Sự đi xuống về mặt doanh số của toàn thị trường PC đã để lại các báo cáo kinh doanh không được tươi sáng cho toàn ngành công nghiệp. Q3 vừa qua, AMD là một trong những cái tên nằm trong danh sách thua lỗ
trên sàn chứng khoán. Với doanh thu chỉ 1,27 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ 2011 và mức lỗ trước sau thuế 131 triệu, sau thuế 157 triệu, người khổng lồ x86 đang thực sự gặp rất nhiều khó khăn.
Kết quả kinh doanh Q3 2012 của AMD.
Chi tiết đáng chú ý là dù điện toán truyền thống đang chững lại trong khi điện toán di động lên ngôi, AMD vẫn đứng "bên lề cuộc đời", không tham gia mặt trận di động mà cụ thể là smartphone như Intel, NVIDIA, Qualcomm, Samsung, Apple. Hãng này hiện chỉ có
vài thắng lợi về thiết kế (design win) tablet ví như chiếc Stylistic Q572 do Fujitsu sản xuất. Nhưng vậy liệu đã đủ?
Một mẫu tablet hiếm hoi dùng chip Z-60 của AMD.
Tại sao AMD không tham gia mặt trận smartphone? Có khá nhiều cách giải thích. Một là AMD hiện không chuyên biệt về thiết kế chip cho lĩnh vực này. Hai là hiện đã có quá nhiều NSX chip smartphone nên khả năng thành công cho AMD không cao. Ba là lợi nhuận từ đây rất thấp. Với một công ty đang chật vật tìm kiếm lãi, đầu tư vào một lĩnh vực có đồng lời thấp mà rủi ro mất vốn cao không phải là món ưu tiên. Đặc biệt là khi hãng này
còn cắt giảm nhân sự. Nhân sự ít thì làm sao ra được sản phẩm tốt mà cạnh tranh?
Vậy AMD định đứng yên "chờ chết"? Tất nhiên không. Mới đây, nhà khổng lồ x86 này vừa đưa ra một quyết định táo bạo - sẽ đưa kiến trúc ARM vào các giải pháp server, dự kiến ra mắt trong 2 năm tới.
Thứ nhất, khác với các sản phẩm tiêu dùng như smartphone, các sản phẩm dành cho doanh nghiệp như micro-server cho doanh thu ổn định hơn. Mức lãi trung bình dòng sản phẩm doanh nghiệp thường cao hơn dòng sản phẩm bình dân. Nên bước đi này của AMD có thể nói tập trung vào cải thiện lợi nhuận.
Thứ hai, AMD có kinh nghiệm làm chip server. Đây là cái tên đầu tiên tung ra chip x86-64 dành cho server cách đây 10 năm trước. Hiện tại nhắc đến server không thể không nhắc tới 64-bit vì không gian nhớ vật lý cần cho server rất nhiều. Đây cũng là lý do vì sao ARM vốn phổ biến ở mặt trận di động nhưng hầu như mất tích tại server vì có những thứ nó không bằng x86.
Thứ ba, đây là lợi ích cụ thể nhất khi AMD mua lại SeaMicro cách đây không lâu. Bộ IP công nghệ Freedom Fabric cho phép liên kết hàng trăm ngàn nhân điện toán lại cùng nhau là thứ AMD "thèm khát" từ SeaMicro, giúp hãng này có thể thiết kế các node / cluster với số nhân xử lý cực kỳ linh động mà không gian vật lý không tốn bao nhiêu. Cùng với điện toán mây, micro-server hiện là một thị trường khá hấp dẫn cho các hãng thiết kế chip mạng.
Nhưng đừng quá lạc quan về chiến lược ARM cho server của AMD. Thị trường micro-server tuy hấp dẫn song tổng giá trị có thể khai thác (TAM) của nó ước chỉ đạt 10% tổng của mọi phân khúc server. Có nghĩa 90% TAM còn lại vẫn chỉ thuần cho các giải pháp x86 truyền thống. Điều này có nghĩa AMD vẫn phải xây dựng những con chip Opteron "thuần chủng" nếu vẫn muốn "kiếm ăn". Theo chiến lược của AMD, trong tương lai dòng sản phẩm Opteron sẽ có 3 đại diện gồm ARM, x86 và APU.
Và đừng quên rằng Opteron ARM sẽ không có mặt trên thị trường cho tới 2014. Lý do cũng đơn giản vì các hệ thống server cần sự hoạt động ổn định và mất tối thiểu 1 - 2 năm để NSX tối ưu hoạt động cho nó. Bù lại thì trong 2013, như đã từng biết, chúng ta có thể thấy các chip AMD có nhân ARM xuất hiện
trên mặt trận phổ thông. Đấy sẽ là phát pháo đầu tiên mà AMD bung ra sau khi rất nhiều hãng đã tiến bước theo con đường ARM.
Nhưng bằng việc chọn con đường doanh nghiệp, liệu AMD có thể làm nên chuyện?
Tổng hợp.