loại bỏ cũng như hình ảnh hơi mờ hơn một chút, nhưng như vậy là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

    Tại sao điều này quan trọng: Game thủ luôn có xu hướng thiết lập đồ họa cao nhất có thể, và sẵn sàng đánh đổi một chút "độ mượt" để có trải nghiệm hình ảnh tốt hơn. Nhưng với không nhiều khác biệt giữa các mức thiết lập, rõ ràng bạn có thể tự tin chọn đồ họa thấp để đạt mức fps tốt mà không cần lo lắng tới việc "hình xấu không chơi nổi".

    Bộ máy 7,5 triệu là đủ chiến Overwatch

    Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra mức cấu hình tham khảo vừa tầm tiền của đại đa số game thủ. Với cấu hình này, bạn có thể tự tin trải nghiệm Overwatch ở mức setting Medium tới High tùy thuộc vào độ phân giải màn hình.

    Linh kiệnTên Sản PhẩmGiá tham khảo (đồng)
    CPUIntel Pentium G44001.300.000
    MainboardAsrock H110M-HDV1.700.000
    VGAZotac GT730 GDDR51.600.000
    RAMAvexir Core Series DDR4 2x4GB900.000
    Ổ cứngWD Blue 1TB1.200.000
    Vỏ CaseSAMA JAVAN 4450.000
    Nguồn FSP AX SeriesFSP AX Series 400W600.000
    Tổng7.7500.000

    Bộ vi xử lý Intel Pentium G4400 hiện đang trở thành sản phẩm hot trong các hệ thống chơi giá rẻ, bởi nó đủ sức "cân" các VGA thấp và trung cấp cũng như giá thành lại rất rẻ. RAM 8GB cũng là khá cần thiết để thực hiện các tác vụ đa nhiệm cũng như chơi những tựa game mới hiện tại, trong đó có Overwatch.

    Về khả năng xử lý đồ họa, việc GT730 có thể cân ngon "bom tấn" từ Blizzard là điều đã được kiểm chứng. Bạn có thể chơi mượt mức khung hình 60FPS ở thiết lập Medium và thậm chí là High (tùy chỉnh giảm một số thành phần) ở độ phân giải HD tới FullHD.

    Trong tầm giá hơn 7 triệu đồng, khá khó để có thể trang bị một ổ SSD cho hệ thống case chơi game. Tuy nhiên ổ HDD hiện tại cũng không hề rẻ, mua mới một HDD dung lượng 1TB hay 500GB có mức giá tương đương nhau. Mua SSD trong tầm giá trên một triệu đồng cũng không phải điều không thể, nhưng tùy vào nhu cầu người dùng thiên về tốc độ hay dung lượng lưu trữ, bạn có thể chọn HDD hoặc SSD tùy ý.

    Chọn một vỏ case rẻ nhưng đẹp là khá khó. Rất may ở tầm giá này chúng ta lại có một sản phẩm vô cùng hợp với fan của Overwatch, tông nền màu da cam vô cùng đẹp mắt là SAMA JAVAN 4. Bộ nguồn 400W cũng là đủ để gánh một hệ thống không có gì quá nặng nề.

    Thậm chí máy tính 4 triệu cũng vẫn chơi được Overwatch

    Tất nhiên, trong trường hợp đã lỡ mua key Overwatch xong không còn nhiều tiền để build một dàn chất lượng, hãy nghĩ tới việc mua linh kiện PC cũ về build. Các linh kiện cũ ngoài lợi thế về giá, bạn còn có thể dễ dàng tìm được các thành phần phù hợp hơn, so với mua mới, khi mà nhiều linh kiện đã không còn được sản xuất nữa.

    Dưới đây là cấu hình máy tính cũ giá cực rẻ, nhưng cũng đủ để chơi ngon lành Overwatch.

    - CPU: Intel Pentium G2020 (Ivy Bridge cũ) giá chỉ khoảng 500 ngàn đồng
    - Mainboard: H61M cũ, giá khoảng 500 ngàn đồng
    - RAM: DDR3 8GB BUS 1600 cũ giá 700 ngàn đồng
    - VGA: GTX650 hoặc HD7750 cũ, giá khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng
    - HDD cũ 250GB giá 400 ngàn đồng
    - Vỏ nguồn cũ giá 600 ngàn đồng.

    Tổng vừa tròn 4 triệu đồng, đảm bảo có thể chơi mượt, thậm chí có phần trội hơn so với bộ máy tính mới chia sẻ ở trên.

    Overwatch thiết lập High với VGA GTX 650.

    Việc mua linh kiện máy tính cũ ở Việt Nam không hề khó, đặc biệt là các sản phẩm tầm thấp lại có tuổi đời chưa quá "sâu". Nếu như nhu cầu trải nghiệm Overwatch ở mức trung bình, trên các màn hình độ phân giải thấp cho tới FullHD.

    Chỉ với mục đích tham khảo, hai cấu hình nói trên tương đối phù hợp trong trường hợp bạn không phải người rủng rỉnh ví tiền. Còn nếu bạn là người có đủ điều kiện và hướng tới trải nghiệm đồ họa đỉnh cao, các hệ thống có cấu hình trung bình khá và cao đều có thể dễ dàng hỗ trợ bạn chơi Overwatch ở các mức thiết lập High hay Ultra. Riêng với Epic, độ phân giải được đẩy lên mức rất cao, bạn sẽ cần tới một hệ thống máy tính mạnh mẽ có CPU cũng như VGA cao cấp, và tất nhiên là cả một màn hình độ phân giải cực cao nữa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày