Aune S16 – Thiết bị DAC cao cấp cho người mê âm nhạc
Thiết bị DAC với thiết kế đẹp cùng chất âm quyến rũ với người mê âm nhạc
Những dân chơi âm nhạc tại Việt Nam đã từ lâu chẳng còn xa lạ gì với thương hiệu Aune, với những mẫu amplifier sử dụng đèn bán dẫn đình đám trong tầm giá 200 USD là T1 và T1 Mk II, hay mới hơn là Amp/DAC X1 SE. Chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng âm thanh tái tạo của những chiếc amp do Aune chế tạo được nhiều người chơi nhạc đánh giá là tốt trong tầm giá.
Đối với những người mới bước vào thế giới audio, thì Aune được coi như một trong những thương hiệu đáng chú ý ở tầm giá bình dân. Tuy nhiên sản phẩm mới nhất của thương hiệu này, và cũng là thiết bị góp mặt trong bài viết đánh giá chi tiết lần này của chúng tôi lại nằm trong số những sản phẩm âm thanh tầm trung đến cao cấp. Với mức giá 700 USD, tương đương khoảng gần 15 triệu Đồng, Aune S16 tại thị trường Việt Nam nói riêng được coi là một trong những sản phẩm cao cấp đối với phần đông người chơi tai nghe ở nước ta.
Vậy một sản phảm được đóng nhãn mác vốn đã được biết tới nhiều nhờ vào những sản phẩm giá rẻ sẽ cạnh tranh và trình diễn ra sao khi tiến gần hơn tới tầm cỡ hi-end? Hãy cùng chúng tôi đánh giá khả năng hoạt động của mẫu DAC mới ra mắt này. Xin chân thành cám ơn HeadWorld Audio, số 4 ngõ 9 Hoàng Cầu, Hà Nội đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài đánh giá chi tiết này.
Thiết kế
Bên trong chiếc thùng bằng bìa carton có kích vỡ bằng một chiếc ba lô dùng để vận chuyển, S16 nằm gọn gàng bên trong. Hai phụ kiện duy nhất đi kèm với nó là dây nguồn và cáp USB kết nối tín hiệu. Điều này có nghĩa là với những người sử dụng S16 với máy tính hay từ các nguồn digital khác hỗ trợ kết nối OTG, họ có thể thoải mái sử dụng bộ DAC này ngay, dĩ nhiên là sau khi cài driver XMOS được nhà sản xuất gửi kèm link download sau khi mua sản phẩm.
Sở hữu bộ cánh đen nhám, S16 nằm gọn gàng trên bàn máy tính của người sử dụng. Nếu so sánh, thì kích thước của Aune S16 thậm chí còn nhỏ gọn hơn cả chiếc máy chơi game PS4 về bề dọc khi được đặt cạnh nhau.
Ở mặt trước, Aune S16 sở hữu một màn hình 2,4 inch TFT đơn sắc, đủ rộng rãi để hiển thị chế độ input, volume ở cổng xuất tín hiệu dành cho tai ngheở góc phải, cũng như chất lượng và sampling rate của mỗi bản nhạc được thiết bị này giải mã tín hiệu. Chính giữa cỗ máy là núm vặn chỉnh volume, kiêm việc chuyển đổi bộ lọc tín hiệu digital khi ấn trực tiếp.
Ba nút bấm gần cổng xuất tín hiệu tai nghe 6.3 mm đảm nhiệm việc chuyển đổi cổng tiếp nhận tín hiệu đầu vào, ngắt tín hiệu âm thanh xuất ra cổng tai nghe và nút nguồn. Không giống hai nút bấm đổi input và mute, người sử dụng sẽ phải giữ nút power khoảng 2 đến 3 giây để thiết bị tắt hẳn.
