Phần lớn nội dung số vẫn dùng số khung hình thấp, vậy Samsung chọn 120Hz cho Galaxy S20 để làm gì?
Tần số làm mới cao cho phép màn hình của Galaxy S20, S20+ và S20 Ultra có thể hiển thị tới 120 khung hình mỗi giây. Người dùng nhận được lợi ích gì khi sử dụng màn hình này?
Samsung đã luôn là tên tuổi đi đầu trong công cuộc phát triển màn hình di động, và bộ ba Galaxy S20 cũng không phải là ngoại lệ. Sau những cải tiến với AMOLED, màn hình cong và gần đây là Màn hình Vô Cực, năm nay Samsung đem đến một tiêu chuẩn mới cho màn hình Galaxy S20: mật độ làm mới lên tới 120Hz. Nói cách khác, thay vì chỉ hiển thị được 60 khung hình mỗi giây như phần lớn các mẫu điện thoại khác, Galaxy S20, S20 và S20 Ultra có thể hiển thị tới 120 khung hình.
Với người dùng thông thường, con số 120Hz có thể coi là thừa thãi. Hiện tại, phần lớn các nội dung phim ảnh vẫn bị giới hạn ở mức 60Hz hoặc 24Hz. Vậy, tại sao hãng smartphone số 1 hành tinh lại chọn 120Hz làm cải tiến lớn cho smartphone đầu bảng của mình năm nay?
Màn hình 120Hz cùng OneUI tối ưu hứa hẹn tạo ra trải nghiệm Android mượt mà nhất từ trước tới nay trên Galaxy S20 Ultra.
Câu trả lời đầu tiên đến từ trải nghiệm hàng ngày. Khi sử dụng một mẫu smartphone 120Hz, người dùng sẽ được tận hưởng trải nghiệm thị giác mượt mà nhất có thể trên hệ điều hành và tất cả các ứng dụng. Cuộn trang web trong trình duyệt, gõ phím dạng trượt (swipe typing), kéo thả trên giao diện đồ họa hay các hiệu ứng của hệ điều hành, tất cả đều sẽ trở nên tự nhiên hơn trên màn hình có thể hiển thị tới 120 khung hình mỗi giây.
Các nội dung video 120fps (khung hình/giây) tuy hiếm gặp hơn các định dạng thấp hơn nhưng vẫn tồn tại. Tại sự kiện công nghệ đầu năm CES 2020, một loạt các nhà sản xuất camera chuyên dụng đều đã vén màn thiết bị có thể quay video 120fps. Nếu không sử dụng những chiếc smartphone có màn hình cao cấp như S20 Ultra, người dùng sẽ không thể tận hưởng hết sự sống động và chân thực của loại video mới mẻ này.
Trên khía cạnh công nghệ, điều này cũng có nghĩa rằng sức mạnh của chiếc smartphone sẽ được "giải phóng". Qua từng năm, sức mạnh đồ họa của chip di động vẫn gia tăng đều đặn, song dù có mạnh mẽ đến mấy thì sức mạnh này vẫn không được thể hiện khi màn hình chỉ có thể hiển thị tối đa 60 khung hình mỗi giây. Với màn hình 120Hz, trải nghiệm hệ điều hành và video nay đã có thể vươn lên tầm cao mới.
Màn hình 120Hz trên cấu hình mạnh mẽ biến Galaxy S20 Ultra thành lựa chọn tuyệt vời cho game thủ.
Mà đã nói đến sức mạnh tính toán là phải nhắc ngay đến đối tượng người dùng có đòi hỏi cao nhất: game thủ. Do các tựa game nhiều người chơi đều đòi hỏi game thủ phải theo dõi và phản xạ nhanh hết mức có thể, tốc độ làm mới 120Hz trên Galaxy S20 sẽ tạo ra lợi thế quan trọng trong những ván đấu "căng não".
Hiện tại, số lượng game hỗ trợ 120Hz trên chợ Google Play đã vượt quá con số 200, trong đó có các tựa game rất được ưa chuộng như Marvel Contest of Champion, Vainglory, Dead Trigger 2, Dota Underlords, Minecraft v…v… Bất kỳ một game thủ nào từng được trải nghiệm game trên màn hình tần số cao đều sẽ cảm nhận sự khác biệt so với màn hình kém cao cấp, và Galaxy S20 đơn giản là trải nghiệm game tuyệt vời nhất vào lúc này. Được sản xuất trên công nghệ 7nm, con chip lõi tám Exynos 990 và dung lượng RAM 12GB hứa hẹn sẽ tận dụng đầy đủ thế mạnh của màn hình 120Hz. Giao diện OneUI của Samsung cũng được đánh giá là bộ ROM hàng đầu thế giới hiện nay về trải nghiệm và độ ổn định, thay vì gây nặng máy và cản trở trải nghiệm chơi game như các bộ ROM "nhái" iOS từ Trung Quốc.
Với Galaxy S20, Samsung thiết lập một tiêu chuẩn màn hình mới mà tất cả các hãng smartphone khác, tất cả các nhà phát triển ứng dụng hay các studio phim đều sẽ theo đuổi.
Quan trọng hơn hết, Samsung vén màn bộ ba Galaxy S20 có màn hình 120Hz là để thúc đẩy trải nghiệm nghe nhìn của toàn bộ ngành công nghiệp di động lên một tầm cao mới. Gã khổng lồ Hàn Quốc đã làm điều này không chỉ một lần. Khi Samsung vén màn Galaxy Note vào năm 2011, các hãng smartphone khác vội vã học theo Samsung tăng kích cỡ màn hình. Khi Samsung ra mắt phiên bản màn cong cho Galaxy S6 (S6 edge) năm 2014, các hãng khác cũng đồng loạt từ bỏ màn hình "phẳng" – 100% smartphone đầu bảng hiện nay vuốt cong ở các cạnh. Khi Galaxy S8 mở màn cho cuộc đua "Vô Cực", Netflix cũng bắt đầu sản xuất nội dung có tỷ lệ 2:1. Công nghệ OLED ngày nay được coi là tiêu chuẩn bắt buộc trên điện thoại cũng là do Samsung khởi xướng: 10 năm trước, chiếc Galaxy S thế hệ đầu cũng là mẫu flagship đầu tiên có màn AMOLED chất lượng cao.
Bên ngoài thị trường smartphone, chính Samsung là kẻ đã mở ra kỷ nguyên HD và công nghệ LCD. Sức ảnh hưởng của gã khổng lồ Hàn Quốc lên thị trường di động nói riêng và thị trường hi-tech toàn cầu là không thể bàn cãi. Khi Galaxy S20 được trang bị màn hình 120Hz, các đối thủ rồi sẽ phải vội vã chạy theo, các nhà phát triển ứng dụng/game và các dịch vụ stream/các studio sản xuất nội dung cũng sẽ tìm cách để tận dụng lợi thế của thế hệ Galaxy S mới. Với người dùng Galaxy S20, S20 hay S20 Ultra lúc này, họ đơn giản là đang đi trước thời đại. Không chỉ toàn diện về mọi mặt, những chiếc Galaxy S 2020 còn đang mang trong mình trải nghiệm nghe nhìn của tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI