Palit GTX 960 JetStream: Nổi bật cùng sắc đỏ

    Nội Tâm,  

    Đánh giá một cách tổng thể, Palit GTX 960 JetStream là một sản phẩm hoàn thiện: Card đẹp & lạ mắt, tản nhiệt mát êm, hiệu năng thỏa mãn đa số người dùng ở mức giá quá tốt.

    Bước vào thị trường Việt Nam khoảng 1 năm nay bởi nhà phân phối Tân Doanh, Palit được biết đến với các sản phẩm card đồ họa đẹp, cá tính và ép xung mạnh mẽ. Điểm độc đáo hơn cả là họ rất chăm thay đổi kiểu dáng thiết kế. Mỗi lứa sản phẩm đều khắc hẳn so với lứa trước, vẫn đẹp mắt mà không gây nhàm chán cho người dùng. Thêm vào đó, Palit còn ghi điểm nhờ giá thành quá tốt cùng chế độ bán hàng và bảo hành, hỗ trợ chu đáo của Tân Doanh. Điểm hạn chế duy nhất là các card đồ họa Palit mới chỉ tiếp cận người dùng ở miền Nam và miền Trung, còn game thủ miền Bắc sẽ phải đặt hàng ship ra.

    Trong cơn bão GTX 960 siêu mạnh đang hoành hành, nếu không nhắc đến Palit thì quả là một thiếu sót lớn, nhất là đối với các độc giả ở miền Nam. Vì thế hôm nay chúng tôi xin gửi đến độc giả review chi tiết chiếc GTX 960 JetStream - một sản phẩm cá tính của Palit. Giá của sản phẩm là 5.100.000 VNĐ - quá hấp dẫn trong dòng GTX 960.

    Palit GTX 960 JetStream

    Vỏ hộp của sản phẩm được làm theo kiểu đứng, phía trên có quai xách.

    Bên trong còn một lớp hộp nhựa bảo vệ nữa.

    Đỏ là tông màu chủ đạo của Palit GTX 960 JetStream. Sự kết hợp đỏ - đen này được sử dụng rất nhiều trên các bo mạch chủ dòng Gaming bởi chất chơi của nó. Tuy nhiên VGA thì đa phần các hãng vẫn trung thành với màu đen hoặc xám. Đây là một lợi thế khiến GTX 960 JetStream tông xuyệt tông cho hệ thống chuyên chơi game của bạn.

    Ở phía bụng card, ta có thể thấy 3 heatpipe lấp ló. Theo tiếp xúc của tôi đối với nhiều card GTX 960 thì đây là số lượng heatpipe hợp lý nhất cho GPU GM206, 2 thì hơi ít mà 4 thì lại thừa không cần thiết.

    Với sự phổ biến của các thùng máy Gaming như hiện nay thì phần cạnh trên của card cực kỳ quan trọng. Đây là phần được nhìn thấy rõ nhất của VGA qua cửa sổ mica. Về điểm này Palit họ làm khá đẹp.

    Card được trang bị 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort, cho khả năng xuất cùng lúc 4 màn hình.

    Về board mạch, có vẻ như Palit vẫn dùng bo mạch ngắn do Nvidia thiết kế. Họ gắn thêm một miếng kim loại để kéo dài card ra cho đẹp. Miếng kim loại này cũng kiêm luôn nhiệm vụ đỡ board mạch.

    GTX 960 có 1 chân SLI, hỗ trợ chạy SLI 2-way. Hiệu năng của GTX 960 là cực tốt, cạnh tranh không ngần ngại với các VGA top đầu như GTX 970, GTX 980 hay Titan X.

    Để ý kỹ hơn 1 chút, tôi phát hiện ra cánh của 2 quạt tản nhiệt được thiết kế hướng ngược nhau. Thiết kế này khiến không khí nóng được đẩy ra mọi hướng, tản nhiệt hiệu quả hơn cho GPU.

    Phụ kiện đi kèm card bao gồm sách hướng dẫn, đĩa cài driver, đầu chuyển DVI-Dsub và một chuyển nguồn Molex - 6 pin.

    Cắm vào chạy thử, tôi mới biết đằng sau 2 quạt tản nhiệt đều gắn đèn led trắng, ánh lên như ánh điện nhìn khá hiện đại.

    Linh kiện & tản nhiệt

    Giờ chúng ta sẽ tháo tản nhiệt và bo mạch ra để xem linh kiện mà GTX 960 JetStream sử dụng như thế nào.

    Đúng là Palit sử dụng nguyên board mạch của Nvidia cho sản phẩm của mình. Card được trang bị 3 phase điện cho GPU và 1 phase VRM.

    Mỗi phase GPU được điều khiển bằng 3 mosfet trở kháng thấp, riêng phase VRM thì là 2. Tất cả mosfet đều được tản nhiệt bằng một heatsink nhôm.