Aune S16 được trang bị hầu như đầy đủ những cổng nhận và xuất tín hiệu phổ biến hiện nay như USB in, coaxial, optical input, AES input, RCA output cũng như XLR balanced để người sử dụng có thể tùy biến với nhiều thiết bị khác nhau mà họ sử dụng. Đây là một điểm cộng cho S16 khi cạnh tranh với những tên tuổi danh tiếng trên thị trường DAC hiện nay.
Một điểm cộng nữa trong quá trình sử dụng đó là Aune S16 hầu như tỏa rất ít nhiệt nếu như so sánh với nhiều sản phẩm DAC khác đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Âm thanh
Sở hữu chip DAC AKM 4495SEQ với khả năng giải mã tín hiệu âm thanh số DSD 32 bit/385 kHz, Aune S16 gần như có thể “cân” được hầu hết mọi định dạng nhạc số phổ biến hiện tại, từ chuẩn PCM cho tới DSD128.
Thử nghiệm với một số tai nghe, từ AKG K1000, Sennheiser HD800 cho tới DT880 của Beyerdynamic, âm nhạc trình diễn thông qua S16 có background sạch sẽ, không tạp âm gây khó chịu cho người nghe. Một điểm nữa là chiết áp volume được thiết kế tốt, không tạo ra tiếng lạo xạo khi chỉnh âm lượng trong quá trình nghe.
Một điều cần nhớ là với kết nối USB, tín hiệu âm thanh sẽ được xử lý thông qua receiver XMOS 32 bit/384 kHz. Tuy nhiên với những input coaxial, optical hay AES, âm thanh sẽ đi qua chip digital receiver Wolfson WM8805, với khả năng giải mã nhạc số với chất lượng cao nhất là 24 bit/192 kHz, hay DSD64.
Tuy nhiên với chip amplifier tích hợp PGA2311, S16 tỏ ra hơi đuối trong việc kéo những chiếc tai nghe hi end đòi hỏi nguồn xuất đủ mạnh. HD800 vẫn có thể cất lên những bản nhạc một cách ấn tượng với S16, nhưng trải nghiệm của những đôi tai khó tính sẽ khó lòng có thể đem lại cảm giác thỏa mãn khi nội lực của chiếc DAC này vẫn chưa đủ sức đưa HD800 lên đúng với khả năng mà đáng lẽ ra chiếc tai nghe kia có thể trình diễn.
Chính vì vậy trong quá trình thử nghiệm, thay vì HD800, chúng tôi sử dụng Sennheiser HD580, một cặp full size được cộng đồng đánh giá rất cao xét về chất lượng âm thanh nói chung để đánh giá một cách công bằng nhất những gì Aune S16 có thể làm được.
Giống như bài đánh giá chi tiết ifi Nano, chúng tôi cũng sử dụng trình chơi nhạc foobar 2000 với một số plugin đi kèm như plugin đọc file ISO SACD hay asio DSD để giúp xuất tín hiệu DSD gốc trong quá trình trải nghiệm âm nhạc, thay vì tự động chuyển tín hiệu thành PCM khi foobar2000 chạy độc lập.
Một trong những album mà chúng tôi nghe cùng với Aune S16 là Jazz at the Pawnshop, chuẩn 24 bit/88.2 kHz. HD580 lập tức trình diễn thứ âm nhạc tự nhiên, ấn tượng, với không gian thoáng đạt, từ tiếng nói chuyện của người qua lại, cho tới tiếng contrabass bập bùng tưởng như thoảng qua, ít người cảm nhận được ở đầu track “Limehouse Blues”. Tiếng bộ gõ mở đầu trong “Barbados” tách bạch, đem lại cảm giác thỏa mãn phần nào với người nghe, ngay trước khi nhạc cụ trầm và tiếng saxophone cất lên.
