Pentax K-1 chính thức được giới thiệu, hứa hẹn mang lại cuộc cách mạng mới trên thị trường DSLR Full Frame
Pentax K-1 sẽ chính thức lên kệ vào tháng 4/2016 với giá 1.800 USD.
Cuối cùng sau biết bao lâu chờ đợi, fan hâm mộ Pentax cũng đã "mát lòng" khi hãng này chính thức giới thiệu chiếc máy ảnh Full Frame của mình. Không còn những ảnh "lộ hàng", không còn những dự đoán cấu hình...đúng vậy, giờ đây mọi thứ đã được chính thức và ngày được cầm chiếc máy này trên tay của các bạn sẽ không còn xa vời nữa.
Với đợt giới thiệu này, Pentax khá mạnh miệng khi tuyên bố chiếc Pentax K-1 của họ sẽ "đem lại những bước tiến cách mạng mà chưa có chiếc DSLR nào trước đây có được". Vậy chiếc máy ảnh này có gì? Liệu họ có đủ sức chen chân vào thị trường DSLR Full Frame không?
Về phần cốt lõi bên trong, chiếc Pentax K-1 này được trang bị cảm biến CMOS 36,4 megapixel, loại bỏ bộ lọc lowpass AA filter (khử răng cưa) nhằm đem lại độ sắc nét tốt nhất cho ảnh, độ nhạy sáng ISO cao nhất đạt mức 204.800, sở hữu vi xử lý hình ảnh PRIME IV thế hệ mới cho phép máy chụp được những tấm ảnh RAW 14-bit.
Bên cạnh đó, hệ thống chống rung 5 trục SR II mới cũng được đưa vào cho K-1, khả năng chống rung lên đến 5 stop. Chiếc DSLR này cũng được trang bị hệ thống Pixel Shift để tạo ra những bức ảnh có độ phân giải siêu cao bằng cách di chuyển cảm biến để chụp 4 ảnh ghi nhận màu theo từng pixel, sau đó đồng bộ hóa lại làm 1 giúp tăng chất lượng ảnh lên mức tối đa. Tính năng này cũng đã từng được sử dụng trên Pentax K-3 II.
Về phần lấy nét, Pentax K-1 sử dụng hệ thống lấy nét mới SAFOX 12 với 33 điểm lấy nét AF (trong đó có 25 điểm cross-type).
Mang nhiều sức mạnh bên trong, thiết kế bên ngoài của chiếc K-1 tất nhiên cũng không phải hạng vừa. Thân máy của K-1 tuy trông gọn gàng nhưng vẫn rất chắc chắn, máy có khả năng chống nước, bụi bẩn và hoạt động tốt ở nhiệt độ thấp, vì thế người dùng có thể thoải mái đem thiết bị này đến bất kỳ môi trường khắc nghiệt nào để tác nghiệp.
Mặt sau của chiếc máy này là màn hình LCD kích thước 3,2 inch, độ phân giải 1,04 triệu điểm ảnh, hỗ trợ xoay lật đa chiều - lần đầu trong xuất hiện trong các máy ảnh DSLR. Nhờ sử dụng trục xoay nên người dùng có thể xoay màn hình theo nhiều góc mong muốn khác nhau - quay xuống 44 độ, quay lên 90 độ, quay trái và phải 35 độ.
Video trình diễn khả năng lật xoay màn hình đa chiều của Pentax K-1:
Khả năng xoay lật màn hình độc đáo của Pentax K-1.
Một điểm mới khác trên chiếc K-1 này mà các máy DSLR trước đây chưa hề có chính là hệ thống đèn LED chiếu sáng phía trước và phía sau thân máy giúp người dùng dễ dàng hơn trong thao tác cũng như tháo lắp ống kính, thay thẻ nhớ trong điều kiện thiếu sáng hoặc tối hoàn toàn.
Pentax cũng không quên ưu ái cho người dùng cũ khi cho phép chiếc K-1 hỗ trợ cả ống kính đã từng sử dụng trên các máy DSLR Pentax cảm biến crop trước đây. Theo đó, Pentax K-1 có chế độ chụp Crop Mode, cho phép người dùng chụp ảnh theo đúng kích thước của cảm biến APS-C khi lắp ống kính crop vào. Chính vì thế khách hàng vẫn có thể giữ lại những ống kính cũ, camera này sẽ tự động nhận diện loại ống kính và đưa ra tinh chỉnh hợp lý nhất.
Một số đặc tính khác trên chiếc K-1 này bao gồm ống ngắm quang học có độ phủ "gần như 100%", độ phóng đại 0,70x, chụp ảnh liên tục 4,4 khung hình / giây (liên tục tối đa 23 tấm ảnh RAW hoặc 70 tấm ảnh JPEG), quay phim Full HD tại 30 fps, tích hợp Wi-Fi, GPS, hỗ trợ chế độ chụp HDR, 2 khe thẻ nhớ SD.
Trước mắt sẽ có tổng cộng 12 ống kính Full Frame hỗ trợ cho Pentax K-1 được bán ra cùng lúc với chiếc máy ảnh này, trong đó có cả ống 15-30mm f/2.8 và 28-105mm f/3.5-5.6.
Trên tay Pentax K-1.
Pentax K-1 sẽ chính thức lên kệ vào tháng 4/2016 với giá 1.800 USD.
Tham khảo: Petapixel.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"