Cả hai công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo này đều đang phát triể trình duyệt của riêng mình.
Theo công ty phân tích StatCounter, Google Chrome hiện có hơn 3 tỷ người dùng và nắm giữ hơn 2/3 thị phần trình duyệt toàn cầu, Safari của Apple chỉ đạt 16% thị phần.
Nhưng trong khi Google vẫn đang dẫn đầu thị phần trình duyệt toàn cầu với Chrome, cuộc cạnh tranh mới đang âm thầm hình thành: các công ty phát triển chatbot AI hàng đầu đang lần lượt tung ra trình duyệt web tích hợp trí tuệ nhân tạo, những công cụ vốn đã đang thay đổi cách người dùng lướt web, đe dọa vị thế thống trị lâu năm của gã khổng lồ tìm kiếm.

Vị thế thống lĩnh của Google Chrome đang bị nhiều bên cạnh tranh Ảnh: Internet.
Perplexity trình làng trình duyệt AI Comet
Là một trong những cái tên mới nổi trong làng công nghệ AI, Perplexity đã tạo được dấu ấn với công cụ tìm kiếm thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo. Không dừng lại ở đó, công ty tiếp tục mở rộng “tham vọng hệ sinh thái” của mình bằng việc ra mắt Comet, trình duyệt web đầu tiên của hãng. Khi mới công bố, Comet chỉ khả dụng cho người dùng đăng ký gói Max trị giá 200 USD/tháng, cùng với một nhóm nhỏ người dùng được mời từ danh sách chờ.

Giao diện của Comet - Ảnh: Maxwell Zeff/Perplexity.
Comet không đơn thuần là một trình duyệt hiển thị website như Chrome hay Safari, mà được xây dựng như một trợ lý cá nhân hóa. Người dùng có thể sử dụng Comet Assistant, một tác nhân AI mới được tích hợp trực tiếp vào trình duyệt, với mục tiêu tự động hóa các tác vụ hàng ngày.
Theo Perplexity, Comet Assistant có thể tóm tắt email và lịch, quản lý tab, điều hướng trang web thay người dùng. Trợ lý này hoạt động thông qua một thanh tác vụ ẩn ở mép bên của bất kỳ trang web nào; AI có khả năng đọc nội dung trang web và phản hồi các câu hỏi liên quan đến nó.
Với giao diện mượt mà và khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên sâu sắc, Comet hứa hẹn mang đến trải nghiệm duyệt web linh hoạt hơn, đồng hành cùng người dùng qua miền đất kỹ thuật số.

Comet được tích hợp trong email - Ảnh động: Perplexity.
OpenAI sắp ra mắt trình duyệt tích hợp ChatGPT
Không chịu thua kém, OpenAI, “cha đẻ” của ChatGPT, cũng đang rục rịch tung ra trình duyệt web tích hợp AI trong vài tuần tới. Theo các nguồn thạo tin, trình duyệt này sẽ được tích hợp sâu với hệ thống trò chuyện giống như ChatGPT, cho phép người dùng tương tác trực tiếp với AI ngay trên trình duyệt mà không cần rời sang website khác.
Không dừng lại ở trải nghiệm tìm kiếm, trình duyệt của OpenAI còn đóng vai trò như một trung tâm điều khiển AI, có khả năng thực hiện các hành động thay người dùng như đặt chỗ, điền thông tin, điều hướng các trang web … Tất cả đều được xử lý qua các “AI agent” hoạt động dưới nền.

Sam Altman nuôi mộng soán ngôi vương của Chrome - Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty.
Nguồn tin giấu tên cho biết trình duyệt này được xây dựng trên mã nguồn Chromium, nền tảng đằng sau chính Google Chrome, cho phép OpenAI vừa giữ sự tương thích cao vừa kiểm soát tốt hơn về dữ liệu người dùng. Đây là bước đi đầy chiến lược, trong bối cảnh Google đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý liên quan đến độc quyền tìm kiếm.
Năm ngoái, OpenAI đã tuyển hai cựu phó chủ tịch Google, những người từng là thành viên sáng lập nhóm phát triển Chrome. Theo The Information, OpenAI từng cân nhắc mua lại trình duyệt thay vì tự xây dựng. Một lãnh đạo của OpenAI cũng đã làm chứng hồi tháng 4 rằng công ty sẽ quan tâm đến việc mua lại Chrome nếu cơ quan chống độc quyền buộc Google phải bán trình duyệt số một thế giới.
Cạnh tranh là phát triển: AI tái định nghĩa cuộc chơi trình duyệt
Từ một sân chơi tưởng chừng không đổi trong suốt hơn một thập kỷ, trình duyệt web đang chứng kiến một làn sóng cải tiến mạnh mẽ từ các công ty AI. Cả Perplexity lẫn OpenAI đều đang định nghĩa lại trình duyệt không chỉ là nơi mở trang web, mà là một trung tâm điều phối trí tuệ nhân tạo cá nhân hóa.
Cuộc đua mới đang bắt đầu, nơi người chiến thắng không chỉ sở hữu công nghệ AI mạnh nhất, mà còn là kẻ hiểu người dùng nhất. Trong thế giới hậu ChatGPT, có lẽ chính trình duyệt sẽ là chiến trường tiếp theo để khẳng định vị thế AI.

NỔI BẬT TRANG CHỦ
Trên tay Galaxy Watch8 và Watch8 Classic: Thiết kế "squircle" mới, tích hợp Google Gemini, hỗ trợ đo sức ép mạch máu và chỉ số chống oxy hóa
Galaxy Watch8 Series năm nay có hai phiên bản gồm Watch8 và Watch8 Classic, đều sử dụng thiết kế squircle lần đầu áp dụng cho dòng Watch phổ thông. Bên cạnh thay đổi về kiểu dáng, bộ đôi này còn được trang bị các tính năng sức khỏe mới như đo sức ép mạch máu, chỉ số chống oxy hóa và tích hợp trợ lý Gemini hỗ trợ tiếng Việt.
Khổ thân người dùng Galaxy Z Fold6: Mới được 1 năm mà giờ trông như đồ cổ khi đặt cạnh Galaxy Z Fold7