Những bản vocal cũng được thể hiện rất tốt thông qua S16, cả chất giọng nam vã nữ. Âm thanh người nghe cảm nhận được không hề gai góc hay thô ráp, thay vào đó là sự giàu chi tiết và ngọt ngào. Thử nghiệm với các album Audiophile Selection của Olivia Ong, The Raven của Rebecca Pidgeon, Stockfisch Recording Vinyl Selection và High Endition Vol 9 (Life Stories), chất giọng của những nam hay nữ ca sỹ góp mặt trong các album kể trên đều chân thực và mượt mà. Với những bản nhạc dễ nghe hay vocal nhẹ nhàng, S16 đem lại chất âm nhạc khá thư giãn đến với người nghe.
Một thử nghiệm khác là với những file nhạc được thu âm với chuẩn DSD. Với khả năng hỗ trợ chuẩn DSD128, những file ISO SACD với chuẩn DSD64 hay album Klipsch Tape Remaster được trình diễn không chút khó khăn thông qua S16. Ngay khi bật những track đầu tiên của Klipsch Tape, thiết bị đã nhận ngay chuẩn DSD128. Tuy nhiên với những chuẩn DSD cao hơn, ví dụ như những track demo DSD256, S16 buộc phải chuyển đổi định dạng về PCM 384 để trình diễn.
Tuy nhiên nếu xét cho cùng, với những gì thể hiện, thì S16 mới chỉ làm thỏa mãn phần nào những đôi tai khó tính. Âm thanh mà Aune S16 tái tạo thông qua chip ampli tích hợp chưa thể có được chất lượng như kỳ vọng. Khác với headamp Bottlehead Crack, âm thanh của Aune tuy giàu chi tiết như đã mô tả, nhưng lại phần nào bị mỏng hơn so với mẫu ampli đèn đình đám thời gian qua. Độ sâu và chiều rộng của dải bass vẫn được kiểm soát tốt, nhưng độ dày, hay texture của những âm thanh contrabass bập bùng lại không rõ ràng như khi thử nghiệm HD580 với Crack.
Nhận định trên đây hoàn toàn không phải dùng để đánh giá thấp Aune S16. Nhược điểm duy nhất của S16 chỉ là chip amplifier, trong khi thử nghiệm kết nối S16 với một số ampli dành cho tai nghe (dĩ nhiên trong đó có cả Bottlehead Crack), chất lượng âm thanh rất đáng nể với đầy đủ những điểm cộng được chúng tôi mô tả trên đây.
Suy cho cùng, nhà sản xuất đã quảng bá S16 là một thiết bị DAC, chứ không phải một thiết bị tích hợp cả ampli lẫn chip DAC. Vì thế việc sử dụng S16 đúng với mục đích mà nhà sản xuất đưa ra cũng là điều nên làm. Ngõ xuất tín hiệu âm thanh 6.3 mm âu cũng là một nguồn xuất dành cho những người chơi âm thanh sở hữu S16 nhưng chưa có ampli ưng ý với nhu cầu của bản thân.
Tạm kết
Ở tầm giá 15 triệu Đồng, Aune S16 phải cạnh tranh với khá nhiều tên tuổi khác trên thị trường như Schiit Gungnir, SotM sHP-100… Với thiết kế đơn giản, tao nhã, cộng với những gì thể hiện cả ở hai phương diện DAC và amp xuất tín hiệu âm thanh, Aune S16 là một trong những sản phẩm mà nhiều nhà phát triển thiết bị âm thanh cao cấp phải dè chừng.
>>Đánh giá Fiio X1, chiếc máy nghe nhạc đáng giá đến từng xu!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Độc lạ: Startup Mỹ dùng kim cương làm mát GPU, giảm nhiệt khủng và tiết kiệm điện vượt xa mong đợi
Akash tuyên bố rằng công nghệ của họ có thể giảm nhiệt độ điểm nóng của GPU từ 10 đến 20 độ C, giúp trung tâm dữ liệu tiết kiệm hàng triệu USD chi phí làm mát
Người sáng tạo nội dung này bị phạt gần 7 tỷ Đồng vì bay drone quấy rối người vô gia cư