    Chip nhớ sử dụng do Samsung cung cấp, mang mã K4G41325FC-HC28. Đây là chip nhớ thuộc loại tốt nhất hiện nay, được dùng nhiều trên các sản phẩm cao cấp.

    Tản nhiệt 3 ống đồng dẫn nhiệt tới các lá tản nhiệt nhôm. Các lá nhôm bóng loáng và đều tăm tắp, nhìn rất thích mắt.

    Xung nhịp hoạt động - Ép xung

    GTX 960 JetStream được Palit đặt hoạt động ở xung nhịp 1203/1800 MHz. Xung nhân được OC sẵn thêm 76 MHz so với bản chuẩn của Nvidia. Khi hoạt động, card tự boost lên 1329/1800 MHz.

    Sau một hồi mày mò ép xung, mức xung tối đa mà tôi đạt được là 1350/1960 MHz, boost lên 1475/1960 MHz. Đối với GTX 960 nói chung, mức xung boost tối đa này là bình thường, không thấp cũng không cao.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Card đồ họa:

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Card đồ họa:
    - Nvidia GTX 660 (xung nhịp 980/1502 MHz)
    - Nvidia GTX 760 (xung nhịp 980/1502 MHz)
    - Nvidia GTX 770 (xung nhịp 1046/1753 MHz)
    - Nvidia GTX 960 (xung nhịp 1127/1753 MHz)
    - Nvidia GTX 970 (xung nhịp 1051/1753 MHz)
    - AMD R9 280X (xung nhịp 1020/1500 MHz)
    - AMD R9 285 (xung nhịp 965/1400 MHz)
    - Palit GTX 960 JetStream (xung nhịp 1203/1800 MHz)

    Phần mềm và game thử nghiệm

    - Nvidia Driver 347.88 WHQL
    - AMD Driver Catalyst 14.12 WHQL
    - 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
    - 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080)
    - 3DMark 2013: Fire Strike
    - Batman: Origins (DX 11)
    - BioShock Infinite (DX 11)
    - Crysis 3 (DX 11)
    - Dirt 3 (DX 11)
    - Hitman Absolution (DX 11)
    - Metro: Last Light (DX 11)
    - Total War Rome 2 (DX 11)
    - Sleeping Dogs (DX 11)
    - Sniper Elite V2 (DX 11)
    - Tomb Raider (DX 11)

    Kết quả thử nghiệm

     

     

     

    Nhiệt độ - Độ ồn

    Vào thời điểm thực hiện bài test này, nhiệt độ phòng đang là 22 độ C. Nhiệt độ hoạt động của Palit GTX 960 JetStream trên benchtable:
    - Idle: 33 độ C, quạt không quay.
    - Game (Default): 66 độ C, fan 34% ~ 820 vòng/phút.
    - Game (@1350/1960 MHz): 68 độ C, fan 37% ~ 890 vòng/phút.

    Đối với series GTX 900, nhiệt độ hoạt động dưới 80 độ C là đạt yêu cầu vì khi chạm ngưỡng này xung boost bắt đầu hạ dần, làm giảm hiệu năng. Đối chiếu với nhiệt độ thu được ở trên, tản nhiệt JetStream của Palit đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Kết quả này đảm bảo khi vào hè, card vẫn có thể chạy tối đa hiệu năng, không bị hạ xung.

    Kết luận

    Trước tiên, hãy cùng nhìn qua biểu đồ tổng kết hiệu năng:

    Đánh giá một cách tổng thể, Palit GTX 960 JetStream là một sản phẩm hoàn thiện: Card đẹp & lạ mắt, tản nhiệt mát êm, hiệu năng thỏa mãn đa số người dùng ở mức giá quá tốt. Tông đỏ - đen mà Palit sử dụng là một điểm mạnh kép, ngoài đẹp ra còn khiến GTX 960 JetStream tông xuyệt tông với các hệ thống Gaming PC, nhất là nếu game thủ chơi benchtable hoặc thùng máy side mica.

    Ngoài những điểm mạnh trên, sản phẩm có giá chỉ 5.100.000 VNĐ - giá quá đẹp trong hàng ngũ GTX 960 hiện nay. Tuy nhiên Palit còn 1 điểm hạn chế duy nhất là không có đại lý ở miền Bắc.

    Ưu:
    - Giá đẹp, p/p quá tốt.
    - Hình thức đẹp mắt, tông xuyệt tông với các bo mạch chủ dòng Gaming.
    - Tản nhiệt mát, êm.
    - Ép xung sẵn.

    Nhược:
    - Không có đại lý ở miền Bắc, game thủ phải đặt hàng từ miền Trung & miền Nam ship ra.
    - Dán tem niêm phong lên ốc, tháo tản nhiệt sẽ mất bảo hành.

    * Xin cảm ơn Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Doanh cùng Công ty Máy tính An Phát đã hỗ trợ phần cứng cho bài viết này.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày